Khu vực 3 mỏ Khe Chàm I, Khe Chàm III, Khe Chàm II-IV, khi liên thông sẽ tạo nên một hệ thống mặt bằng công nghiệp ngầm rộng lớn tại mức -300. Nó có thể cho phép tích hợp các hệ thống và áp dụng được những thiết bị lớn hơn, hiện đại hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Một góc mặt bằng sân công nghiệp mỏ Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm – TKV
Cách đây gần 20 năm, khi còn là một cán bộ kỹ thuật, tôi đã được nghe Công ty Tư vấn mỏ (bây giờ là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Mỏ và Công nghiệp) trình bày đề án xây dựng mỏ Khe Chàm III. Rồi sau đó vài năm, đề án Khe Chàm II-IV cũng được triển khai. Các đề án đều nói đến thiết kế tầng khai thác mức -300 mét so với mực nước biển. Trong khi đó, ở vào thời điểm cách đây gần 20 năm, khu vực Khe Chàm I mới chỉ khai thác xuống đến mức -100. Mỗi ca đi làm, công nhân đi bộ xuống đến mức -100 đã mệt rã rời, bởi nó tương đương với đi thang bộ của một tòa nhà hơn 30 tầng. Đi xuống đã vậy, nhưng đi lên mới là một thử thách. Vào cuối ca, khi thợ lò đã thấm mệt, nhiều người biết là sai nhưng cố bám vào những tích kéo vật liệu để đi lên cho đỡ mệt. Đã có không ít tai nạn sự cố xảy ra. Sau này, các thiết bị như tời hỗ trợ cho người đi bộ, tời trục chở người mới được áp dụng để cải thiện điều kiện đi lại cho người lao động…
Theo tính toán của các kỹ sư, các thiết kế đặt ra cho cả 3 khu vực mỏ liền nhau này đều có những hệ thống khác nhau như: Hệ thống khai thác, hệ thống thông gió, hệ thống vận tải, đi lại, hệ thống thoát nước… riêng biệt. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ bài thuyết trình do ông Phạm Văn Sáu, khi đó là Giám đốc Công ty Tư vấn mỏ, trình bày ở phần kết luận có đề cập: Khu vực mỏ Khe Chàm III và khu vực mỏ Khe Chàm I có thể liên thông với nhau tại mức -300 kết hợp giữa các hệ thống thông gió, vận tải, đi lại, thoát nước… để nâng cao hiệu quả của các hệ thống.
Đề cập là vậy, nhưng ở vào thời điểm đó, tất cả các phương án thiết kế của các mỏ đều riêng biệt, do các công ty khác nhau làm chủ đầu tư, duy chỉ mỏ than Khe Chàm I và mỏ than Khe Chàm III là cùng một nhà đầu tư – Công ty than Khe Chàm. Đương nhiên, không ai quyết định sẽ điều chỉnh theo hướng như vậy.
Phải mãi đến sau này, sau khi xem xét trên thực địa và tính toán hiệu quả kỹ càng, điều đó mới thực sự trở thành hiện thực khi Công ty than Khe Chàm được Tập đoàn phê duyệt cho đào đường lò liên thông phục vụ công tác thông gió, vận chuyển vật liệu, đi lại giữa khu vực Khe Chàm I và Khe Chàm III. Các hệ thống kết nối với nhau luôn mang lại lợi ích chung, làm giảm các chi phí đầu tư cũng như chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hoặc đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người lao động đi lại, làm việc…
Hiện nay, với tư duy mang lại hiệu quả chung, Tập đoàn chỉ đạo các Ban tham mưu, phối hợp với các đơn vị chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế liên thông tối đa các hệ thống khai thác, hệ thống thông gió, thoát nước, vận tải, đi lại của các mỏ có cự ly gần nhau. Tại các tầng khai thác của các dự án Khe Chàm I, Khe Chàm III, Khe Chàm II-IV ở mức -300, công tác thiết kế liên thông đang được triển khai ra thực địa. Đây là chủ trương đã được Tập đoàn triển khai khá hiệu quả tại các khu vực khai thác hầm lò vùng Uông Bí, Hoành Bồ, Vàng Danh, hay ở Cái Đá, Bắc Bàng Danh (Hòn Gai), và thậm chí là các mỏ lộ thiên lớn trong vùng than Cẩm Phả…
Khu vực 3 mỏ Khe Chàm I, Khe Chàm III, Khe Chàm II-IV, khi liên thông sẽ tạo nên một hệ thống mặt bằng công nghiệp ngầm rộng lớn tại mức -300. Nó có thể cho phép tích hợp các hệ thống và áp dụng được những thiết bị lớn hơn, hiện đại hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vậy mới thấy, công tác tư vấn luôn phải đi trước nhiều năm và đồng thời cạnh đó có những cơ chế phù hợp mới có thể mang lại những hiệu quả lớn hơn cho các dự án.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tu-van-luon-phai-di-truoc-201710211618172269.htm” button=”Theo vinacomin”]