Dư và Hà cùng là thợ mỏ, người làm Than Đèo Nai, người làm Than Dương Huy. Hôm nay ngày đầu tuần ca 1, sáng đóng bộ ra ngõ, Dư bỗng dừng lại, nghe như có mùi thơm thoảng trong gió lạnh, nghe hạt mưa bụi lắc rắc vương. Nhìn lên cây bưởi cạnh lối đi, ô kìa, từng chùm hoa trắng tinh, mềm mại nở tung toả hương thầm lặng, nồng nàn. Vậy là xuân đã về, Tết sắp đến.
Theo phong tục cả nước, Tết với gia đình thợ mỏ như gia đình Dư bắt đầu từ 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Táo. Để chuẩn bị cho lễ cúng, trước đó một hôm, Hà, vợ Dư đã sắm đủ hương, nến, hoa quả, vàng mã, hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà bằng giấy và ba con cá chép sống vàng óng làm phương tiện đưa ông Táo về Trời.
Sau ngày cúng ông Táo, vợ chồng Dư tiếp tục tất bật sắm Tết. Công việc của Hà chuyên ca 1, gần tan tầm, Hà điện thoại nhắc chồng đem xe máy đón vợ ở bến xe công nhân để đi mua đồ. Chợ Tết vùng mỏ thật náo nhiệt, người mua kẻ bán chen chân đông vui gấp mấy phiên chợ thường, hàng hóa đầy ắp đa dạng, tràn cả ra ngoài cổng và đường đi. Năm nay, giá cả không sốt như năm ngoái tuy vẫn còn thứ mượn cớ Tết tăng giá. Nhưng mang tâm lý chung như nhiều gia đình thợ mỏ rằng mỗi năm chỉ một lần, nên dẹp bỏ mọi băn khoăn, Hà vẫn xởi lởi mua.
Mấy buổi chiều lỉnh kỉnh khuân đồ nọ thứ kia để rồi cả nhà Dư như vui hơn, phấn khích hơn với không gian đầy ắp màu sắc, mùi vị Tết. Gần cửa chính, cành bích đào xinh xinh chi chít bông đỏ thắm được trang trí thêm mấy dây đèn màu nhấp nháy. Cạnh bàn uống nước phòng khách, chậu quất kiểu dáng cầu kỳ xum xuê lá xanh, quả vàng. Mặt ban thờ và kệ ti vi nổi bật hai bình hoa có đủ cúc, huệ, thủy tiên, lan, thược dược, violet, đồng tiền… màu sắc phong phú, dồi dào sức sống. Ban thờ còn mâm ngũ quả có nải chuối xanh cong lên đùm bọc năm loại trái cây khác nhau, thêm bốn chiếc bánh chưng, chai rượu, nhang đèn, trầu cau… Đồ ăn, thức uống ngày Tết chất đầy trong tủ lạnh.
Để chuẩn bị cho bữa tất niên, từ sáng 30 Tết, Hà và con gái lớn cùng vào bếp. Hai mẹ con ríu rít đồ xôi, nhặt rau, cắt tỉa su hào, cà rốt, nấu nướng, soạn sửa mâm cỗ cúng mời Tổ tiên, ông bà về ăn Tết. Ngày này năm ngoái, Dư trực gác đơn vị ca 2 nên bữa tất niên gia đình tổ chức buổi trưa. Năm nay, Dư gác ca 3 mồng 2 Tết nên họ chuyển buổi chiều cho thư thả. Như mọi năm, Dư lại dặn trước vợ là sẽ mời người bạn thân làm cùng đến ăn tất niên.
Quãng 4 giờ chiều, mọi việc hòm hòm, cả nhà Dư luân phiên tắm tất niên. Hà chu đáo chuẩn bị một nồi nước nóng to đùng thơm ngát mùi lá bưởi, bồ kết, rau mùi… 6 giờ tối, gác lại bao buồn vui, lo toan của một năm, gia đình Dư và người bạn cùng vào mâm cơm. Trong khói hương trầm lan tỏa, giữa cái se lạnh của đất trời lúc xuân sang, họ vừa ăn vừa nói những câu chuyện vui, động viên nhau cố gắng việc nọ việc kia, nhắc nhở mấy đứa con chăm chỉ học hành để sau này đỗ đạt đi làm đỡ vất vả…
10 giờ tối, gia đình Dư lại chuẩn bị hai mâm lễ cúng giao thừa; mâm lễ ngoài trời sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người Nhà Trời cai quản mình năm cũ trở về Thiên đình và đón người cai quản mới xuống Hạ giới, đồ cúng gồm: con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu, nước, vàng mã…; mâm lễ trong nhà để cúng và cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình năm mới gặp điều tốt lành, đồ cúng là bánh chưng, giò chả, xôi, thức uống, hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo… Giờ khắc giao thừa thiêng liêng, Dư thay mặt gia đình trang nghiêm đứng chắp tay khấn trước bàn thờ, rồi cả nhà cùng quây quần nghe nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước trên tivi. Chờ hương cháy hết, họ lại cùng nâng chén rượu, nhấp môi chúc nhau một năm mới tràn đầy hạnh phúc và may mắn. Những đứa trẻ háo hức đón tiền mừng tuổi của bố mẹ, háo hức ra ngoài hiên xem bắn pháo hoa. Trong khi chờ đón các vị khách hàng xóm đi chúc tết nhà nhau kiểu cuốn chiếu lúc giao thừa như mọi năm, vợ chồng Dư tranh thủ gọi điện, nhắn tin chúc tụng anh em họ hàng ở quê và bạn bè.
Ba ngày Tân niên, chỉ sáng mồng 1 Tết, cả nhà Dư có mặt bày cỗ cùng ăn, còn lại không mấy khi gia đình đủ người. Lúc thì vợ chồng đi lễ chùa, đi chúc tết họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Mấy đứa con thì theo chúng bạn đi tết thầy cô, đi xem các trò chơi tổ chức ở sân Nhà văn hóa khu như cờ người, tung vòng cổ chai, ném bóng vào chậu…
Năm nay, mồng 5 Tết vợ chồng Dư khai xuân. Xem ngày giờ, họ chọn chiều mồng 4 Tết làm cỗ hóa vàng. Cũng quan niệm như mọi người, vợ chồng Dư cho rằng, không chỉ con cháu trên trần mà ông bà dưới âm cũng phải được hưởng ngày vui tết, nên sau khi sắp mâm, làm xong nghi thức cúng, vợ chồng Dư còn đốt chút vàng mã gửi về “thế giới bên kia”.
Kiểu đón Tết của gia đình Dư giống như đại đa số các gia đình thợ mỏ khác vùng Cẩm Phả, gọn gàng, không cầu kỳ mà đầy đủ lễ nghi theo phong tục và thật trang trọng, ấm cúng. Sau mấy ngày nghỉ, dư âm Tết vẫn còn nhưng không khí sản xuất khẩn trương trên mỏ đã khiến vợ chồng Dư nhanh chóng bắt nhịp trở lại…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tet-trong-gia-dinh-tho-mo-901.htm” button=”Theo vinacomin”]