“Thị trấn Thiếc” Tĩnh Túc đẹp mê hồn trong sương sớm…
Đây thiếc quí nằm trong lòng đất
Kia Phia Oắc đỉnh núi mây bay
Về thăm Tĩnh Túc hôm nay
Đừng quên mỏ thiếc những ngày gian lao!
Nằm lặng lẽ giữa thung lũng dưới chân dãy Phia Oắc quanh năm mây phủ là một thị trấn nhỏ gắn liền với vùng mỏ quý: Thiếc Tĩnh Túc. Xuân về, những cánh đào đỏ thắm bừng lên trong làn sương sớm, càng làm tăng thêm vẻ đẹp của Tĩnh Túc nơi núi non thâm sâu…
Từ thành phố Cao Bằng, ngược theo QL34, băng qua những đoạn đường đèo dốc ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua tay áo chừng 45 ki lô mét là đến trung tâm thị trấn Tĩnh Túc – cái tên gắn liền với mỏ quý thiếc Tĩnh Túc.
Với nguồn tài nguyên phong phú và quý hiếm như: Vàng, mangan, thiếc, vonfram…, cùng các khai trường, hầm mỏ do thực dân Pháp để lại, Trung ương Đảng đã định hướng cho Cao Bằng tập trung vào ngành công nghiệp khai khoáng luyện kim màu. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ), tháng 10/1955, mỏ thiếc Tĩnh Túc được thành lập và tiến hành tổ chức, xây dựng đội ngũ công nhân, cải tạo lại các cơ sở, hầm mỏ sản xuất…
Nhớ lại những bước thăng trầm của lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong ký ức nhiều cựu công nhân của mỏ vẫn không thể quên khí thế tất bật ngày đêm trên công trường sản xuất thiếc. Với khẩu hiệu lao động: “Tất cả vì Tổ quốc XHCN”, “Vì miền Nam thân yêu” đã tạo ra động lực mạnh mẽ để họ tự làm ra thiếc thỏi phục vụ cho ngành công nghiệp khác, góp phần vào thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
CBCN Mỏ Thiếc chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Tổng công ty Khoáng sản – TKV dưới tượng đài Bác tại khu quần thể Văn hóa Tĩnh Túc
Ông Trịnh Văn Tuệ – Tổng Giám đốc Tổng công ty Khoáng Sản -TKV, cho biết: Ngành khai thác và chế biến khoáng sản có được như ngày hôm nay, ấy là nhờ vào “đứa con đầu lòng” mỏ thiếc Tĩnh Túc. Lịch sử ngành khai khoáng Việt Nam đã ghi nhận vào thời kỳ nửa cuối của thế kỷ XX, mỏ Thiếc Tĩnh Túc là công trình có quy mô lớn nhất nước ta. Hơn 60 năm qua (1955 – 2019), hàng trăm ngàn tấn thiếc Tĩnh Túc đã được tinh luyện thành những sản phẩm không thể thiếu trong ngành sản xuất công nghiệp và phục vụ đời sống con người. Với tầm quan trọng là “đứa con đầu lòng” của ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam, nên dù bận trăm công, nghìn việc, ngày 15/9/1958, Bác Hồ về thăm và động viên CBCN Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Và ngày đó đã chính thức được chọn làm Ngày truyền thống của đơn vị hàng năm.
Điều đặc biệt ở Thị trấn này là, hầu hết những hộ dân sinh sống ở đây đều là những công nhân đã và đang làm việc tại mỏ thiếc. Nhiều thế hệ công nhân đã rời quê hương đến đây công tác rồi nghỉ hưu tại đây. Con em họ lớn lên, người thì theo nghiệp bố mẹ, người thì làm bác sĩ, kỹ sư ở các ngành khác, song họ đều coi Tĩnh Túc là nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Hơn sáu thập niên nơi thâm sơn cao vút, thị trấn mỏ lặng lẽ dưới chân dãy Phia Oắc đã chứng kiến bao nốt thăng, trầm trong bản trường ca của vùng mỏ quý – Thiếc Tĩnh Túc. Trong thanh âm vang vọng giữa đại ngàn của cánh cung Ngân Sơn, vẫn còn nghe thấy hào khí của thiếc Tĩnh Túc những ngày gian khổ năm xưa.
Sa bàn mô phỏng quy trình sản xuất thiếc
Đến thăm thị trấn mỏ, du khách không thể không đến Phòng Truyền thống của Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng – thuộc Tổng công ty Khoáng sản – TKV nằm ở khu vực trung tâm thị trấn. Tại đây, du khách được xem toàn thể quy trình khai thác mỏ thiếc và chế biến thiếc thành sản phẩm thiếc thỏi cũng như toàn cảnh thị trấn trên sa bàn trong thung lũng Phia Oắc. Ngoài những mẫu quặng, những hình ảnh tư liệu quý về những ngày mới thành lập mỏ thiếc, hình ảnh Bác Hồ về thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc ngày 15/9/1958 được trưng bày, tại đây còn lưu lại bút tích của Người tặng đồng bào Cao Bằng khi Bác về thăm lại Cao Bằng vào đầu xuân 1961: “Chúc đồng bào pi mư đạy lai (tiếng Tày nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp). Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/xuan-tren-thi-tran-thiec-201903111633466748.htm” button=”Theo vinacomin”]