Đúng là thời buổi công nghệ. Chỉ cần cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh, nhấn nút là thế là có thể nhìn thấy 3 mỏ than lộ thiên lớn nhất Việt Nam: Cọc Sáu, Cao Sơn và Đèo Nai – hiện ra khá rõ. Sức mạnh dời non, lấp biển của con người nằm ở đường nét uốn lượn trên những cung đường mỏ và những vệt than được lộ ra dưới ánh nắng mặt trời…
Khai thác than tại Công ty CP than Cọc Sáu (Ảnh tư liệu)
Nhìn trên google map đã đẹp vậy. Nhưng nếu đến thực địa, mọi thứ sẽ đẹp hơn rất nhiều…” – KS. Nguyễn Văn Minh, cán bộ kỹ thuật Công ty CP than Cao Sơn như muốn mời tôi đến với khai trường đầy nắng gió này. Tôi hiểu, anh muốn nói đến vẻ đẹp “không son phấn” của những con người đang ngày đêm trên khai trường kia. Minh bảo, bình quân mỗi năm, một trong ba mỏ lộ thiên này tổ chức khoan nổ, bốc xúc và vận chuyển đi khoảng 25-30 triệu mét khối đất đá để lấy 2,5-3,5 triệu tấn than. Điều đó đủ thấy sức mạnh dời non, lấp biển của thợ mỏ như thế nào.
Câu chuyện với Minh làm tôi nhớ, thời kỳ cách đây hơn một thập kỷ, khi đó chúng tôi mới về đất mỏ công tác. Giữa mỏ than Cao Sơn là một quả núi khổng lồ. Chính vì ngọn núi cao ngất này mà người ta đặt cho nó cái tên là Cao Sơn, theo nghĩa Hán Việt tức là núi cao. Nhiều người vui tính, nói ngược lại của núi cao là “cáo lui”. Có lẽ bởi họ thấy cuộc sống lao động của người thợ mỏ thật vất vả… Nhưng giờ đây, ngọn núi đó đã không còn nữa. Không những thế, thay vào đó còn là một moong than sâu hoắm. Để di dời cả một quả núi cao như thế, thợ mỏ Cao Sơn đã bao lần thay đổi công nghệ. Trước đây, Cao Sơn là một mỏ lộ thiên do Liên Xô giúp đỡ xây dựng. Các thiết bị bóc đất đá chủ yếu máy xúc điện EKG khoảng 4,6 mét khối với những cỗ xe cao cũng chỉ 20-25 mét khối. Cuộc cách mạng kỹ thuật của Cao Sơn chủ yếu là dần hiện đại hóa khâu bốc xúc đất đá vì đây là khâu then chốt trong khai thác mỏ lộ thiên. Cao Sơn đã đưa các loại máy xúc thủy lực vào hoạt động với dung tích lớn hơn. Xe ô tô vận chuyển đất đá được đầu tư hiện đại dần lên vài chục mét khối và giờ đây đã đến gần một trăm mét khối. Mới đây, Cao Sơn đã đưa hệ thống băng tải vận chuyển đất đá vào hoạt động. Mặc dù sản lượng còn chưa cao, mới chỉ chiếm khoảng 1/2 sản lượng bóc đất và sẽ tiếp tục được nâng lên nhưng đây thực sự là một bước ngoặt trong thay đổi tư duy về công nghệ bốc xúc đất đá. KS. Minh tâm sự, với công nghệ vận tải bằng băng tải này, điều mong muốn nhất của các nhà kỹ thuật là giảm đi các chi phí làm đường, một trong những nhóm chi phí lớn trong khai thác mỏ lộ thiên. Vả lại, nếu có làm đường tốt đến mấy, nhưng hễ cứ mưa là các xe “chịu” không thể vận hành. Hoặc có vận hành thì chi phí nhiên liệu cũng tăng cao. “Làm kỹ thuật phải luôn gắn với kinh tế mới mang lại hiệu quả…” – Minh nói. Hay theo như một nhận định trong bút ký của nhà văn Mai Phương viết về mỏ Cao Sơn những năm trước kia, ông cho rằng, điều khiến Cao Sơn luôn hoàn thành kế hoạch vận chuyển đất đá nằm ở những con đường. Ông muốn nói đến những người phụ nữ cần mẫn vá đường cho xe chạy, chẳng khác gì những cô gái giao liên trong thời kỳ chiến tranh…
Việc thí điểm đưa tuyến băng tải đá vào hoạt động ở mỏ than Cao Sơn có thể nói là một bước đột phá, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo Tập đoàn cũng như công nhân, cán bộ Công ty CP than Cao Sơn. Không dừng lại ở đó, bước đột phá còn mạnh mẽ hơn khi lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo thiết kế trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai để mang lại hiệu quả kinh tế chung. “Các sếp chỉ đạo quyết liệt lắm. Bởi đó thực sự là một việc làm cần thiết, đúng lúc…” – Minh tâm sự.
Mỏ than Cao Sơn nằm kẹp giữa 2 mỏ lộ thiên là Đèo Nai và Cọc Sáu. Xa xưa Đèo Nai có tên là Núi Trọc, là cái đèo nối con đường tắt từ Cẩm Phả đi Dương Huy, Ba Chẽ. Vùng đất này trước kia là một vùng đồi rậm rạp với những vạt rừng tre, nứa bạt ngàn, hoang dã. Vào mùa Xuân, măng tre và lộc cây mọc lên tươi tốt um tùm, nai đến ở, sinh sôi rất nhiều, dân qua đây thấy thế nên thường gọi là Đèo Nai… Vừa khai thác than, Đèo Nai vừa tích cực trồng cây phủ xanh những vạt bãi thải sau khai thác. Chỉ có điều, càng ngày cung độ vận chuyển đất đá càng xa khiến cho chi phí sản xuất cứ tăng dần.
Nói đến hàng trăm triệu mét khối đất đá đã thấy nhiều. Nhưng theo cách tính của các kỹ sư mỏ trong hạch toán kinh tế thì đơn vị tính là tấn ki lô mét (Tkm) còn nhiều hơn thế. Trước hết phải đem con số một trăm triệu mét khối đất đá kia nhân với tỷ trọng đất đá khoảng 1,5-1,6 thì sẽ có con số gọi đơn vị là tấn. Tiếp theo nhân số tấn đó với số ki lô mét đã vận chuyển mới có đơn vị Tkm. Nếu cung độ bình quân là 10 ki lô mét thì mỗi năm 3 mỏ này đã vận chuyển 1,5-1,6 tỷ tấn ki lô mét. Đó là con số mà chỉ tính riêng 3 mỏ Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai thực hiện hàng năm. Do vậy, làm gì để rút ngắn cung độ vận chuyển đất đá luôn là bài toán cần làm. Và trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ than lộ thiên này chính là phép giải bài toán đó một cách hợp lý nhất.
Chưa hết, khi khai thác than lộ thiên càng ngày càng xuống sâu, việc vận chuyển đất đá bằng ô tô leo dốc sẽ càng lớn. Sự tiêu hao nhiên liệu cũng tăng theo. Mặt khác, các cung đường xuống dưới moong sâu phải được thiết kế theo hình xoắn trôn ốc để giảm độ dốc, khiến cung độ vận chuyển cũng tăng lên. Đây cũng là một thách thức, trong đó mỏ than Cọc Sáu là mỏ điển hình về khai thác lộ thiên ở độ sâu dưới âm 200 mét so mực nước thông thủy. Moong than Cọc Sáu hiện đang giữ kỷ lục là một moong than lớn nhất Việt Nam. Hàng năm, chỉ tính riêng việc bơm nước tháo khô mỏ, thợ mỏ Cọc Sáu cũng đã bơm lên hàng triệu mét khối nước…
Theo các thiết kế riêng biệt của mỗi mỏ, các khu vực bãi thải, cung đường vận chuyển, hệ thống thoát nước, hệ thống cung cấp điện… cũng sẽ thiết kế riêng. Như vậy, rất có thể mỏ này phải chạy đất đá qua mỏ kia để đưa ra bãi thải… Những bất cập này sẽ được khắc phục khi thiết kế kỹ thuật của 3 mỏ là chung. Các hệ thống cung cấp điện, thoát nước… cũng sẽ tạo ra sự đồng bộ khiến cho chi phí sản xuất tiết kiệm hơn. Đó là những gì mà lãnh đạo Tập đoàn mong muốn. “Thực tế, sau hơn một năm triển khai, những hiệu quả kinh tế chung đã thấy rõ. Hiện các phương án vẫn tiếp tục được triển khai theo trình tự hợp lý nhất…” – KS. Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Với tất cả những gì đã và đang triển khai trong trình tự khai thác hợp lý 3 mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai, có thể thấy quy mô sản xuất của các mỏ lộ thiên này sẽ ngày càng hiện đại hơn. Đó chính là tầm nhìn, sự quyết đoán của lãnh đạo Tập đoàn và công nhân, cán bộ các mỏ, thể hiện sự kế thừa và phát huy từ các lớp thợ mỏ cha anh ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần kỷ luật và đồng tâm của những người thợ mỏ trong thời đại ngày nay.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tam-nhin-201711131620514441.htm” button=”Theo vinacomin”]