Tháng 11/2016, Công ty Phục vụ đời sống Bộ Năng lượng – nay là Công ty Đầu tư – Thương mại và Dịch vụ ( ITASCO ) – vừa tròn 30 tuổi. Công ty ra đời như “một mũi đột phá” trong hoàn cảnh ngành Than cực kỳ khó khăn về đời sống. Sự tàn phá của 3 cuộc chiến tranh (chống Mỹ 20 năm, chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, Pol Pot xâm lược biên giới Tây Nam bộ) cùng với sự kéo dài cơ chế quan liêu, bao cấp đã đẩy nước ta vào thời kỳ cực kỳ gian khổ: Đói ăn, thiếu mặc kéo dài. Ngành Than chịu chung số phận ấy, nhưng lại là nơi tập trung đông công nhân lên đến gần chục vạn thợ mỏ, thợ cơ khí mỏ. Nhà nước yêu cầu sản xuất nhiều than phục vụ công nghiệp, nông nghiệp nhưng cơ chế quản lý lại trì trệ. Vùng Mỏ không chỉ thiếu gạo, thiếu thực phẩm, thiếu hàng công nghệ phẩm theo tiêu chuẩn chế độ được cung cấp theo tem phiếu mà thiếu cả tiền mặt để trả lương, bảo hiểm xã hội. Nhiều gia đình công nhân, nhất là các gia đình đông con đã bị đứt bữa hay ăn cháo thay cơm. Tháng tháng, công nhân mỏi mắt chờ nhận lương, mua gạo sổ mà tiền mặt vắng bóng, gạo chả thấy về… Thử hỏi, làm sao sản xuất được nhiều than?
Trong bối cảnh đó, năm 1981, Lãnh đạo Bộ Mỏ và Than đã có một quyết định táo bạo. Đó là xin Chính phủ cho làm “kế hoạch 3”, tức là làm thêm than nhặt để xuất khẩu lấy ngoại tệ mua thêm gạo, thịt, nhu yếu phẩm cho thợ mỏ. Ở Công ty than Hòn Gai mỗi tháng mỗi người được thêm 3kg gạo ăn giữa ca, 1kg thịt và được mua một số thứ khác như mỳ chính, đường, vải… Than nhặt không chỉ xuất khẩu mà còn được đổi cho Nhà máy Phân đạm Hà Bắc theo mức 3kg than cục xô loại tốt ăn 1kg phân đạm và từ 1kg đạm đổi lấy 1kg gạo. Nhờ “than nhặt” mà thợ mỏ sống dễ thở hơn. Tuy nhiên “than nhặt ” cũng có mặt trái của nó, nhưng không phải chủ đề của bài viết này, xin được đề cập vào dịp khác.
Dấn thêm một bước, vào nửa cuối năm 1986, khi vừa được giao nhiệm vụ Quyền Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than thay Bộ trưởng Nguyễn Chân đi nhận nhiệm vụ khác, tiến sỹ Trần Anh Vinh đã xin Cụ Mười (Phó thủ tướng Chính phủ) cho tách Liên hiệp các xí nghiệp than Hòn Gai thành 3 Công ty: Than Hòn Gai, Than Cẩm Phả và Cơ khí mỏ để tăng tính năng động. Tháng 11 năm đó, khi Bộ Mỏ và Than vừa hợp nhất lại với Bộ Điện lực thành Bộ Năng lượng, Thứ trưởng thứ nhất Trần Anh Vinh đã quyết định thành lập Công ty Phục vụ đời sống để chuyên lo gạo, thịt, hàng công nghệ phẩm cho toàn ngành Than từ tiền than nhặt xuất khẩu và đổi hàng với Đạm Hà Bắc… Bộ cũng xin Chính phủ cho ngành Than được tự lo gạo theo tiêu chuẩn 218 thay cho hệ thống mậu dịch và giao cho công ty đảm nhận. Nhiệm vụ ấy mới thực sự thách thức ý chí và năng lực của Công ty. Công ty được sử dụng trụ sở Chi nhánh vật tư Than Hòn Gai tại số 10 Hồ Xuân Hương, Hải Phòng làm trụ sở chính. Anh Phạm Tân Luật – Phó Giám đốc Công ty than Uông Bí được chọn làm giám đốc đầu tiên. Từ năm 1988, anh Đào Thẩm – Phó giám đốc Công ty than 3 đã thay anh Luật đứng đầu công ty với nhiều cải tiến năng động làm gia tăng khối lượng và chất lượng hàng hoá phục vụ đời sống thợ mỏ thông qua việc hợp tác trao đổi ngoại tệ, hàng hoá với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, trước hết là Long An. Nhờ vậy mà thợ mỏ có đủ gạo tiêu chuẩn, thêm gạo từ than nhặt, lại không phải ăn gạo mốc nhiều sạn như trước. Niềm vui đó thật lớn lao! Có thể nói rằng trong những năm khó khăn ấy (1986-1992), Công ty Phục vụ đời sống đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cho Ngành Than hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, giữ vững đội ngũ thợ mỏ, thợ cơ khí mỏ. Công ty xứng đáng được tôn vinh, được thợ mỏ ghi nhớ.
Năm 1992, Nhà nước xoá bỏ chế độ tem phiếu, nhờ “Đổi mới” mà gạo, thịt, hàng hoá đã dồi dào. Nhiệm vụ “phục vụ đời sống” của Công ty nhẹ bớt đi. Trước đó Bộ Năng lượng đã chuyển công ty về trực thuộc Công ty than 3 có trụ sở tại Đông Anh Hà Nội. Công ty đã thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Năm 1996, Công ty đã trở thành thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Than Việt Nam với sự bổ sung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật và nhiệm vụ từ các xí nghiệp khu vực Hải Phòng của Công ty Xuất nhập khẩu than và Cung ứng vật tư Coalimex, để Coalimex tập trung vào xuất khẩu than và nhập khẩu vật tư, thiết bị.
Vào những năm 2005-2008, Tổng Công ty Than đã cho phép Công ty được hợp tác với các mỏ than hoặc tự mình khai thác một số lộ vỉa than nhằm tăng năng lực thực hiện chiến lược phát triển thành công ty chuyên về đầu tư, thương mại và dịch vụ. Đã có những lúc Công ty gặp nhiều trở ngại tưởng chừng khó vượt qua sau khi không còn được làm than và đã chuyển thành công ty cổ phần, nhất là sau đợt Tập đoàn rút vốn chủ sở hữu xuống còn 36% với khoản nợ phải trả cho Tập đoàn khá lớn và thị trường nội bộ ngành cứ giảm dần…
Vậy mà Công ty vẫn đứng vững bằng các hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả ngoài TKV, lấy lãi trả nợ cho TKV và đến nay số nợ đó đã được thanh toán xong! Nghe nói TKV và Công ty đang định chuyển sang giai đoạn mới. Theo đó Công ty không còn là công ty con của tập đoàn mà sử dụng thương hiệu TKV có trả phí. Như vậy sự phụ thuộc sẽ ít đi nữa, tính độc lập sẽ cao hơn nữa và sẽ năng động hơn nữa, tự quyết lấy những vấn đề của mình cùng các cổ đông khác trong đó có cổ đông đến từ Cộng hoà Liên bang Đức. Được như vậy là nhờ Công ty có bộ máy lãnh đạo đủ tầm.
Đến đây có thể có bạn đọc sẽ hỏi : Vậy cáp treo ở đây là thế nào mà tên của bài này lại là : “30 năm từ Hạt gạo đến Cáp treo”? Xin thưa, chả là hôm mồng 10 tháng 12 vừa rồi, các giám đốc TKV nghỉ hưu tại Hà Nội được Công ty Đầu tư – Thương mại – Dịch vụ ( ITASCO ) mời đi thăm Chùa Ngoạ Vân ở Đông Triều – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Trước đây, ít ai dám lên Ngoạ Vân, bởi di tích đã thành phế tích và phải trèo đèo, lội suối 3-4 tiếng đồng hồ. Nay, chùa cũ đã được tôn tạo, chùa mới to đẹp hơn đã được khánh thành. Đặc biệt mọi người có thể đến gần sát chùa mới bằng hệ thống cáp treo hiện đại do người Pháp hợp tác thiết kế và cung cấp thiết bị. Các cán bộ Than hưu trí đã ngạc nhiên khi được biết hệ thống cáp treo đó do ITASCO trúng thầu chủ trì đầu tư. Một số bác cao niên đã bày tỏ: “Đời chúng tôi chỉ biết làm than thôi mà đã thấy khó, nay các anh không chỉ làm ra nhiều than, lại còn làm cả cáp treo và nhiều thứ khác nữa. Các anh giỏi thật!”
Chia sẻ mấy điều trên với bạn đọc, nhất là với những người Ngành Than đã sống qua giai đoạn bao cấp khó khăn để thêm tin vào đội ngũ của mình, thêm tin vào lớp trẻ rằng: Họ sẽ vượt lên bất chấp thử thách và cũng là để tri ân những người đi trước đã tiên phong, phá vỡ hiện trạng, mở ra cơ hội giúp cho thợ mỏ bớt đói, bớt nghèo, đi đến ấm no, hạnh phúc. Tất nhiên, không thể quên được lời tri ân và lời chúc “Tiếp tục Thành công” đối với ITASCO!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/30-nam-tu-hat-gao-den-cap-treo-201701201509001638.htm” button=”Theo vinacomin”]