Tôi may mắn có được chuyến đi với các cựu chiến binh Binh đoàn vào cữ tháng 7 năm nay, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017). Với chúng tôi, những ai đã và đang ở vùng mỏ thì đều biết ở nơi vùng mỏ phía Đông Bắc của Tổ quốc còn có một phiên hiệu mang tên Binh đoàn Than với lịch sử rất đặc biệt, rất hào hùng. Ngày 30/7 là ngày kỷ niệm 50 năm Binh đoàn Than xuất quân, niềm vui, niềm tự hào không chỉ của riêng những người thợ mỏ, mà là của chung những người con đất mỏ Quảng Ninh thân yêu.
Giữa giai đoạn đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để chuẩn bị lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và những năm sau này, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức một đợt tuyển quân lớn trong ngành than điện. Cuộc tuyển quân diễn ra hết sức khẩn trương. Chỉ trong vòng 4 ngày từ 27 đến 30 -7 năm 1967, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã huy động đủ quân cho 3 tiểu đoàn với số quân khoảng 2 nghìn người. Quân số chủ yếu là cán bộ công nhân ngành Than Điện, số ít còn lại là cán bộ công nhân một số cơ quan đơn vị và con em nhân dân Quảng Ninh.
Trước đó, với tinh thần của vị lãnh tụ kính yêu, Bác Hồ đã nói: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc…” nên thợ mỏ được miễn tham gia chiến chiến trường! Vì thế, đây là lần đầu tiên ngành Than và tỉnh Quảng Ninh đã huy động đông đảo đối tượng là công nhân các mỏ than lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, lúc đó ngành Than và tỉnh Quảng Ninh đã tặng cho lực lượng này danh hiệu là Binh đoàn Than. Đội ngũ này vào mặt trận được biên chế vào các quân binh chủng khác nhau, nhưng mặt trận chủ yếu là Quang Trị và Kon Tum.
Danh hiệu “Binh đoàn Than” đã đi vào lịch sử của giai cấp công nhân mỏ và lịch sử cách mạng tỉnh Quảng Ninh một trang sử chói ngời mà không phải nơi nào cũng có được, danh hiệu Binh đoàn Than đã trở thành một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giữa thế kỷ XX…
Những năm tháng hào hùng của dân tộc trong công cuộc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa phải chiến đấu chống lại giặc Mỹ xâm lược, giải phóng đất nước để non sông nối liền một dải.
Năm mươi năm đã đi qua, những trang sử về Binh đoàn Than vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử của một thời. Gần 2.000 thợ mỏ rời tay búa, tay máy lên đường nhập vào đội quân Binh đoàn Than ra trận ngày ấy, có người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là anh Nguyễn Xuân Việt, nguyên là thợ mỏ Hà Lầm. Có thương binh 4/4 Nguyễn Bá Sơn, người lính đã kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp và tái ngũ ở cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau chiến tranh vẫn lầm lụi đi tìm đồng đội mang niềm vui cho những người vợ, người mẹ bao năm chờ chồng, chờ con. Là thương binh 4/4 Nguyễn Văn Xuân rời mỏ than Vàng Danh lên đường vào mặt trận Kon Tum biên chế ở tiểu đoàn đặc công 406,sau ngày giải phóng miền Nam thì đi tiếp làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, rồi năm 1979 trở ra Bắc tham gia chiến đấu ở biên giới Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh)…và nhiều người đã hóa thân vào đất đai cây cỏ khắp các chiến trường!
Với những thành tích ấy, với những tấm gương về một thời hào hùng ấy của những người thợ mỏ, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí tổ chức cho 45 cựu chiến binh của Binh đoàn Than còn đủ sức khỏe để hành quân về thăm chiến trường xưa thời gian 1 tuần. Với sự năng nổ, nhiệt tình của chị Mai Anh, Trưởng phòng Du lịch 2 của Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin với một chương trình chi tiết, hợp lý với nguyện vọng của các cựu chiến binh đến được nơi các cựu chiến binh từng sống và chiến đấu thực sự làm cho các bác hài lòng và xúc động. Hành trình từ các địa chỉ đỏ Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, và nghĩa trang Khe Sanh.
Các cựu chiến binh như được chạm vào nỗi niềm riêng của mình khi đặt chân đến mỗi con đường, mỗi trọng điểm mà các cựu chiến binh từng hành quân, từng sống và chiến đấu của 50 năm trước, các cựu chiến binh đều rưng rưng xúc động. Bởi lẽ, hầu như đây là lần đầu tiên họ được trở lại để nhìn rõ hơn dòng Sê Pôn vẫn ngày ngày theo dòng nước từ phía thượng nguồn biên giới Việt Lào chảy về. Là các địa danh nóng bỏng một thời: Làng Vây, Khe Sanh, sân bay Tà Cơn của đất lửa Quảng Trị… đã làm cho các cựu chiến binh từng sống chiến đấu tại đây hết sức xúc động. Dọc đường đi, hướng dẫn viên Lê Văn Đề, một chàng trai trẻ sinh năm 1982 với trình độ kiến văn khá tốt đã rất nhiệt tình chăm sóc đoàn và khơi gợi những ký ức mà các cựu chiến binh đã từng trải qua để các cựu chiến binh được khóc, được cười được bày tỏ những kỷ niệm một thời chiến đấu gian khổ luôn đối mặt với sự hy sinh nhưng cũng đầy lạc quan. Để cho các cựu chiến binh có một khoảng không gian lắng đọng cùng nhau trong một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cũng dài vô tận trong chặng đường hành quân trở lại chiến trường xưa. Cậu hướng dẫn viên này thực sự đã gây cảm hứng tốt cho các cựu chiến binh trong chuyến đi dài đầy mệt mỏi với cung đường xa, khiến các bác cựu chiến binh thêm một lần được đón nhận những tình cảm chân thành mà bạn Đề đã đồng hành cùng các cựu chiến binh Binh đoàn Than…
Sau 50 năm những người lính ấy chỉ còn 148 người, nhưng họ gánh theo thương tật, đau ốm, tuổi tác già thêm và…ký ức chỉ còn trong những trang sách báo rằng, ở Vùng mỏ có một Binh đoàn Than một thời ra trận với khí thế làm cho quân thù kinh hồn bạt vía. Dù đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, và hơn nửa số cựu chiến binh trong đoàn đều là thương binh các loại, nhưng các cựu binh khi được trở lại chiến trường xưa một thời từng ăn rau rừng, uống nước suối của dòng Sê Pôn đã không khỏi bồi hồi xúc động.
Đặc biệt hơn khi cả đoàn vào nghĩa trang Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), trong hàng trăm bia mộ có tên và Chưa biết tên, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Hòe bỗng bất ngờ nhận ra… tên anh họ trên bia mộ mà gia đình đã bao năm đi tìm không ra! Ông khóc, chúng tôi cũng khóc. Sau phút bình tâm, ông chỉ nói, biết tin này, bà chị dâu gần 90 tuổi ở Thái Bình cùng các con cháu chắc sẽ vui lắm. Điều đặc biệt là bác Hòe cùng đồng đội Nguyễn Bá Sơn đã có 7 lần trở lại chiến trường xưa tìm và đưa đồng đội về Quảng Ninh, nhưng lại không tìm ra… anh mình, nên giờ khắc hôm nay cũng thật đặc biệt giữa núi rừng biên giới Khe Sanh…
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu, Lưu Văn Quý thì kể, các ông từng bám trụ chiến đấu ở mặt trận Làng Vây, đây là lần trở lại chiến trường lần đầu tiên sau 49 năm rời mặt trận này đi tiếp lên mặt trận Bình Định, vào phía Nam cho đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì trở lại công việc làm mỏ như bao nhiêu người khác. Ông bảo kỷ niệm nhớ nhất là cánh quân phía hạ nguồn sông Sê Pôn bị thiếu gạo, lính ta ở thượng nguồn phía nước bạn Lào bèn cho gạo vào bao nilong buộc chặt cho… trôi theo dòng lũ để phía anh em phía hạ nguồn nhận được gạo. Ấy là mùa mưa lũ thôi, chứ mùa khô thì… cứ rau rừng, củ rừng… chống đói, chứ không phải lúc nào cũng được ăn gạo!
Mỗi câu chuyện của các cựu chiến binh là một trang lịch sử hào hùng của những người lính gắn với cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc để non sông liền một giải, đó là những sự hy sinh vô giá không thể so sánh với bất cứ điều gì. Kết thúc chuyến đi, cựu chiến binh Nguyễn Hải Hiệp, hiện là Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than, trưởng đoàn đi thăm lại chiến trường xưa lần này, đã rất xúc động, nghẹn ngào nói: “ tôi thay mặt anh em chỉ biết gửi tới các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam lời cảm ơn sâu sắc, niềm trân trọng tình cảm của Tập đoàn luôn tri ân những người con đất mỏ đã đóng góp một phần xương máu vào công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, tôi chỉ có thể nói được ngần ấy thôi…”.
Và tôi, người được chứng kiến, đồng hành cùng đoàn đi, thật sự tự hào về các Anh, một thế hệ vàng của những người thợ mỏ đã làm nên những trang sử chói ngời không chỉ cho riêng Vùng mỏ Quảng Ninh mà còn là của cả nước. Đó cũng là những trang sử chói ngời – một phần lịch sử hào hùng của những người thợ mỏ trong lịch sử xây dựng và phát triển hơn 80 năm qua.
Hà Nội, 7/2017
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dau-an-nhung-trang-su-choi-ngoi-201707271408329563.htm” button=”Theo vinacomin”]