Sau gần 4 thập kỷ công tác, trưởng thành từ người thợ, người cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và được đề bạt nhiều chức vụ quan trọng trong Tập đoàn, nay đã về nghỉ chế độ… nhưng dù ở cương vị nào, còn làm việc hay đã nghỉ, cảm giác khi tiếp xúc với ông vẫn là sự nhiệt tình, cởi mở, sự lôi cuốn… Ông là Bùi Văn Khích, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, nguyên Ủy viên BTV tỉnh ủy Quảng Ninh, nguyên Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh.
Sau khi tốt nghiệp ngành khai thác hầm lò tại Cộng hoà Ba Lan về nước, Kỹ sư Bùi Văn Khích được phân công về Vùng mỏ. Nơi đầu tiên ông gắn bó là Công ty than Hòn Gai. Trưởng thành từ một cán bộ kỹ thuật nhiệt tình, tâm huyết với phong trào Đoàn, ông được tín nhiệm giao làm Bí thư Đoàn Thanh niên, Bí thư Đảng uỷ Xí nghiệp Xây lắp mỏ Hòn Gai rồi làm Giám đốc Xí nghiệp… Sau chặng đường cống hiến công tác từ thực tiễn sản xuất, kinh qua những công việc của một cán bộ quản lý có nhiều năng lực vượt trội, ông được bầu làm Bí thư Đảng uỷ Công ty than Hòn Gai, Bí thư Đảng uỷ Than Quảng Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh… Mỗi chặng đường đi qua là đều ghi nhiều dấu ấn của một người cán bộ quản lý gắn liền với công tác Đảng, công tác chính trị – xã hội của một đơn vị, cho tới một vùng than rộng lớn đang ngày càng phát triển, với hàng vạn đảng viên.
Thế hệ chúng tôi không được tiếp xúc và làm việc với ông thời trẻ. Nhưng những năm ông đã gần ở độ tuổi “lục tuần”, chúng tôi thường được may mắn gần gũi ông nhiều hơn trong những lần theo chân ông và đoàn công tác đi kiểm tra công tác môi trường tại những vùng đồi núi như Đồng Rì, bãi thải Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, những con đường vận chuyển than chuyên dùng tại Mông Dương, Dương Huy… Leo trèo trên con đường đồi núi gập ghềnh, hay lội qua những khe suối khó khăn, ông vẫn đi phăm phăm khiến chúng tôi chỉ bám theo đã mệt. Có lẽ bởi, mặc dù ông là sếp nhưng có cái “eo” thon chứ không “phệ” như nhiều người vẫn nghĩ về các sếp. Đến đâu ông cũng chỉ ra nhiều công việc phải thế này, phải thế kia và nói với các đồng nghiệp về bức tranh sau khi hoàn thành công trình; làm thế nào phải xanh hóa và tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho những người dân sống tại khu vực đó…
Ấn tượng hơn cả là những năm ông phụ trách phong trào thi đua khen thưởng của Tập đoàn. Cả Vùng mỏ lúc nào cũng sôi động bởi các phong trào thi đua nối tiếp nhau: Thi đua giành năng suất kỷ lục, thi đua lao động sáng tạo, thi đua về đích sớm… Tất cả những phong trào ấy đều được định kỳ sơ tổng kết và khen thưởng từ cấp công trường, phân xưởng cho đến cấp Công ty và Tập đoàn. Những người thợ mỏ dù làm những việc nhỏ nhất góp sức cho việc hoàn thành nhiệm vụ chung đều được khen thưởng kịp thời. Do vậy phong trào cũng từ đó được nhân lên. Phong trào văn hóa văn nghệ được tổ chức đều đặn từ các cấp Công ty đến Tập đoàn. Có lẽ cũng vì những năm trước, ngành Than chưa gặp phải nhiều khó khăn, nên nhiều đơn vị đầu tư hàng trăm diễn viên không chuyên là những người thợ về tập văn nghệ để chuẩn bị cho các hội diễn. Thợ mỏ được khoác lên mình những chiếc váy, áo đẹp nhất bước lên sân khấu như những diễn viên chuyên nghiệp. Khắp nơi, người ta bàn tán về tiết mục này, giải thưởng kia… Đó thực sự là những ấn tượng để đời đối với mỗi người thợ. “Là người phụ trách lĩnh vực này, mình thấy đó thực sự là những niềm vui. Trong đời sống lao động vất vả, thợ mỏ cần được quan tâm không chỉ đến tiền lương, thu nhập mà còn cần được quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm hồn, cái không thể thiếu đối với bất cứ ai” – ông Khích tâm sự. Quả thực, phong trào văn hoá thể thao do ông trực tiếp chỉ đạo trong nhiều năm như được thổi lửa và trở nên sôi nổi, mang dáng dấp riêng của Thợ mỏ ngành Than.
Từ nhiều năm nay, Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội của cả nước lẫn trong Ngành, trong đó Tập đoàn có hỗ trợ 3 huyện nghèo nhất nước. Đó là huyện Đam Rông (Lâm Đồng), huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và huyện Ba Bể (Bắc Cạn). Tất cả những nơi đó, ông Khích đều đã trực tiếp đến. Ông tâm sự, mình giúp đỡ họ không chỉ đơn giản là mang tiền đến, mà muốn xem họ làm như thế nào, mình có tư vấn được gì không. Những tình cảm đó được các đồng chí lãnh đạo các huyện, các xã cảm phục.
Mặc dù đã nghỉ công tác, nhưng ông vẫn dành thời gian đến thăm thợ mỏ và những anh em đồng nghiệp. Trong những lần như thế, ông luôn cảm thấy phấn chấn, hào hứng và kể nhiều câu chuyện vui về thợ mỏ, về những kỷ niệm vui buồn của những năm tháng ông còn công tác.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-thoi-lua-cho-nhung-phong-trao-2016111023171478.htm” button=”Theo vinacomin”]