Thợ mỏ Quảng Ninh chủ yếu đến từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và có lẽ đông nhất là Thái Bình. Từ quê lúa, họ ra Quảng Ninh làm thợ mỏ, lấy vợ, sinh con, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Ngày Tết, họ gửi nhà nhờ hàng xóm trông coi, vợ chống dắt nhau về quê, thật vui tươi, đầm ấm. Xuân về, hãy cùng đến với không khí và sự đầm ấm của những gia đình như thế.
– Năm nay nhà tớ thịt con lợn tầm năm mươi cân. Ông cụ nhà tớ dự tính để lại một nửa vì nhiều anh em cùng về quê ăn Tết. Tớ bảo cứ để cả, bao nhiêu tiền tớ chịu. Ra ngoài giêng, mấy anh em tớ gói giò, làm nem… khuân ra Quảng Ninh “chiến” tiếp.
Người thanh niên bên cạnh, nói:
– Nhà ông có cả tiểu đội làm mỏ, kéo hết về, con lợn năm mươi cân có khi còn thiếu.
Rồi họ hẹn nhau Tết này ăn tất niên ở đâu? Chúc Tết nhà ai? Du xuân nơi nào?…
Xã Quỳnh Thọ, quê Hoàn, thuộc huyện Quỳnh Phụ có tới vài chục anh em ra Quảng Ninh làm thợ mỏ. Đến nay hầu hết anh em đã xây dựng gia đình trên vùng Mỏ. Xuân về, nhiều gia đình gửi lại nhà cho hàng xóm trông coi, vợ chồng con cái kéo nhau về quê ăn Tết. “Năm nào cũng thế, từ khi về quê cho đến khi ra mỏ, ngày nào cũng liêng biêng” – Hoàn nói. Chẳng là, mấy anh em cùng quê, mỗi người làm một mỏ, nhưng về quê hẹn nhau, nay đến nhà này chơi, mai đến nhà kia chơi, lịch được lập từ trước khi về Tết. Năm nay, do thời gian được nghỉ dài ngày nên nhóm Hoàn còn có kế hoạch đến thăm nhà mấy anh bạn đồng nghiệp ở trên huyện Vũ Thư, Thái Thụy v.v. ở Quảng Ninh, Hoàn làm trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương xã Quỳnh Thọ. Mỗi năm, xuân về, anh em lại họp, liên hoan rồi đi thăm từng nhà. Có những năm, xếp lịch kín quá đến mức về quê đã mấy ngày mà toàn vắng nhà. Công việc sắm sửa phó mặc cho vợ con. Nhiều người trong làng hỏi: “Thằng Hoàn năm nay phải trực Tết hay sao mà không thấy về quê nhỉ ?”
Hoàn là con cả trong gia đình có bốn anh em. Dưới Hoàn có hai em trai và một cô em gái út. Bố mẹ Hoàn đều làm nông nghiệp, quanh năm với ruộng đồng nên kinh tế eo hẹp lắm. Dường như thông cảm với những vất vả của bố mẹ và thương các em còn nhỏ, học xong phổ thông, Hoàn đi học nghề thợ lò ở Quảng Ninh. Ra trường, anh được về làm việc tại Mỏ than Khe Chàm. Thấm thoắt mà đã mười mấy năm. Nối nghiệp anh, sau đó hai em trai Hoàn, tên là Toàn và Diện, cũng ra học nghề thợ lò. Toàn làm ở mỏ Mông Dương, còn Diện làm ở mỏ Tân Lập (Than Hạ Long). Ba anh em Hoàn – Toàn – Diện đều đã xây dựng gia đình. Hoàn may mắn lấy được cô gái nhà sàng cùng công ty. Còn Toàn và Diện đều về quê lấy vợ. Toàn đưa vợ ra vùng Mỏ làm thợ may. Diện thì đưa vợ ra vùng Mỏ chạy chợ. Cô em út của họ học xong phổ thông ra trông cháu cho các anh chị cũng được một chàng trai lái máy xúc ở mỏ than Cọc Sáu “đem lòng yêu mến”. Cưới xong, cô em cũng ở lại đất mỏ luôn. Vậy là cả bốn anh em Hoàn đều đã yên bề gia thất ở vùng Mỏ. Năm nào cũng vậy, mấy gia đình nhà Hoàn, các cháu nhỏ ríu rít về quê ăn Tết, vui lắm.

Khác với Hoàn, Doanh là con trai duy nhất trong gia đình. Bố Doanh bị bệnh nên chẳng làm được gì. Tất cả mọi công việc đồng áng, lo tiền ăn học cho Doanh, tiền chữa bệnh cho bố đều do mẹ Doanh lo toan. Gia đình Doanh túng thiếu quanh năm. Thương bố mẹ, học xong phổ thông, Doanh cũng đi học nghề khai thác mỏ hầm lò. Ra trường, Doanh về công tác tại Công ty than Vàng Danh. Doanh rất cần cù và chịu khó nên tháng nào cũng được Giám đốc gặp mặt khen thưởng ngày công cao. Thu nhập của Doanh trung bình trên mười triệu đồng/tháng. Có tiền, Doanh chắt chiu mang về giúp đỡ mẹ lo việc gia đình. Mới đi làm có gần hai năm nay mà nhà Doanh thay đổi hẳn. Năm đầu, Doanh sửa lại nhà khang trang, nhưng chưa có tiền sơn. Năm nay, dịp Tết, Doanh về dự tính sẽ sơn nhà thật đẹp, mua hoa đào, gói bánh chưng… ăn cái Tết đàng hoàng hơn. Bố mẹ Doanh phấn khởi lắm. Chứng đau dạ dày kinh niên của bố Doanh đã đỡ nhiều. “Cũng phấn khởi chú à, cháu nó ngoan ngoãn làm ăn mới có tiền trang trải, sửa sang nhà cửa, chứ chú bảo mấy sào ruộng, đủ gạo ăn là tốt lắm rồi. Năm nay cháu nó còn sắm nhiều đồ ăn Tết lắm…” Mẹ Doanh tâm sự. Và một niềm vui mới nữa đang đến với Doanh và gia đình, cô bạn gái làm ở Công ty may ngoài Uông Bí cũng sẽ về chính thức ra mắt bố mẹ Doanh. Họ dự tính sẽ thành hôn trong mùa xuân này.
Trong tiết xuân trời không quá rét, mưa bay nhè nhẹ, Doanh mặc com lê, xách chiếc cặp số sang trọng như một vị cán bộ đi công tác về, tay lỉnh kỉnh nào rượu, bánh, kẹo. Anh vừa về, tiện đường mua sắm vài thứ chuẩn bị đón xuân. Cây đào phía trước cửa nhà Doanh đã hé nụ. Mùa xuân đã đến bên thềm.
Có rất nhiều những gia đình như Hoàn, như Doanh tại các vùng quê. Nhiều thanh niên đã rời ruộng đồng, đến với vùng mỏ sinh cơ lập nghiệp và trưởng thành, nay đã đến đời con, đời cháu. Vùng mỏ là cái nôi rèn luyện, học tập và tu dưỡng nâng cao trình độ, ý chí, đạo đức cách mạng cho nhiều lớp thanh niên. Qua hoạt động sản xuất kinh doanh và những phong trào sôi nổi, nhiều người đã trưởng thành, giữ những trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước và Tập đoàn. Niềm vui xúng xính đón xuân của những người thợ lò tại các miền quê hôm nay như khẳng định những bước đi vững chắc của trên 130.000 CNCB toàn Tập đoàn trên mọi nẻo đường đất nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tho-lo-que-lua-hoi-huong-an-tet-902.htm” button=”Theo vinacomin”]