Có những thế hệ đã làm nên cả một lịch sử, có những sự kiện đã để lại nỗi niềm xúc động khôn nguôi… Buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai của Hội Khoa học và công nghệ Mỏ Việt Nam hôm ấy đã đọng lại trong tôi thật nhiều cảm xúc.
Hội trách nhiệm – nghĩa tình
Là tổ chức tự nguyện của những công dân Việt Nam làm công tác khoa học – công nghệ mỏ; là thành viên tự nguyện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp nhằm tập hợp những người làm công tác khoa học – công nghệ mỏ Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nhằm đoàn kết giúp đỡ nhau phát huy tài năng và trí tuệ, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và đời sống, xây dựng một nền khoa học – công nghệ mỏ phát triển để phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành mỏ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Chính bởi ý nghĩa thiết thực đó nên năm tháng trôi qua, dẫu trải qua muôn vàn gian khó, song có lẽ ít có Hội nào, các hội viên của cả hội lại có mối liên hệ và gắn bó với nhau đến vậy. Điều đó trước hết được thể hiện qua việc các hội viên luôn có mặt đông đủ trong các dịp kỷ niệm, hội họp, hội thảo… Và lễ kỷ niệm lần này cũng không ngoại lệ. Hình ảnh những lẵng hoa tươi thắm, những cái bắt tay nồng nhiệt, những cái ôm siết chặt, tiếng nói cười râm ran của từng tốp, từng tốp, ba – bốn – năm – sáu – bảy người, toàn các bác cao niên trong Hội; không khí náo nhiệt vui tươi và âm thanh rộn ràng lan khắp từ dưới sảnh đến hành lang tầng 2 Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội cũng làm tôi thấy vui lây niềm vui của các thành viên trong Hội. Và đặc biệt sự có mặt của cụ Nguyễn Văn Trân, lão thành Cách mạng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Đặc khu Quảng Ninh, Bí thư Thành ủy Hà Nội – một trong những người sáng lập ra Hội còn lại đến bây giờ năm nay đã tròn 100 tuổi càng làm cho không khí buổi lễ thêm ấm áp. Nghe các bác trong Hội kể lại, cách đây đúng nửa thế kỷ, tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất các đại biểu đã rất hoan nghênh sự ra đời của Hội mỏ Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Trân khi đó có nói: “… chúng ta phải động viên toàn thể anh em trong ngành mỏ sản xuất, chống Mỹ cứu nước và chuẩn bị tốt cho tương lai. Để chuẩn bị tốt, có chính quyền, có cơ quan khoa học kỹ thuật nhưng lực lượng quần chúng là quan trọng. Hội mỏ ra đời là một tổ chức tốt để động viên anh em hoạt động…”. Và đến nay, sau nửa thế kỷ, dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cụ vẫn có mặt để động viên và chúc mừng anh em trong Hội. Chính vì thế mà đương kim Chủ tịch Hội Trần Xuân Hòa dù đang rất bận rộn với việc điều hành buổi lễ nhưng đã đích thân ra tận xe đỡ cụ vào hội trường đến tận chỗ ngồi và tiễn cụ lên xe khi buổi lễ kết thúc.
Trong buổi lễ hôm ấy, tôi còn được nghe thêm nhiều câu chuyện rất xúc động về tình cảm cũng như trách nhiệm của những con người đã làm việc quên mình vì sự nghiệp phát triển ngành mỏ nước ta như chuyện cô Mỵ – cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công việc Văn phòng Hội. Những năm tháng chiến tranh, Hội không có điều kiện hoạt động bình thường, cơ quan phải đi sơ tán nhiều nơi nhưng cô vẫn giữ được con dấu của Hội cho đến năm 1985; chuyện quỹ Hội chỉ vẻn vẹn có 33 ngàn đồng – một khoản tiền nhỏ với giá trị khi đó chỉ bằng khoảng một vài tấn than; chuyện các bác, các chú trong Hội đã xoay sở như thế nào để lo trụ sở làm việc của Hội và tổ chức thành công hàng loạt các sự kiện, hội thảo khoa học mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Và cả cái cách các bác, các chú quan tâm, chăm lo đến sức khỏe của các bác cao niên trong Hội ra sao… Thế mới thấy cái trách nhiệm, cái nghĩa tình của những thành viên trong Hội đáng quý và đáng trân trọng biết chừng nào!
Khẳng định uy tín của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp
Sau chương trình văn nghệ chào mừng, cả hội trường như lắng lại trước báo cáo – diễn văn của Chủ tịch Hội Trần Xuân Hòa. Đó như một thước phim quay chậm tái hiện lại hình ảnh từ những ngày đầu gian khó đến những bước trưởng thành, phát triển của Hội như ngày hôm nay.
Nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đã từng bước phát triển, trở thành một tổ chức Hội có uy tín lớn trong lĩnh vực tư vấn, giám sát, phản biện khoa học. Từ 32 chi hội với 1374 hội viên ban đầu, đến nay, sau 8 kỳ đại hội, Hội đã phát triển với 105 chi hội và phân hội với 4.000 hội viên sinh hoạt tại các chi hội, phân hội chuyên ngành trong các doanh nghiệp khai thác mỏ; trong các viện nghiên cứu khoa học, cơ quan tư vấn, các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề mỏ trên khắp mọi miền của đất nước. Những hoạt động của Hội được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các đối tác trong, ngoài nước và cộng đồng các doanh nghiệp đánh giá cao.
50 năm là một chặng đường không phải quá dài trong lịch sử hình thành và phát triển của một tổ chức nhưng khoảng thời gian đó đủ để Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam ngày càng lớn mạnh và khẳng định uy tín của mình. Buổi lễ kỷ niệm đã thành công tốt đẹp trong niềm tự hào của nhiều thế hệ. Kết thúc buổi lễ cũng là mở ra một trang mới, một sứ mệnh mới đang đặt lên vai của các cấp lãnh đạo Hội đương nhiệm. Đó là cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để tiếp tục củng cố tổ chức và phát triển hội viên; đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật mỏ; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu trao đổi trong và ngoài nước về hoạt động khoa học ứng dụng trong ngành mỏ; tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, phản biện, kiến nghị chính sách liên quan đến các dự án có tầm ảnh hưởng lớn… góp phần phát triển ngành công nghiệp mỏ nói riêng và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước nói chung như lời Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhắn nhủ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/lang-dong-tu-mot-buoi-le-201701201511401257.htm” button=”Theo vinacomin”]