Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, việc ứng dụng tin học hóa, tự động hóa (THH, TĐH) vào quản lý và sản xuất là giải pháp được Tập đoàn và các đơn vị quyết liệt triển khai, thực hiện chủ trương 3 hóa “cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa”, nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả SXKD.
Hiệu quả từ thực hiện THH, TĐH
Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải chủ trì hội nghị THH, TĐH
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải, chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh ứng dụng THH, TĐH vào sản xuất, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả SXKD giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030 là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/ĐU ngày 02/03/2017 của Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn về tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng CGH, TĐH, THH vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả SXKD giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030; thực hiện đổi mới và hiện đại hóa công nghệ theo hướng nâng cao trình độ CGH, THH, TĐH vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa khai thác than, khoáng sản, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả SXKD và năng lực cạnh tranh.
Từ chủ trương và chỉ đạo của Tập đoàn, các đơn vị đã thực hiện thành lập ban chỉ đạo về THH, TĐH tại đơn vị do trực tiếp người đứng đầu đơn vị làm trưởng ban. Đồng thời, xây dựng chương trình hành động cụ thể về THH, TĐH giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 tại đơn vị; tăng cường tuyển dụng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT, TĐH.
Theo báo cáo của Ban KCL đánh giá chương trình ứng dụng THH, TĐH giai đoạn 2017-2018, các đơn vị trong Tập đoàn đã tập trung triển khai nhiều ứng dụng cả quản lý điều hành và ứng dụng chuyên ngành chuyên môn để phục vụ hoạt động SXKD; chú trọng đầu tư xây dựng các ứng dụng CNTT phù hợp với mô hình tổ chức của đơn vị, số ứng dụng đầu tư mới tăng từ 5%-15% so với trước Chương trình hành động. Hàng loạt hệ thống CNTT phục vụ cho các hoạt động SXKD tối cần thiết đã được đầu tư xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Nhiều ứng dụng đã hỗ trợ tốt cho công tác điều hành quản lý như: Ứng dụng quản lý công văn, văn bản, các phần mềm kế toán, quản lý thiết bị vật tư; các ứng dụng về chuyên môn (phần mềm thiết kế, giám sát, trắc địa địa chất…). Một số đơn vị trong Tập đoàn đã làm tốt công tác ứng dụng hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp đồng nhất, điển hình như Tổng Công ty CN Hoá chất mỏ đã ứng dụng hiệu quả hệ thống Fast Business bao gồm cả 6 phân hệ (tài chính, quản lý bán hàng, quản lý mua hàng và kho, quản lý sản xuất, quản lý nhân sự và lao động tiền lương, báo cáo điều hành tác nghiệp).
Với ứng dụng tự động hoá, đã được quan tâm triển khai áp dụng trên tất cả các khối ngành sản xuất. Từ năm 2017, một số công trình TĐH được hoàn thành đưa vào vận hành và đã mang lại hiệu quả về nâng cao năng suất lao động, tiết giảm nhân công lao động trực tiếp như: Hệ thống TĐH băng tải giếng chính Mạo Khê (giảm 70% nhân lực vận hành); TĐH tuyến băng tải lò XV -300 Hà Lầm (giảm 40% nhân lực); TĐH tuyến băng tải giếng chính Khe Chàm (giảm 50% nhân lực); hệ thống TĐH hầm bơm Hà Lầm (giảm 50% nhân lực); hệ thống TĐH nhà máy tuyển Vàng Danh II (giảm 60% nhân lực); hệ thống TĐH trạm quạt gió Công ty than Núi Béo (giảm 50% nhân lực); hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động (Công ty CP Vật tư) thay thế hình thức cấp phát tem phiếu thủ công bằng hình thức quản lý cấp phát tự động; các thiết bị biến tần, khởi động mềm, tủ điều khiển tự động tiết kiệm năng lượng cũng được quan tâm chú trọng đầu tư…
Việc không ngừng đẩy mạnh ứng dụng THH, TĐH đã và đang giúp TKV phát huy được hiệu quả trong việc nâng cao trình độ nhân lực vận hành, tăng năng suất lao động và giảm thiểu lao động thủ công, nâng cao hiệu quả SXKD…
Đẩy mạnh THH, TĐH đáp ứng CMCN 4.0
Từ những hiệu quả trong ứng dụng THH, TĐH cũng như đẩy mạnh phát triển THH, TĐH đáp ứng thời đại cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Đối với định hướng phát triển CNTT đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, Tập đoàn đề ra mục tiêu xây dựng được hệ thống CNTT đảm bảo đầy đủ tính chính xác, an toàn, tiên tiến và hiện đại đáp ứng nhu cầu về quản lý và điều hành sản xuất mọi lúc, mọi nơi. Hệ thống CNTT đảm bảo khả năng kết nối được với các hệ thống tự động hóa và xử lý với dữ liệu lớn. Xây dựng nền tảng hạ tầng CNTT dùng chung cho toàn Tập đoàn theo mô hình Trung tâm dữ liệu, đáp ứng được khả năng an toàn, tiên tiến trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud computing), có khả năng lưu trữ và xử lý được dữ liệu lớn (Big Data).
Đối với mục tiêu phát triển TĐH đến 2025 và tầm nhìn đến 2030: chuyển đổi mô hình số hoá và cập nhật nền quản trị thông minh, đáp ứng xu hướng hội nhập và yêu cầu cuộc CMCN 4.0. Tập trung xây dựng, phát triển về hạ tầng, con người, chính sách và các giải pháp TĐH trọng tâm cho các khối ngành sản xuất.
Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị tham quan Trung tâm Điều hành sản xuất tập trung – Công ty than Hà Lầm
Khối sản xuất than hầm lò, tập trung chuyển đổi số hoá và xây dựng áp dụng hệ thống TĐH điều khiển, quản lý giám sát tập trung cho từng công đoạn và toàn mỏ; CGH đào lò và khai thác kết hợp TĐH các trạm bơm dung dịch, khí nén để điều khiển tập trung; tự động hóa và điều khiển tập trung các thiết bị vận tải trong lò… Trong sản xuất than lộ thiên, chuyển đổi số hoá và áp dụng hệ thống TĐH điều khiển, quản lý giám sát tập trung mỏ lộ thiên. Hệ thống là giải pháp mang tính tổng thể, điều hành mỏ thông minh với mức TĐH cao các công đoạn: điều hành, quản lý bố trí thiết bị, theo dõi kết quả thực hiện công tác khoan, nổ mìn; điều hành, quản lý các thiết bị xúc bốc, vận chuyển than, đá thông qua các ứng dụng của phần mềm chuyên dùng (như Minesight)… Đối với Khối nhà máy (sàng tuyển, luyện kim, hoá chất, điện lực), thực hiện số hoá và điều khiển giám sát tập trung toàn bộ các khâu công nghệ nhà máy với mức tự động hoá cao. Các thiết bị cơ điện theo diễn biến công nghệ, các khâu công nghệ chính của nhà máy có thể giám sát và điều khiển tự động hoàn toàn tại trung tâm điều khiển tập trung.
Khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng THH, TĐH trong quản lý, điều hành và sản xuất, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải nhấn mạnh, cần thiết phải đẩy mạnh ứng dụng THH, TĐH trong giai đoạn tới. Đối với ứng dụng THH, mọi quản lý, điều hành được vận hành trên hệ thống CNTT, mọi lúc mọi nơi, đến năm 2030, xây dựng được hệ thống kết nối đồng bộ tất cả các hệ thống với nhau theo mô hình IOT. Tiến tới xây dựng và vận hành các mỏ (nhà máy) đạt mức tự động hoá cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; có thể truy cập giám sát vận hành (sản lượng, giờ chạy vận hành, năng suất, chế độ bảo trì bảo dưỡng…); xây dựng được các trạm vận hành không người trực (trạm quạt, trạm điện, trạm bơm, trạm nén khí, cửa gió…) nhằm giảm nhân công lao động trực tiếp, tăng năng suất lao động và giảm chi phí giá thành sản phẩm…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chien-luoc-ung-dung-cntt-thoi-40-201808052224012216.htm” button=”Theo vinacomin”]