Giếng đứng Mông Dương hiện nay thuộc Công ty CP than Mông Dương (phường Mông Dương, TX Cẩm Phả). Giếng này được thực dân Pháp đào lần đầu tiên vào năm 1934, trong cuộc khai thác thuộc địa ở Việt Nam.
Thực ra, Công ty Than đá Bắc Kỳ FSPT của Pháp đã tiến hành khai thác than ở mỏ Mông Dương từ năm 1917, nhưng phải gần 20 năm sau, chúng mới tiến hành đào giếng đứng. Bởi lẽ, do tính chất khai thác theo kiểu ăn cướp, việc gì dễ, ngon ăn thì làm trước nên ban đầu thực dân Pháp chỉ khai thác phần than ở phía trên thôi. Bên cạnh đó, việc đào giếng đứng thật sự khó khăn tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian, mặc dù kinh tế của Pháp lúc đó rất phát triển nhưng cũng không phải cứ muốn là được. Thêm nữa, giếng đào xong lại cần một lực lượng công nhân lành nghề, có trình độ KHKT vào làm việc, trong khi phần lớn phu mỏ của ta lúc đó làm việc dưới ách đô hộ của thực dân Pháp chưa đáp ứng được điều này.
Giếng đứng Mông Dương ban đầu được đào với đường kính 6m, sâu hơn 100m. Ngoài giếng đứng còn có 1 giếng nghiêng và các đường lò khác đều ở mức âm 97m. Khi mới bắt tay vào khai thác, thực dân Pháp đã để xảy ra vụ nổ khí mêtan vào năm 1937 làm chết rất nhiều người. Dẫu đã khai thác theo công nghệ giếng đứng nhưng năng suất khai thác than hồi đó rất thấp. Sản lượng than khai thác của Mông Dương năm 1939 chỉ đạt 220.000 tấn than nguyên khai. Năm 1944, hệ thống khai thác giếng đứng ở Mông Dương bị ngừng trệ do Nhà máy điện Cọc Năm bị phá huỷ. Giếng đứng Mông Dương bị ngập nước, không sản xuất được một thời gian dài.
Năm 1965, Chính phủ ta có chủ trương khôi phục lại mỏ Mông Dương (nay là Công ty CP than Mông Dương). Năm 1966, công việc đào giếng đứng mới thực sự được tiến hành. Khi đó, người ta phải bơm ra từ lòng giếng Mông Dương khoảng 1 triệu m3 nước. Do giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, việc phục hồi giếng đứng gặp nhiều khó khăn, giếng bị ngập nước trở lại.
Năm 1967, Bộ Điện – Than tuyển chọn ra 104 công nhân giỏi của các mỏ đưa sang Liên Xô học công nghệ hầm lò giếng đứng. Sau đó, các công nhân này đã trở về cải tạo giếng đứng Mông Dương. Năm 1969, giếng đứng được cải tạo theo các công đoạn bơm nước, cắt phá toàn bộ hệ thống giếng cũ chỉ để lại thành giếng, và lắp đặt các thiết bị mới. Các công đoạn được làm rất thận trọng, bởi giếng đã bị bỏ hoang từ lâu dễ dẫn đến bục nước hoặc nổ khí mê tan. Trong lòng giếng khi ấy phải chứa tới hàng triệu m3 nước, việc bơm nước không thể hút trực tiếp từ miệng giếng mà phải thông qua một lỗ khoan lớn song song với giếng chính và phải bơm liên tục, nếu ngơi nghỉ nước lại ập vào ngay. Cùng lúc đó, lòng giếng chính phải làm nhiều việc khác như: Dỡ bỏ các vật liệu của giếng cũ, ghép cốt pha và đổ bêtông thành giếng. Những công đoạn còn lại là đào các đường hầm rộng lớn như đường tầu điện ngầm hay xây các hầm trạm sau đó cũng được tiến hành v.v… Như vậy, nếu tính từ năm 1965, khi Chính phủ ta ra chủ trương khôi phục lại giếng đứng Mông Dương, cộng cả những năm tháng gián đoạn bởi chiến tranh, chúng ta phải mất 17 năm khôi phục công trình này. Đến tháng 12-1982, khu vực cánh tây Mông Dương mới cho ra lò tấn than đầu tiên.
Như vậy là, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, giếng đứng Mông Dương đã gắn liền với cuộc sống của bao thế hệ thợ mỏ nơi đây. Năm 2012 vừa qua, sản lượng than khai thác của Công ty đạt 1.620 triệu tấn, trong đó phần lớn khai thác từ giếng đứng Mông Dương, gấp hơn 7 lần so với sản lượng khai thác năm 1939 của thực dân Pháp.
Được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích cấp tỉnh năm 2007, cụm di tích Giếng đứng Mông Dương được xác định là những di tích nguyên gốc, chưa có sự biến dạng kể từ khi phục hồi và xây dựng năm 1967. Hệ thống di tích gồm 5 bộ phận cấu thành là khối Giếng đứng chính, khối Giếng đứng phụ, trạm quạt thông gió, kho chứa than và nhà điều hành sản xuất với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 42.913,070m2. Cụm di tích Giếng đứng Mông Dương là sản phẩm của sự phát triển về khoa học công nghệ, thể hiện sự kiên trì, lao động sáng tạo vượt mọi khó khăn, thách thức để đưa lò Giếng đứng, một lò sâu nhất (-97,5m) lần đầu tiên ở Việt Nam – Một phương pháp khai thác đã được áp dụng đưa vào sản xuất có hiệu quả cao. Với những ý nghĩa đó, ngày 23/4/2012, UBND thành phố Cẩm Phả đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về việc lập hồ sơ nâng cấp và gắn bia đá di tích cụm Giếng đứng Mông Dương từ di tích cấp tỉnh lên cấp Quốc gia. Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch – văn hóa trên địa bàn nhằm giáo dục truyền thống cho nhân dân và công nhân viên chức trong ngành Than.
Thực ra, Công ty Than đá Bắc Kỳ FSPT của Pháp đã tiến hành khai thác than ở mỏ Mông Dương từ năm 1917, nhưng phải gần 20 năm sau, chúng mới tiến hành đào giếng đứng. Bởi lẽ, do tính chất khai thác theo kiểu ăn cướp, việc gì dễ, ngon ăn thì làm trước nên ban đầu thực dân Pháp chỉ khai thác phần than ở phía trên thôi. Bên cạnh đó, việc đào giếng đứng thật sự khó khăn tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian, mặc dù kinh tế của Pháp lúc đó rất phát triển nhưng cũng không phải cứ muốn là được. Thêm nữa, giếng đào xong lại cần một lực lượng công nhân lành nghề, có trình độ KHKT vào làm việc, trong khi phần lớn phu mỏ của ta lúc đó làm việc dưới ách đô hộ của thực dân Pháp chưa đáp ứng được điều này.
Giếng đứng Mông Dương ban đầu được đào với đường kính 6m, sâu hơn 100m. Ngoài giếng đứng còn có 1 giếng nghiêng và các đường lò khác đều ở mức âm 97m. Khi mới bắt tay vào khai thác, thực dân Pháp đã để xảy ra vụ nổ khí mêtan vào năm 1937 làm chết rất nhiều người. Dẫu đã khai thác theo công nghệ giếng đứng nhưng năng suất khai thác than hồi đó rất thấp. Sản lượng than khai thác của Mông Dương năm 1939 chỉ đạt 220.000 tấn than nguyên khai. Năm 1944, hệ thống khai thác giếng đứng ở Mông Dương bị ngừng trệ do Nhà máy điện Cọc Năm bị phá huỷ. Giếng đứng Mông Dương bị ngập nước, không sản xuất được một thời gian dài.
Năm 1965, Chính phủ ta có chủ trương khôi phục lại mỏ Mông Dương (nay là Công ty CP than Mông Dương). Năm 1966, công việc đào giếng đứng mới thực sự được tiến hành. Khi đó, người ta phải bơm ra từ lòng giếng Mông Dương khoảng 1 triệu m3 nước. Do giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, việc phục hồi giếng đứng gặp nhiều khó khăn, giếng bị ngập nước trở lại.
Năm 1967, Bộ Điện – Than tuyển chọn ra 104 công nhân giỏi của các mỏ đưa sang Liên Xô học công nghệ hầm lò giếng đứng. Sau đó, các công nhân này đã trở về cải tạo giếng đứng Mông Dương. Năm 1969, giếng đứng được cải tạo theo các công đoạn bơm nước, cắt phá toàn bộ hệ thống giếng cũ chỉ để lại thành giếng, và lắp đặt các thiết bị mới. Các công đoạn được làm rất thận trọng, bởi giếng đã bị bỏ hoang từ lâu dễ dẫn đến bục nước hoặc nổ khí mê tan. Trong lòng giếng khi ấy phải chứa tới hàng triệu m3 nước, việc bơm nước không thể hút trực tiếp từ miệng giếng mà phải thông qua một lỗ khoan lớn song song với giếng chính và phải bơm liên tục, nếu ngơi nghỉ nước lại ập vào ngay. Cùng lúc đó, lòng giếng chính phải làm nhiều việc khác như: Dỡ bỏ các vật liệu của giếng cũ, ghép cốt pha và đổ bêtông thành giếng. Những công đoạn còn lại là đào các đường hầm rộng lớn như đường tầu điện ngầm hay xây các hầm trạm sau đó cũng được tiến hành v.v… Như vậy, nếu tính từ năm 1965, khi Chính phủ ta ra chủ trương khôi phục lại giếng đứng Mông Dương, cộng cả những năm tháng gián đoạn bởi chiến tranh, chúng ta phải mất 17 năm khôi phục công trình này. Đến tháng 12-1982, khu vực cánh tây Mông Dương mới cho ra lò tấn than đầu tiên.
Như vậy là, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, giếng đứng Mông Dương đã gắn liền với cuộc sống của bao thế hệ thợ mỏ nơi đây. Năm 2012 vừa qua, sản lượng than khai thác của Công ty đạt 1.620 triệu tấn, trong đó phần lớn khai thác từ giếng đứng Mông Dương, gấp hơn 7 lần so với sản lượng khai thác năm 1939 của thực dân Pháp.
Được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận di tích cấp tỉnh năm 2007, cụm di tích Giếng đứng Mông Dương được xác định là những di tích nguyên gốc, chưa có sự biến dạng kể từ khi phục hồi và xây dựng năm 1967. Hệ thống di tích gồm 5 bộ phận cấu thành là khối Giếng đứng chính, khối Giếng đứng phụ, trạm quạt thông gió, kho chứa than và nhà điều hành sản xuất với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 42.913,070m2. Cụm di tích Giếng đứng Mông Dương là sản phẩm của sự phát triển về khoa học công nghệ, thể hiện sự kiên trì, lao động sáng tạo vượt mọi khó khăn, thách thức để đưa lò Giếng đứng, một lò sâu nhất (-97,5m) lần đầu tiên ở Việt Nam – Một phương pháp khai thác đã được áp dụng đưa vào sản xuất có hiệu quả cao. Với những ý nghĩa đó, ngày 23/4/2012, UBND thành phố Cẩm Phả đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về việc lập hồ sơ nâng cấp và gắn bia đá di tích cụm Giếng đứng Mông Dương từ di tích cấp tỉnh lên cấp Quốc gia. Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch – văn hóa trên địa bàn nhằm giáo dục truyền thống cho nhân dân và công nhân viên chức trong ngành Than.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gieng-dung-mong-duong-va-nhung-thang-tram-lich-su-6588.htm” button=”Theo vinacomin”]