Đó là cách gọi thân thương của chúng tôi với ông Nguyễn Anh Hào – nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm. Không chỉ bởi đó là tên thật của ông, biệt hiệu ấy còn thể hiện sự ngợi ca về những thành quả ông đã xây dựng nên cho nhà trường phát triển như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Anh Hào trong một buổi làm việc về hợp tác đào tạo với CHLB Đức
Trong ánh nắng vàng lấp lánh và gió heo may nhè nhẹ của tiết trời thu, rót chén trà nóng tỏa hương nồng ấm mời khách, ông Nguyễn Anh Hào bồi hồi nhớ lại: Tháng 3 năm 2002, ông được giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm. Ngày ấy, Trường được thành lập năm 2000 trên cơ sở sáp nhập Trường Đào tạo nghề mỏ Hòn Gai và Trường Đào tạo nghề mỏ Cẩm Phả. Lúc bấy giờ, bao vây ngôi trường là muôn vàn cái khó. Cơ sở vật chất gồm lớp học, nhà làm việc, xưởng thực tập… đều đã cũ và xuống cấp. Các trang thiết bị dạy học thiếu thốn, không đồng bộ. Trong khi đó, nhà trường hoạt động bằng nguồn kinh phí do ngân sách cấp theo chỉ tiêu đào tạo và một phần tự trang trải, đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CB, GV, CNV) khó khăn…
Ông Hào tâm sự, đang làm Phó TGĐ Tổng Công ty TVN được điều về làm Hiệu trưởng trường nghề, nhiều người cũng nhìn ông đầy ái ngại. Nhưng, không nề hà, ông bắt tay vào nhiệm vụ mới với bộn bề công việc. Mục tiêu phấn đấu là làm sao để đẩy mạnh phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực không chỉ cho TVN mà cho cả xã hội, nâng cao vị thế, thương hiệu của trường dạy nghề ngành Than và phải làm tốt như những gì ông đã tạo dấu ấn trên cương vị Phó TGĐ đầu tiên của Than Việt Nam với đủ lĩnh vực phụ trách: Tiêu thụ, Vật tư thương mại, Lao động tiền lương và đào tạo… Với tầm nhìn sâu rộng, ông nhận thấy cần phải đổi mới mạnh mẽ từ tư duy, cách nghĩ, cách làm, nhất là sự chủ động trong tài chính, không phụ thuộc vào ngân sách và CB, GV, CNV không những phải “sống được” bằng nghề mà còn phải “sống tốt”.
Một trong những việc ông làm đầu tiên là xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển của nhà trường. Chiến lược chủ yếu tập trung vào đào tạo các nghề mỏ hầm lò và các nghề đáp ứng cho sản xuất của TVN và mở rộng đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, liên kết đào tạo đại học, cao học tạo doanh thu cho nhà trường… Cùng với đó, ông thực hiện việc thay đổi chính sách, cơ chế đào tạo, nhất là thực hiện tự chủ về tài chính, bộ máy quản lý… từ đó thay đổi tư duy, nhận thức của CB, GV, CNV và dần thích ứng với cơ chế thị trường. Ngay từ năm 2003, nếu như các trường dạy nghề trong toàn quốc vẫn chủ yếu hoạt động bằng ngân sách Nhà nước cấp thì Trường Đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm đã tự chủ vững chắc về tài chính.
Hiệu trưởng Nguyễn Anh Hào đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ CB, GV và chú trọng đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đào tạo. Những chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý mới đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của CB, GV, CNV, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhà trường có những bước phát triển, cân đối được thu chi và có lãi tạo nguồn quỹ đầu tư phát triển để xây dựng CSVC và đầu tư trang thiết bị dạy học.
Ông Nguyễn Anh Hào là người có tầm nhìn xa, trông rộng, luôn đổi mới và hành động. Trong lãnh đạo điều hành, ông lại càng năng động, quyết đoán. Mọi người thường thấy ông đôn đáo chạy đi chạy lại, lúc thì vào Hoành Bồ, khi ra Tiên Yên, Móng Cái… để chỉ đạo công việc. Trong thời gian từ năm 2003-2006, nhà trường đã thật sự “thay da đổi thịt”: Các công trình nhà lớp học, ký túc xá, thư viện, hội trường, nhà ăn, nhà rèn luyện thể chất, nhà hiệu bộ, sân tập lái xe… tại Phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ được xây dựng hoàn toàn mới chủ yếu bằng nguồn quỹ đầu tư phát triển của nhà trường. Các phân hiệu, trung tâm đào tạo khác cũng được mở mang và xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại như Ký túc xá 9 tầng, nhà lớp học, sân tập lái xe, đường lò thực tập… Ở Phân hiệu Đào tạo Cẩm Phả và Trung tâm Hợp tác đào tạo, cùng với trang thiết bị dạy học như các máy đào lò, máy khấu, khoan, xúc, các thiết bị cơ khí CNC…. Song song đó, nhà trường còn xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, xây dựng tiêu chuẩn giáo viên nghề, có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng cho CB, GV nâng cao trình độ. Nếu như năm học 2003-2004, toàn trường chưa ai có trình độ thạc sỹ thì đến năm học 2007-2008 đã có gần 10 thạc sỹ, số giáo viên đang học cao học là 43 người.
Hàng loạt lĩnh vực mà ông Hào đã “nhìn” thấy và đi tiên phong thực hiện, mang lại thành công cho nhà trường như tự chủ về tài chính; đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; mở rộng các cơ sở đào tạo; nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên… Ngày 02/8/2006, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã quyết định thành lập Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm trên cơ sở nâng cấp Trường Đào tạo Nghề mỏ Hồng Cẩm, là một trong những trường dạy nghề đầu tiên trong toàn quốc được nâng cấp thành trường cao đẳng nghề và năm học 2007-2008, nhà trường cũng là trường nghề đầu tiên thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trước khi nghỉ chế độ, trong 2 năm 2006-2008, ông Hào vẫn “kịp” thành lập thêm Phân hiệu Hợp tác đào tạo Hòn Gai, Phân hiệu Đào tạo Móng Cái, Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề mỏ…
Cuối buổi trò chuyện, ông Hào cười bảo: Sáu năm làm Hiệu trưởng là quãng thời gian đầy khó khăn, cũng chưa làm được gì nhiều và còn những việc cần phải tiếp tục. Nhưng với CB, GV, CNV nhà trường, những gì mà ông đã làm và để lại là một nền tảng vô cùng to lớn và vững chắc. Từ một trường đào tạo nghề chủ yếu cho ngành Than, ông đã lãnh đạo nhà trường mở rộng đa dạng các nghề đào tạo, các hệ, thời gian đào tạo, tạo điều kiện cho mọi đối tượng có nhu cầu học tập, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá giáo dục. Những đóng góp ấy cùng với tên tuổi ông Nguyễn Anh Hào đã tạo tiền đề cho trường phát huy nội lực, thay đổi diện mạo, thực hiện tốt nhiệm vụ đáp ứng nguồn nhân lực cho Tập đoàn TKV ngày nay.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/anh-hao-cua-truong-mo-201611102322549646.htm” button=”Theo vinacomin”]