Từ lâu, thợ khoan thăm dò địa chất vẫn được coi là những người tiên phong “mở đường” tìm kiếm và đánh thức tiềm năng tài nguyên còn ẩn sâu trong lòng đất. Tiếp xúc với những người thợ ấy, chúng tôi cảm nhận được sự yên tâm, phấn khởi khi có đủ việc làm bởi dù vất vả, khó khăn nhưng những người thợ địa chất luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong công việc. Tuy vậy, đến Xí nghiệp Địa chất trắc địa Đông Triều lần này, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt “băn khoăn”…
Lỗ khoan MK905 nằm trên đỉnh Núi Thành, thuộc dự án thăm dò xuống sâu dưới -300 của Công ty than Mạo Khê, có chiều sâu yêu cầu lên tới gần ngàn mét (980m). Đây là nhiệm vụ khá nặng, ngay cả với một tổ trưởng dày dạn kinh nghiệm đã có 28 năm gắn bó với nghề, đã từng khoan hơn 200 lỗ khoan như anh Quất bởi tính chất địa tầng khu vực này phức tạp, toàn đất đá rắn; hơn nữa, do ở trên núi cao nên việc đi lại rất khó khăn, công nhân phải làm việc điều kiện thiếu thốn. Được Xí nghiệp tin tưởng giao nhiệm vụ, đến nay sau 2 tháng thi công, Tổ khoan 2 đã hoàn thành được 660 mét.
Anh Quất bộc bạch, Xí nghiệp địa chất trắc địa Đông Triều thực hiện giao việc cho các tổ đội theo hình thức khoán quản. Trên cơ sở định mức đó, các tổ trưởng phải tự cân đối, “căn ke” hợp lý giữa khối lượng công việc, thời gian thi công với chi phí giá thành. Song do đặc thù công việc của thợ địa chất, tổ trưởng “kiêm” luôn cả nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân trong tổ. Những năm gần đây, khối lượng mét khoan thăm dò của Xí nghiệp liên tục tăng, đặt ra áp lực công việc, áp lực về thời gian nhất định cho CBCN. Bận rộn nhưng phấn khởi, anh em bảo nhau “lăn” ra làm, không phải lo nghĩ gì. Khi có việc, công nhân làm cả ngày tết, ngày lễ, vì chỉ sơ sểnh một tý, ngoảnh đi, ngoảnh lại mất mấy trăm triệu như chơi, nhất là những mũi khoan đã xuống sâu. Nhưng, hai ba tháng nay thì khác, việc đang ít dần; thu nhập, như ở Tổ khoan 2, giảm khoảng 30 – 40% so với đầu năm, anh Quất cho biết. Tình hình tới sẽ còn khó khăn hơn vì nghe nói, từ năm nay, trên Công ty phải đấu thầu mới có việc.
Trên đường tới mặt bằng lỗ khoan MK 889, mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn. Điều kiện thời tiết này không thuận lợi cho việc thi công do lỗ khoan MK 886 nằm trên vùng địa hình trũng nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh Tổ trưởng Nguyễn Thế Anh cùng với anh em trong Tổ khoan 7 đang miệt mài với công việc. Hỏi ra mới hay, thời điểm này, Xí nghiệp gần như hết việc. Hiện chỉ còn 16/28 tổ khoan đang thực hiện những lỗ khoan còn lại trong điều kiện thi công hết sức khó khăn. Có những lỗ khoan biết là lỗ nhưng vẫn phải làm bởi đó là nhiệm vụ chính trị. Lỗ khoan 886 này cũng vậy, địa tầng đất đá không ổn định dẫn tới biện pháp thi công phức tạp hơn. Mặc dù có lợi thế hơn các đồng nghiệp vì nhà gần Xí nghiệp, nhưng tổ trưởng Nguyễn Thế Anh vẫn phải thường xuyên bám nắm công trình 24/24h. Một mặt, để trực tiếp xử lý tình huống cho kịp thời, mặt khác để động viên tinh thần anh em công nhân trong tổ lúc khó khăn. Anh Trần Văn Sử, công nhân Tổ khoan 7 tổng kết, từ đầu năm đến giờ, tổng cộng tiền lương của anh là 17 triệu đồng. Nếu tính công, chỉ khoảng 100 nghìn/công, thấp hơn thợ phụ hồ thời vụ trong khi “bão giá” tăng chóng mặt. Hay như thợ khoan Thiều Văn Phong, thu nhập của Phong tầm trên dưới 2 triệu/tháng nên 9 tháng nay chưa về thăm nhà. Quê Phong ở tận Thanh Hóa. Khó là vậy, song theo Tổ trưởng Nguyễn Thế Anh, công nhân trong tổ vẫn rất cố gắng bám trụ. Hiện, nhiều tổ khoan khác đã bố trí cho công nhân nghỉ phép, nghỉ luân phiên chờ việc, một số thì được tăng cường vào các tổ khoan còn lại. Tổ khoan 7 của anh cũng mới “được” bổ sung thêm 2 người, vì thế xếp việc và lo đảm bảo thu nhập đủ sống cho anh em càng khó hơn.
Qua tìm hiểu được biết, Xí nghiệp địa chất Đông Triều bước vào SXKD năm 2011 với nhiều khó khăn như, điều kiện thi công ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp; giá cả vật tư đầu vào tăng đột biến dẫn đến chi phí cho một mét khoan ngày tăng cao trong khi đơn giá mét khoan bị cắt giảm 20% so với năm 2010. Song, khó khăn nhất đối với Xí nghiệp lúc này là khối lượng công việc giảm, số mét khoan được giao còn lại rất ít, hầu hết trong diện khó giải phóng mặt bằng… Từ nay đến cuối năm và sau này, “nguồn việc” sẽ phụ thuộc vào kết quả đấu thầu theo chủ trương chung của Tập đoàn mới triển khai từ quý II/2011. Do đó, khó lại càng khó. Một số anh em công nhân trẻ có những dao động tư tưởng nhất định. Điều này cũng dễ hiểu bởi với người lao động, quan trọng nhất vẫn là việc làm và thu nhập.
Băn khoăn của CBCN cũng chính là những trăn trở của Ban lãnh đạo Xí nghiệp. Từ vài năm trước, để đáp ứng được nhiệm vụ khoan thăm dò địa chất mà Tập đoàn giao, Xí nghiệp đã tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất như mua sắm phương tiện xe máy và thiết bị khoan hiện đại với hơn 30 bộ máy khoan đồng bộ, 15 xe ô tô đặc chủng… Cùng với đó, công tác đào tạo mới, đào tạo nâng cao trình độ cho công nhân kỹ thuật luôn được chú trọng, nhằm thường xuyên bổ sung cho lực lượng thợ khoan lành nghề. Cũng bởi tập trung cho các mục tiêu trong Tập đoàn nên thời gian qua, Xí nghiệp chưa quan tâm nhiều đến thị trường ngoài. Mặc dù Xí nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực khoan xiên, khoan sâu và thi công những mũi khoan trong điều kiện địa chất khó, đặc biệt là kinh nghiệm và truyền thống của một đơn vị anh hùng. Vì thế, dù việc chuyển đổi sang hình thức đấu thầu là chủ trương đúng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng Xí nghiệp cần tổ chức, kiện toàn lại lực lượng để nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-dia-chat-truoc-nguy-co-vua-lam-vua-cho-viec-558.htm” button=”Theo vinacomin”]