Từ thời bao cấp, than xuất khẩu mang về nguồn ngoại tệ lớn nhất nước ta và ngành Than luôn là nơi thí điểm những mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến… Kỷ niệm 77 năm ngày Truyền thống công nhân mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11, 45 năm ngày Bác Hồ gặp gỡ với đoàn đại biểu công nhân Ngành Than; Tạp chí xin giới thiệu một bài viết của Nhà văn, nhà báo Võ Khắc Nghiêm – người đã gắn bó và thành danh từ Vùng mỏ bất khuất về “sức nóng hòn than”.
Ngày 15/11/1968, Bác Hồ đã có cuộc gặp gỡ với đoàn đại biểu công nhân ngành Than và chỉ rõ nguyên nhân làm cho sản xuất than trì trệ, đó là “Tổ chức kém, quản lý kém”. Bác nói: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” và Người kêu gọi: “Đẩy mạnh ngành than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”. Thực hiện những lời dạy của Hồ Chủ tịch, công nhân các xí nghiệp ngành Than vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa chiến đấu kiên cường, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam 3 tiểu đoàn chiến sĩ của thợ mỏ mang tên “Binh đoàn than”, lập nhiều chiến công ở chiến trường Tây Nguyên.
Trải qua nhiều lần thay đổi tổ chức, trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng, rồi Bộ Mỏ và Than, Bộ Điện Than, Bộ Năng lượng; các công ty, xí nghiệp phải tách ra, nhập vào nhiều lần, sản lượng than chỉ nằm ở mốc trên dưới 5 triệu tấn/năm. Ngành Than bước vào cơ chế thị trường với muôn vàn khó khăn, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, không còn nguồn vật tư, máy xúc, ôtô, máy khoan… nhiều công trường chỉ hoạt động được 40-50%. Đời sống công nhân vô cùng khó khăn. Ngành Than phải đổi USD tiền xuất khẩu lấy tiền đồng Việt Nam để trả lương cho công nhân, đổi than lấy gạo, lấy đường, vải, mì chính để bảo đảm cuộc sống cho thợ mỏ.Từ chủ trương khai thác lộ vỉa, ban phát chỉ tiêu xuất khẩu, nạn than thổ phỉ hoành hành, môi trường ô nhiễm, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty Than Việt Nam theo mô hình tập đoàn kinh tế mạnh, đổi mới cơ chế quản lý, tăng quyền tự chủ, năng động cho cơ sở. Cùng với việc cơ cấu lại tổ chức sản xuất, tập trung giải quyết những khó khăn ở các khâu yếu, Tổng công ty Than Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh bước đầu lập lại trật tự trong sản xuất và tiêu thụ, động viên được khí thế thi đua của toàn thể công nhân. Sau 4 năm đã đưa sản lượng than lên 10 triệu tấn – mốc son mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Than vào năm 2000.Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á (1997 – 1999) khiến ngành Than ứ đọng 4,3 triệu tấn than, phải giãn sản xuất, tưởng khó vượt qua được. Nhưng nhờ mở rộng thị trường và áp dụng nhiều biện pháp kích cầu, kiên quyết đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cấp nguồn nhân lực với chất lượng ngày càng cao, không ngừng cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, ngành Than đã vững vàng bước vào thế kỷ XXI trong vị thế mới, đưa sản lượng lên 15 triệu tấn rồi 25, 30 tiệu tấn và sau 15 năm đã vượt qua sản lượng 40 triệu tấn/năm, tăng gấp 8 lần ngày mới thành lập. Sự tăng tốc của ngành Than có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện để các ngành kinh tế của đất nước phát triển nhanh.
Từ Tổng công ty Than trở thành Tập đoàn Than rồi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, công nhân, cán bộ ngành Than không ngừng phát huy truyền thống bất khuất, sáng tạo và ý thức trách nhiệm cao, dù trong bất cứ hoàn cảnh khốc liệt nào cũng đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của đất nước. Ngành Than Việt Nam đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, công nhân giàu nhiệt tình cách mạng, có đủ năng lực khoa học, kỹ thuật hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật để khai thác thành công xuống moong sâu, cơ giới hóa hầm lò, mở thêm nhiều lò giếng đứng, lò giếng nghiêng, đưa công suất lò chợ tăng gấp 5 lần trước đây. Nhiều mỏ than đã đạt được sản lượng từ 2-3 triệu tấn/năm. Thu nhập của thợ mỏ trong 15 năm qua đã tăng gần 10 lần. Đời sống văn hóa mang bản sắc thợ mỏ đang tỏa khắp các ngõ ngang, xóm thợ với những nét đẹp ấm tình người. Dù trong hoàn cảnh nào, công nhân, cán bộ ngành Than cũng luôn đoàn kết, đồng tâm, sáng tạo, đáp ứng mọi yêu cầu của đất nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế tiêu dùng than tăng trưởng nhanh. Tuy vậy, từ chỗ sản xuất than quá nhanh không tiêu thụ kịp phải giãn sản xuất (1999), đến nay, dù sản lượng đã tăng lên hơn 4 lần và có thể gấp 5 lần trong những năm tới thì vẫn phải tính đến phương án nhập khẩu, vì chỉ riêng than cung cấp cho nhiệt điện sẽ lên đến 75 triệu tấn/năm – bằng toàn bộ sản lượng than có thể khai thác được ở vùng Đông Bắc trong 10 năm tới.
Theo dự báo đáng tin cậy, mức tiêu dùng than của Việt Nam sẽ đạt đến khoảng 250 triệu tấn từ sau năm 2025 và nhiều chuyên gia lo ngại rằng, lúc đó có ngoại tệ mạnh cũng khó mua được than hoặc phải mua với giá rất cao cộng thêm chi phí vận chuyển lớn, liệu các ngành tiêu dùng nhiều than vốn quen dùng than giá rẻ có chịu nổi giá nhập khẩu gấp vài lần không? Việc nhập những thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều than, gây ô nhiễm môi trường cần phải loại bỏ. Sức nóng từ than đã thúc đẩy nhiều ngành kinh tế tăng tốc, nhưng hôm nay, sức nóng đó lại đang thúc giục thợ mỏ cần nỗ lực sáng tạo hơn nữa để giải được bài toán của tương lai. Mức tiêu dùng than ngày càng lớn đòi hỏi ngành Than phải tiếp tục tăng tốc, triển khai nhanh việc thăm dò và khai thác than Đồng bằng sông Hồng để giảm việc phải nhập hàng trăm triệu tấn than trong 10 – 15 năm tới.
Truyền thống bất khuất, sáng tạo cần được phát huy khi phải khai thác xuống sâu hơn, phải làm quen với những môi trường khai thác phức tạp hơn. Tin rằng, sức sáng tạo của công nhân, cán bộ ngành Than sẽ viết tiếp những trang sử mới sáng ngời, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần xứng đáng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/suc-nong-tu-than-6587.htm” button=”Theo vinacomin”]