Shipper đột quỵ khi đang ngủ gục trên xe. Ảnh: SCMP
Ông Yuan (55 tuổi) làm shipper cho một nền tảng giao đồ ăn tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Ông qua đời sáng 6/9, khi đang ngủ trên chiếc xe giao hàng của mình sau một ngày làm việc dài 18 tiếng.
Ông Yuan từng được ca ngợi là “thánh giao hàng” vì sự tận tụy, chăm chỉ.
“Có những ngày, ông ấy làm đến 3h sáng, chợp mắt chút ít rồi lại dậy lúc 6h để tiếp tục. Nhiều khi ông chóng mặt vì mệt mỏi, chỉ nghỉ tạm trên xe rồi lại lao đầu vào công việc”, một đồng nghiệp của ông kể lại.
Một tháng trước khi qua đời, ông Yuan bị gãy chân trong một tai nạn khi đang đi giao hàng. Thay vì nghỉ ngơi hồi phục, ông quay lại làm việc sau 10 ngày, cố gắng tích lũy tiền để chi trả học phí cho con trai.
Trong một vụ việc khác gây xôn xao mạng xã hội, một người giao hàng đã tức giận, đập điện thoại xuống đường sau khi bị khách hàng đánh giá 1 sao. “Họ muốn chúng tôi chết sao?”, nam shipper hét lớn.
Cái chết của ông Yuan và sự giận giữ của người giao hàng ở trên chỉ là hai trong số nhiều câu chuyện cho thấy áp lực khắc nghiệt mà những người làm nghề shipper ở Trung Quốc đang phải đối mặt.
Nhân viên giao hàng của Meituan tại Bắc Kinh. Ảnh: Chinadaily
Chật vật kiếm sống
Khoảng 12 triệu shipper là xương sống của mạng lưới giao đồ ăn khổng lồ ở Trung Quốc. Họ từng giữ vai trò thiết yếu trong đại dịch Covid-19, khi người dân phải ở nhà vì các lệnh phong tỏa.
Giờ đây, họ là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Trung Quốc, giao đồ ăn cho khách hàng bất kể trời mưa lớn hay bão gió.
Tuy nhiên, người làm nghề này ngày càng khó khăn. Thu nhập giảm dù giờ làm tăng lên, áp lực từ công ty quản lý và khách hàng tăng cao.
Theo báo SCMP, ở Trung Quốc, áp lực mà các shipper phải đối mặt hàng ngày được xem là bình thường. Họ có thể bị sa thải nếu không giao đúng hẹn hay bị người dùng phản ánh tiêu cực.
Thậm chí, có shipper còn bị khách hàng lăng mạ, sỉ nhục.
Theo Trung tâm nghiên cứu việc làm mới của Trung Quốc, năm 2018, các shipper kiếm được trung bình hơn 1.000 USD/tháng (hơn 25 triệu đồng), nhưng đến 2023 còn khoảng 900 USD/tháng (22,7 triệu đồng).
Jenny Chan, Phó giáo sư Xã hội học tại Đại học Bách khoa Hong Kong, nhận định: “Họ phải làm việc nhiều hơn và chịu áp lực lớn vì các nền tảng giao hàng muốn duy trì chi phí thấp”.
Nam shipper Yang, 35 tuổi, (bên trái) chia sẻ về khó khăn của mình. Ảnh: CNN
Suy thoái kinh tế khiến khách hàng gọi các bữa ăn rẻ hơn, kéo thu nhập của shipper đi xuống. Điều này buộc các shipper phải làm việc nhiều giờ hơn để duy trì mức lương.
Lu Sihang (20 tuổi) tiết lộ, anh làm 10 tiếng mỗi ngày, giao khoảng 30 đơn và kiếm được 30 – 40 USD/ngày (750.000 – 1 triệu đồng). Với mức thu nhập này, Lu phải làm việc liên tục, gần như không có ngày nghỉ.
Trong bối cảnh kinh tế trì trệ và việc làm khan hiếm, thị trường lao động trở nên cạnh tranh gay gắt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc lên tới 18,8% vào tháng 8/2024.
Yang (35 tuổi) thừa nhận nghề làm shipper không còn dễ kiếm tiền như trước. Nhưng với anh, nó phù hợp vì linh hoạt. “Nếu muốn kiếm nhiều tiền, bạn cần làm nhiều hơn. Nếu muốn nghỉ ngơi, bạn có thể làm ít lại”.
Nam shipper gặp ‘cú sốc’ tinh thần khó quên ngay ngày đầu đi làm TRUNG QUỐC – Trong ngày đầu tiên đi làm, nam nhân viên giao hàng (shipper) bị một phụ nữ tấn công ngay trên đường phố chỉ vì anh có lòng tốt nhắc nhở cô ta về an toàn giao thông. Shipper làm việc quần quật tới nửa đêm, tháng thu nhập hơn 123 triệu đồng HÀN QUỐC – Nam shipper trên hòn đảo Ulleung trở nên nổi tiếng sau khi video ghi lại quá trình làm việc vất vả của anh lan truyền khắp mạng xã hội. Dân mạng truy tìm nam shipper quay lén khách hàng nữ TRUNG QUỐC – Nam nhân viên giao đồ ăn đã bí mật quay video các khách hàng nữ, sau đó đăng lên mạng xã hội kèm theo những bình luận khiếm nhã.