Khoa học công nghệ (KHCN) thời gian qua được Tập đoàn đặc biệt quan tâm đầu tư để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển bền vững. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Viện KHCN Mỏ – Vinacomin, phóng viên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Chuẩn – Tổng giám đốc Tập đoàn về những đóng góp của Viện trong thời gian qua và những hoạch định chiến lược KHCN của Tập đoàn trong thời gian tới.
P.V: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Viện KHCN Mỏ đối với sự phát triển của Tập đoàn trong suốt thời gian qua?
Ông L.M.C: Trong những năm vừa qua, Viện KHCN Mỏ đã đóng góp những thành tích rất đáng trân trọng đối với việc phát triển KHCN trong Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam. Một trong những thành công lớn mà Viện KHCN Mỏ đã làm đó là chúng ta đã chuyển hẳn hình thức từ vì chống gỗ trong hầm lò thay bằng vì chống thủy lực trong công tác khai thác than. Điều này đã và đang tác động sâu sắc đến sản xuất, làm thay đổi toàn bộ diện mạo các lò chợ chống gỗ trước đây, giảm tổn thất than, tăng năng suất lao động, an toàn hơn rất nhiều. Sản lượng lò chợ trước đây đạt không quá 50.000 – 60.000 tấn/năm, nhưng bây giờ một lò chợ ứng dụng cột thủy lực có thể đạt 150.000 – 200.000 tấn/năm, có nơi đạt trên 200.000 tấn/năm; năng suất lao động tăng gấp 2,5 – 3 lần. Đây thực sự là một cuộc cách mạng mở đầu trong công nghệ khai thác lò chợ.
Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, Viện đã đưa hệ thống kiểm soát khí cháy nổ mêtan vào trong hầm lò, và hiện nay đã hình thành một trung tâm kiểm soát khí mỏ cho các mỏ than hầm lò của tỉnh Quảng Ninh. Với việc hình thành Trung tâm An toàn Mỏ, chúng ta đã hoàn toàn làm chủ công nghệ kiểm soát khí nổ trong mỏ hầm lò với các phòng thí nghiệm hiện đại, đội ngũ chuyên gia hiểu biết, thạo việc và việc chỉ đạo triển khai công nghệ quản lý khí trong sản xuất than hầm lò thành công, bây giờ đã trở thành “nếp”, là công nghệ có tính chất thường xuyên, gắn chặt với sản xuất. Trình độ công nghệ quản lý khí mỏ của ta hiện nay có thể sánh ngang tầm với các nước có công nghệ khai thác than phát triển trên thế giới. Đây cũng là một cuộc cách mạng có ý nghĩa rất lớn, rất đáng tự hào trong lĩnh vực an toàn mỏ.
Bên cạnh đó, ngoài những cố gắng tự đào tạo trong nước, đào tạo tại chỗ thì hàng năm Viện đã gửi nhiều cán bộ của mình đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài. Hiện nay, lực lượng cán bộ, kỹ thuật của Viện rất trẻ, sung sức và đáp ứng được những đòi hỏi về KHCN trong khai thác than và khoáng sản. Trong suốt chiều dài 40 năm qua, các lớp CBCNV của Viện đã tiếp sức cùng nhau đóng góp vào thành công chung của Tập đoàn. Ngoài vấn đề về nghiên cứu, áp dụng KHCN, Viện còn đang làm tốt công tác chuyển giao các công nghệ mới của nước ngoài vào khai thác than và khoáng sản. Viện còn chuyển sang mở rộng nghiên cứu về vấn đề tuyển quặng bôxít ở vùng Tây Nguyên.
P.V: Để hòa nhịp cùng sự phát triển của Tập đoàn, Viện cần phải có những bứt phá gì trong thời gian tới, thưa ông?
Ông L.M.C: Trong thời gian tới, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, theo Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, vấn đề rất cần thiết là đổi mới về công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, công tác tư vấn, trong đó có Viện KHCN Mỏ. 10 chương trình KHCN trong thời gian tới của Tập đoàn không chỉ hiện đại hoá các mỏ than hầm lò, mỏ than lộ thiên và các mỏ khoáng sản, mà vấn đề an toàn lao động, đảm bảo môi trường và khai thác hiệu quả, sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách hiệu quả là những vấn đề rất quan trọng. Với bề dày truyền thống cùng với kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học, ứng dụng KHCN trong 40 năm qua của Viện nói riêng và Tập đoàn CN Than – Khoáng sản VN nói chung, tôi tin tưởng rằng, những tiến bộ KHCN sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong sự phát triển của Tập đoàn. Hay nói một cách khác, KHCN sẽ là lực đẩy cho sự bứt phá của ngành Than – Khoáng sản.
P.V: Tổng Giám đốc vừa đề cập đến 10 chương trình KHCN trọng điểm của Tập đoàn. Ông có thể tóm tắt một số giải pháp mang tính then chốt cho việc thực hiện các chương trình trọng điểm đó?
Ông L.M.C: Để thực hiện được những nhiệm vụ khoa học công nghệ rất “nặng nề” trong thời gian tới có rất nhiều giải pháp, nhưng theo tôi có ba giải pháp lớn mang tính then chốt. Đó là:
Thứ nhất, toàn bộ hệ thống lãnh đạo từ Hội đồng thành viên, lãnh đạo điều hành, các đơn vị nghiên cứu, tư vấn thiết kế đến các công ty thành viên cần tập trung chỉ đạo, thực hiện dứt điểm một số nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính đột phá để mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất.
Vấn đề trước mắt và có thể dài hơi là Tập đoàn tiếp tục đầu tư nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa công nghệ khấu than trong lò chợ để từ nay đến 2015, ở mỗi mỏ có từ một đến hai lò chợ cơ giới hóa khấu than với công nghệ và thiết bị phù hợp. Phải đặt nó là nhiệm vụ trọng tâm số 1. Mô hình mỏ hầm lò của chúng ta sẽ là một mỏ có từ một, hai đến ba lò chợ cơ giới hóa với công suất tối thiểu đạt 300.000 – 400.000 tấn/năm, kết hợp với các lò chợ chống vì chống thủy lực với công suất 150.000 – 200.000 tấn/năm. Đây vừa là nhiệm vụ KHCN, vừa là nhiệm vụ chỉ đạo điều hành sản xuất của Tập đoàn chứ không phải chỉ của riêng những nhà khoa học.
Việc tiếp nữa là xây dựng luận cứ, cơ sở khoa học cho sự phát triển khai thác vùng than Đồng bằng Sông Hồng. Theo đó cần triển khai ngay một dự án KHCN cấp Nhà nước về thiết kế, xây dựng và khai thác thực nghiệm một mỏ hầm lò, để triển khai các nghiên cứu cần thiết nhằm làm rõ các vấn đề đặt ra với khai thác than đồng bằng Sông Hồng. Cụ thể như công nghệ đào chống và khấu than trong điều kiện đất đá mềm yếu, sự ảnh hưởng của nước mặt và nước sông Hồng đến các công trình mỏ cũng như vấn đề suy thoái nước mặt và nước ngầm, vấn đề sụt lún bề mặt đất và bảo vệ đồng ruộng, hoa màu và các công trình bề mặt… Đây là hàng loạt vấn đề nếu không có lời giải sẽ không phát triển được than Đồng bằng Sông Hồng. Thông qua dự án khoa học cấp Nhà nước, có thể tranh thủ sự chỉ đạo và ủng hộ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có sự chung tay, sự phản biện của đông đảo các nhà khoa học Việt Nam.
Thứ hai, cần nghiên cứu, khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ khoa học công nghệ. Từ trước đến nay việc sử dụng nguồn quỹ này rất hạn chế, nó liên quan đến rất nhiều vấn đề. Do đó, để giải quyết được vấn đề này, các đơn vị phải đề xuất được những nhiệm vụ KHCN có tính chất thực tiễn, sát thực với sản xuất.
Thứ ba, tập trung tăng cường tiềm lực KHCN của Tập đoàn. Đó là cơ sở vật chất của một Viện nghiên cứu công nghệ hiện đại để giải quyết các vấn đề công nghệ trong các lĩnh vực hoạt động đáp ứng được chiến lược dài hơi của Tập đoàn. Sẵn sàng giải quyết những nhiệm vụ KHCN mang tính đột phá để tăng tốc. Và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải tiếp tục đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường đào tạo ở nước ngoài, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ…không ngừng tiếp cận và đưa KHCN tiên tiến thế giới vào ngành mỏ Việt Nam.
P.V: Xin cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ap-dung-khcn-luc-day-de-nganh-than-khoang-san-tang-toc-3081.htm” button=”Theo vinacomin”]