Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 – 100 km/giờ), giật cấp 13. Dự báo đến 16 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông trên vùng bờ biển các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100 – 135 km/giờ), giật cấp 15. Đây là cơn bão di chuyển nhanh, sức gió rất mạnh, gây mưa rất lớn và trên diện rộng.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy PCTT-TKCN Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Ninh, Ban chỉ đạo PCTT-TKCN TKV đã có công điện yêu cầu các tổng công ty/công ty con/đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó với bão số 10 (bão Doksuri) và mưa lũ lớn sau bão.
Theo đó, Ban chỉ đạo PCTT-TKCN TKV yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10 và thời thiết trên các phương tiện thông tin đại chúng (đặc biệt là trang web www.nchmf.gov.vn của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương; đồng thời triển khai các phương án chuẩn bị ứng phó, phân công trực ban 24/24h, thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Tập đoàn và các cơ quan quản lý địa phương và cấp trên.
Bên cạnh đó, các đơn vị khẩn trương kiểm đếm tầu thuyền, phương tiện thuỷ của đơn vị, yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có bão, neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn. Kiểm tra, giằng néo chống tốc mái, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đối với công trình xây dựng, các công trình có chiều cao lớn. Tăng cường phủ bạt, củng cố để bảo vệ các kho than và khoáng sản. Cảnh báo đến tất cả cán bộ công nhân viên, các phương tiện của đơn vị và nhân dân không được đi qua các đường tràn, đạp tràn, đường đi qua suối khi mưa to; cử người gác tại các đường tràn, đập tràn do đơn vị quản lý. Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện của các mỏ hầm lò. Chủ động di chuyển các thiết bị lên vị trí an toàn đề phòng ngập các moong khai thác lộ thiên. Kiểm tra, củng cố, duy trì đảm bảo an toàn các tuyến đường liên lạc vận chuyển chuyên dùng. Kiểm tra, theo dõi để phát hiện, khắc phục ngay những nguy cơ tràn vỡ đập chắn, hồ thải quặng đuôi, sạt lở bãi thải, sạt lở đất. Củng cố các tầng thải, khơi thông tách nước không cho chảy qua các sườn tầng bãi thải. Nạo vét đất đá, khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước, các khu vực bị bồi lấp đảm bảo thoát nước tốt để đề phòng ngập úng cục bộ khu vực. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, thiết bị thường trực tại các vị trí trọng điểm.
Song song đó, các đơn vị phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ ngập lụt, nguy hiểm theo Đề án di dân tổng thể tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là khu Đồi Chè, phường Cao Xanh – Công ty than Hòn Gai; thôn Khe Sím, xã Dương Huy – Công ty than Quang Hanh; nhà ở tập thể xuống cấp (cấp D), phường Cẩm Thuỷ – Công ty than Dương Huy; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm tại khu vực khi mưa lũ có nguy cơ bị chia cắt, cô lập không liên lạc được.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc-hoat-dong/tkv-trien-khai-nhieu-giai-phap-ung-pho-voi-bao-so-10-201709141031078612.htm” button=”Theo vinacomin”]