Nói về mùa thì ở miền Bắc của chúng ta có bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông, còn ở miền Nam lại chỉ có 2 mùa: Mùa mưa và mùa nắng… Từ thiên nhiên ưu đãi ấy, ở miền Bắc có hai vụ lúa là vụ mùa và vụ chiêm, còn ở miền Nam thì có thêm cả vụ lúa hè thu. Nói đến mùa, chúng ta có thể liên tưởng đến mùa chim ngói vào mỗi độ cuối Thu thường bay về đồng làng, là những đàn chim én di cư tránh mùa lạnh bay rợp trời về những vùng ấm áp hơn, gọi là mùa chim én bay… Ở mỗi miền quê đều có những chung riêng của những lễ tục và có những mùa riêng của làng quê mình gắn bó với con người đã ăn đời ở kiếp nơi quê kiểng ấy…
Với những người làm mỏ chúng tôi, có riêng một mùa gọi là Mùa than. Hai tiếng thân thương ấy luôn trong tâm khảm chúng tôi – những người đã gắn bó với mảnh đất than bụi này cả cuộc đời. Mùa than, mùa của bộn bề, hối hả, những ngày mà các mỏ đều phát động thi đua với tên gọi chiến dịch 120 ngày đêm. Những tấn than ra mang niềm vui mới của người thợ mỏ… Từ các công trường, các nhà máy, khắp nẻo đường đất mỏ đều rộn ràng cái tinh thần Mùa than. Dù có đi xa, dù có trở về hoặc có thể không có cơ hội để quay về nơi miền mỏ thân thương ấy thì hai tiếng “Mùa than” cứ náo nức trong cảm xúc của mỗi ai khi nhớ về nơi ấy, vào những ngày cuối Thu chớm Đông, vào cái cữ thời gian mang tên Tháng Mười Một này.
Giống như các ngành nghề khác, mỗi khi vào mùa thì nhà nhà đều bận bịu với những công việc nhiều hơn. Ở mỏ hầm lò thì những đường lò được khơi thêm, sâu thêm, dài hơn. Ở mỏ lộ thiên là lộ trình hạ moong – tức là hạ độ sâu đáy mỏ để khai thác than ở dưới những tầng “âm” so với mực nước biển. Không phải người làm mỏ thì không hình dung hết được những quy trình công việc của người ở mỏ, hoặc là người ở mỏ nhưng không phải ai cũng biết hết được quy trình khai thác than lộ thiên và khai thác than hầm lò cặn kẽ ra sao. Nhưng cái tinh thần “Mùa than” thì luôn luôn hiển hiện trên gương mặt của những người thợ mỏ. Mùa than đi đôi với việc được làm việc nhiều hơn, có đồng lương thưởng nhỉnh hơn. Nhưng hơn cả, đó là không khí lao động mà không mùa nào có được, bởi lẽ vào Mùa, dường như trời đất cũng dành ưu ái cho cái nghề nhọc nhằn đào sâu vào lòng đất lấy than của thợ mỏ nên cứ đến chạp này thì những cơn mưa cuối mùa đã dứt, mưa dứt thì công việc xuống sâu vào lòng đất mới có thể thực hiện được một cách an toàn, hiệu quả… Người xưa đã đúc kết “thủy hỏa đạo tặc” và ngành khai thác than thì đúng là không thể tránh được những cơn trút giận của trời đất với mùa mua, vì thế, khi những cơn giận dữ của thiên nhiên vừa ngưng thì thợ mỏ vào mùa than là như thế.
Và, ta chợt nhận ra, có những con đường lên mỏ là những chuyến xe nối đuôi nhau ăm ắp than. Là tiếng máy xúc, tiếng ô tô hạng nặng ì ầm ngày đêm như một bản nhạc không lời. Là những con đường bụi mù khi xe nước tưới đường chưa kịp quay trở lại. Những con đường vòng vèo chập trùng theo những vòng xe. Những con đường chỉ thấy những chiếc xe hạng nặng và tiếng ầm ì xa thẳm như dội từ lòng đất về lúc ầm ào, lúc rì rầm như lời ca du dương của tiếng than, tiếng rừng, và tiếng của biển cả dội về. Là thấp thoáng bóng ai đó ngang qua chiều cuối Thu ở mỏ. Là bóng mẹ, bóng em khăn che kín mặt chỉ hở đôi mất đen thăm thẳm ánh than và vội vã với những ca làm việc trên tầng mỏ. Là những đường lò sâu vừa kịp kéo dài thêm. Là những tầng than lộ thiên vừa hạ thêm độ sâu mới chạm vỉa…
Mùa than – không chỉ là ý nghĩa cơ học về những ngày lao động cuối năm hối hả và hăng say của những người thợ mỏ. Mùa than và Tháng Mười Một còn cho ta cảm xúc trào dâng về ngày lịch sử 12/11/1936. Đã hơn 80 năm, nhưng hào khí sục sôi của những người thợ mỏ không tấc sắt trong tay đã mang về chiến thắng tuyệt đối trong cuộc đấu tranh với chủ mỏ Pháp, cuộc đình công long trời lở đất của phu mỏ đòi giảm giờ làm, tăng lương cho người phu mỏ thời kỳ ấy đã trở thành mốc son chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam. Còn hôm nay, giữa những ngày của Mùa than 2017, mỗi ai trong chúng ta đã và đang và sẽ là những người thợ mỏ lại nhắc nhớ nhau về ngày 12/11 năm ấy và để thêm một lần tự hào, thêm một lần khẳng định người thợ mỏ hôm nay đã và vẫn tiếp nối những bước chân của cha anh để gặt hái thêm những thành quả mới, bồi đắp thêm truyền thống của người thợ mỏ Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh. Là những Mùa than luôn nhung nhớ trong lòng mỗi người. Mùa than này nối tiếp Mùa than kia, luôn khắc ghi trong mỗi chúng ta, những người thợ mỏ….
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mua-than-201711201008288799.htm” button=”Theo vinacomin”]