Mười năm có lẽ là quãng thời gian chưa quá dài nhưng cũng đủ ghi những dấu ấn đầy tự hào của CBCNV Công ty Luyện đồng Lào Cai (nay là Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai – VIMICO). Từ buổi sơ khai, trải qua biết bao thăng trầm, đến nay, Luyện đồng Lào Cai đã ngày càng khẳng định được tầm vóc của mình ở vùng đất Tây Bắc cũng như đóng góp hiệu quả vào kết quả chung của Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (VIMICO). Hành trình một thập kỷ ấy còn ghi dấu những nỗ lực vượt bậc của một đội ngũ trẻ dám khát vọng, giàu nhiệt huyết và tràn đầy sức sáng tạo để không ngừng vươn xa.
Những dấu mốc không quên
Chắc hẳn, với các thế hệ cán bộ, công nhân lao động gắn bó với Luyện đồng Lào Cai, mỗi bước trưởng thành của đơn vị đều mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt – đó là những năm tháng không thể nào quên – dẫu gian khó nhưng đầy tự hào.
Đầu tiên phải kể đến ngày 17/9/2003, Dự án tổ hợp đồng Sin Quyền Lào Cai do Tổng công ty Khoáng sản – TKV làm chủ đầu tư chính thức được khởi công, đánh dấu bước đặt nền móng đầu tiên cho những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của các đồng chí lãnh đạo Tổng công ty Khoáng sản lúc bấy giờ. Dự án đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về chế biến sâu tài nguyên khoáng sản của đất nước cũng như nâng cao vai trò, vị trí hàng đầu của Tổng công ty Khoáng sản trong lĩnh vực khai thác và chế biến kim loại màu tại Việt Nam. Tiếp đến, ngày 22/12/2004, Tổng công ty Khoáng sản tiến hành động thổ xây dựng hạng mục đầu tiên của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai tại khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai – đây là cột mốc quan trọng tiếp theo trong quá trình xây dựng của Nhà máy.
Ngày 1/8/2007, Tổng công ty Khoáng sản ban hành quyết định số 324 của HĐQT ngày 23/7/2007 về việc thành lập Công ty Luyện đồng Lào Cai (nay là Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai – VIMICO). Sau ngày thành lập, Tổng công ty Khoáng sản và liên doanh nhà thầu thi công đã khẩn trương bắt tay vào việc chạy thử đơn động, liên động không tải các dây chuyền công nghệ, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chạy thử có tải dây chuyền công nghệ hỏa luyện. Vào hồi 15h05′ ngày 13/11/2007, đồng chí Lê Văn Uyên – Giám đốc đầu tiên của Chi nhánh đã châm lửa nhóm sấy lò SKS bắt đầu khởi động có tải dây chuyền công nghệ, đánh dấu thời điểm bắt đầu sản xuất.
Tiếp sau đó là những giây phút vui mừng tột độ khi mọi người cùng được đón nhận những tấm đồng dương cực đầu tiên được cẩu ra khỏi mâm đúc trong ngày 19/4/2008. Hòa trong niềm vui vỡ òa là những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười hân hoan chúc mừng thành quả lao động đã được ghi nhận. Không dừng lại ở đó, đến ngày 22/6/2008, Nhà máy tiếp tục cho đóng điện chạy thử có tải các bể điện phân mồi, bể tuần hoàn dung dịch… kết nối toàn bộ dây chuyền công nghệ. Ngày 25/08/2008, trong không khí phấn khởi và tự hào, Tổng công ty Khoáng sản long trọng tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Luyện đồng Lào Cai. Về dự và động viên CBCNV Tổng công ty Khoáng sản có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Điều đặc biệt, Nhà máy Luyện đồng Lào Cai đã được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành. Vậy là, chỉ 4 tháng sau khi kết nối toàn bộ dây chuyền công nghệ, đến tháng 10/2008, năng suất điện phân đồng đã đạt 618,43 tấn đồng cathode/tháng, tiếp tục đánh dấu sự trưởng thành nhanh chóng của Nhà máy.
Thời gian trôi đi, những khuôn mặt trẻ trung ngày nào giờ đây đã là những người lãnh đạo, là những cá nhân xuất sắc của Luyện đồng Lào Cai – họ vẫn đang miệt mài cống hiến hết mình cho đơn vị. Ghi nhận những thành quả lao động đầy công sức và trí tuệ của Luyện đồng Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Công ty (01/8/2007 – 01/8/2012). Đồng thời, trong cùng ngày, đơn vị đón tấn đồng cathode thứ 27.785 ra đời như một mốc đánh dấu ghi lại thành tích trong chặng đường 5 năm. Bằng sự nỗ lực, phấn đấu trong thi đua lao động sản xuất, sự đồng lòng, đồng tâm của tập thể CBCNV cùng với sự quan tâm, lãnh chỉ đạo sát sao của cấp trên, trong năm 2014, Chi nhánh đã sản xuất được 10.500 tấn đồng cathode. Đặc biệt kết thúc năm 2016, Chi nhánh đã sản xuất đạt kỷ lục, sản phẩm đồng cathode đạt 11.631 tấn vượt hơn 16% so với thiết kế. Đây cũng lại là một dấu ấn quan trọng nữa trong sự nghiệp xây dựng phát triển và khẳng định mình của tập thể CBCNV Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai.
Với những bộc bạch đầy tâm huyết, Giám đốc Chi nhánh Hoàng Ngọc Minh chia sẻ rằng, điểm cốt lõi nhất để Luyện đồng Lào Cai đạt được những thành công như hôm nay chính là tinh thần tự chủ, sáng tạo và đoàn kết. Nhà máy Luyện đồng Lào Cai là nhà máy sản xuất đồng kim loại từ tinh quặng đồng đầu tiên của Việt Nam – do đó tất cả đều quá mới mẻ. Dẫu vậy, bằng sự nỗ lực hết mình, chủ động trong nghiên cứu tìm hiểu nắm bắt công nghệ, sáng tạo trong thực hiện công việc nên ngay khi bắt đầu tiếp nhận vận hành dây chuyền cho đến giờ, CBCNV Chi nhánh đã thực hiện rất nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Chi nhánh đã từng bước làm chủ dây chuyền công nghệ, thực hiện được nhiều việc khó đòi hỏi chuyên môn, tay nghề cao. Không chỉ vậy, tinh thần đoàn kết, tự chủ, sáng tạo còn thể hiện đậm nét trong thời điểm sản xuất của đơn vị gặp khó khăn hay có những lúc giá bán sản phẩm đồng trên thị trường giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm axit sunfuric khó khăn, tiền lương của người lao động giảm nhiều. Và có thể nói xuyên suốt đến nay, tinh thần ấy vẫn luôn được Chi nhánh duy trì và phát huy. Minh chứng rõ nét là sản lượng năm sau đạt cao hơn năm trước, chất lượng các sản phẩm chủ lực luôn được cải thiện cao hơn, các chương trình nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm mới, thu hồi thêm các kim loại khác từ tinh quặng đồng, gia tăng chuỗi giá trị sản xuất đang được tích cực triển khai.
Cho một Luyện đồng phát triển bền vững
Luyện đồng Lào Cai đang tiếp tục trên chặng đường mới với không ít thách thức chờ đón, phát huy những kết quả đạt được, Chi nhánh đã xây dựng và quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm để phát triển bền vững – đó là giữ vững tốc độ tăng trưởng về mọi mặt, nâng cao vị trí và uy tín của Chi nhánh. Tiêu chuẩn hóa hệ thống quản lý, áp dụng mô hình quản trị nhân lực thông minh vào công tác tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất. Hạ giá thành sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực bằng các chương trình đào tạo cụ thể, hướng tới đào tạo tại chỗ cũng như xây dựng các chính sách động viên để kích thích nguồn lực. Tăng thu nhập của người lao động theo mặt bằng chung của xã hội và hiệu quả đạt được của Chi nhánh. Đẩy mạnh triển khai các công trình nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời, xây dựng và tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ tốt đẹp với địa phương, bạn hàng…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/sang-tao-vuon-xa-201708010855480933.htm” button=”Theo vinacomin”]