Nếu dự án mở vỉa bằng giếng đứng thì phức tạp hơn, chi phí lớn hơn. Chẳng hạn: Dự án khai thác mỏ Núi Béo, mở vỉa bằng giếng đứng khai thác ở độ sâu âm 410 mét, công suất 2 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng; khởi công ngày 3/2/2012. Dự án Khe Chàm II-IV mở vỉa bằng 3 giếng đứng kết hợp với các lò xuyên vỉa ở 2 tầng khai thác có công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than/năm với tổng mức đầu tư trên 12.500 tỷ đồng được khởi công ngày 28/7/2013; chắc còn nhiều năm nữa mới ra tấn than đầu tiên …
Sau khi hoàn thành hệ thống mở vỉa (xây dựng cơ bản), tiếp đó là công việc khai thác. Đặc điểm các vỉa than của bể than Quảng Ninh là không ổn định, nhiều phay phá (hiện tượng đứt gãy của vỏ trái đất), nhiều nước và khí metan v.v. nên công việc khai thác vô cùng vất vả. Công nghệ khai thác hiện nay chủ yếu bằng khoan nổ mìn, chống giữ bằng cột thủy lực. Trong không gian chật hẹp, lò chợ thường dốc, việc đi lại, vận chuyển những thiết bị kềnh càng, những loại vật liệu chống giữ to, nặng đã rất vất vả. Gặp tình trạng tụt lở nóc, lở gương lò, việc xử lý càng vất vả hơn; nếu gặp sự cố bục nước, nổ khí việc cứu hộ càng gian nan, vất vả gấp bội…
Thấu hiểu tính chất công việc và vai trò nòng cốt của thợ lò nên lâu nay, lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị luôn dành cho thợ lò sự quan tâm đặc biệt. Đó là sự quan tâm chăm lo cải thiện điều kiện, môi trường sản xuất để thợ lò làm việc an toàn hơn, bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn; sự quan tâm đến tiền lương, chỗ ở, đi lại, điều kiện sinh hoạt… CBCN các phòng ban, các dây chuyền sản xuất khác trong các mỏ luôn cảm thông chia sẻ với thợ lò; không ai dám so bì với thợ lò.
Tuy nhiên, với xã hội, không phải ai cũng thấu hiểu công việc và sứ mệnh cao cả của thợ lò để chia sẻ. Có người còn cho rằng, ngành Than – Khoáng sản sướng, chỉ việc xúc đất lên là có ăn! Thậm chí có người còn nhìn thợ lò phiến diện. Chế độ, chính sách của Nhà nước đối với thợ lò hiện nay cũng chưa thỏa đáng…
Thợ lò nói riêng và thợ mỏ ngành Than – Khoáng sản nói chung đang đảm nhận một sứ mệnh cao cả là khai thác than, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Theo Quy hoạch ngành Điện, đến năm 2020, cả nước cần đầu tư khoảng 52 dự án nhiệt điện chạy than, công suất 36.000MW, chiếm 48% công suất nguồn điện toàn hệ thống. Như vậy, tổng nhu cầu than cho sản xuất điện dự kiến đến năm 2020 cần trên 67 triệu tấn và đến năm 2030 cần khoảng 150 triệu tấn. Đấy mới chỉ là nhu cầu than cho sản xuất điện. Nếu tính thêm nhu cầu than cho các ngành khác như xi măng, hóa chất… thì lượng than hàng năm sẽ khổng lồ.
Để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân, Chính phủ đã giao cho TKV, ngoài việc khai thác than trong nước, còn có nhiệm vụ làm đầu mối chính nhập khẩu than. Theo dự báo, nhập khẩu than không phải dễ dàng. Vì vậy, từ lâu, Tập đoàn đã đẩy mạnh đầu tư XDCB như đã nêu trên để chủ động nguồn năng lượng lượng than.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh sản lượng, ngoài tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến… còn một yếu tố vô cùng quan trọng đó là xây dựng lực lượng đội ngũ thợ lò tinh nhuệ, yêu nghề, yên tâm gắn bó lâu dài với nghề. Muốn vậy, không còn cách nào khác là các ngành, các cấp cần quan tâm hơn đến thợ lò; thợ lò cần có những chế độ ưu đãi đặc biệt; được xã hội tôn vinh như lời của Bác Hồ “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-lo-can-duoc-xa-hoi-ton-vinh-9349.htm” button=”Theo vinacomin”]