Thế Bình tên đầy đủ Bùi Thế Bình, sinh 1955 tại Quảng Ninh. Năm 1972, anh nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường Khu V. Năm 1977, anh chuyển ngành, học chuyên ngành Kinh tế – Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ra trường, anh nhận công tác tại Mỏ than Mạo Khê, làm nhân viên, Phó Phòng Kế toán. Năm 1999, anh được tổ chức điều về Công ty than Uông Bí, lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng ở Công ty: Phó phòng Kế toán; Kế toán trưởng; Phó Tổng giám đốc Công ty. Năm 2006, anh làm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản – TKV; sau đó là Trưởng Ban Kế toán, Kế toán trưởng Tập đoàn TKV, nay đã được nghỉ chế độ.
Những năm tháng đảm nhận các vị trí quản lý, kể cả khi giữ chức danh Kế toán trưởng Tập đoàn, tuy bận rộn với công việc, nhưng các bài thơ bút danh Thế Bình đã quen thuộc trên các báo địa phương và Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam. Anh đã tập hợp xuất bản 4 tập thơ: Bốn mùa (Nxb Lao động, 2009); Mùa thu lứa đôi (Nxb Văn học, 2010; Thơ in chung), Nxb. Hội Nhà văn, 2012 và Đất nước mình (Nxb. Văn học, 2014). Mới đây, anh cho xuất bản album “Về quê Than” với 9 ca khúc do anh và nhạc sĩ Quang Hiển, Xuân Chung sáng tác.
Thơ anh viết về thợ mỏ không nhiều nhưng dường như đó là sự dồn nén suy tư lắng đọng thân thương dành cho thợ mỏ, quê hương vùng Than Quảng Ninh – với tuổi thơ cùng tháng ngày thăng trầm chứng kiến sự đổi thay đi lên của vùng mỏ:
Anh trở về nỗi nhớ thẳm sâu
Chốn ấy khi xưa cuộc đời phu mỏ
Gốc Đại chai sần nghiêng mình trước gió
Trút lá tủi buồn dĩ vãng xưa xa…
(Về Uông Bí)
Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm” trong cuộc tổng bãi công năm 1936 đã thành truyền thống thợ mỏ, thành động lực thúc đẩy thợ mỏ vươn lên dựng xây quê hương đẹp giầu bằng trí tuệ, trái tim gắn bó máu thịt với hòn than yêu dấu:
Bốn mươi năm gian khó đổi đời
Những gương lò tắm đẫm mồ hôi
Xóm thợ nghèo xưa giờ phố mỏ
Than găm da gắn bó trọn đời.
( Mạo Khê đất mỏ tôi yêu)
Thước đo phẩm chất của thợ mỏ không chỉ trí tuệ, sức lực, trái tim nóng mà hơn thế còn là sự hy sinh thầm lặng tháng năm tuổi xuân gắn bó với dự án khai khoáng nơi miền sơn cước để làm giầu cho đất nước:
Đêm Sin Quyền cánh thợ hát dân ca
Quanh chén trà chuyện trở trăn nghề mỏ
Vị Giám đốc thoáng giật mình nhẩm nhớ
Quá nửa đời… câu “Khúc hát sông quê “
(Trở lại Sin Quyền)
Phẩm chất thợ mỏ, cùng với bản sắc văn hóa riêng có những vùng đất giầu tiềm năng khoáng sản đã đem lại trong anh những câu thơ dung dị và sự phát hiện tinh tế:
Cao Bằng xanh mát câu thơ
Điệu then ai bỏ quên bờ Bằng Giang
Ngã ba sông chút ngỡ ngàng
Dòng trong dòng đục đôi đàng hỡi sông
(Một thoáng Cao Bằng)
Biết bao thơ ca đã viết về những dòng sông kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho loài người, với anh sông Hồng thật lãng mạn, duyên dáng với cái nhìn riêng có:
Chuyến tầu đêm ngược Lào Cai
Sông Hồng cuộn đỏ sôi hoài không yên
Rùng rình câu hát chợ phiên
Dòng sông ngửa mặt làm duyên với trời
(Chuyến tầu đêm)
Kỷ luật, đồng tâm, trí tuệ, lãng mạn để rồi luôn cháy lên khát vọng trong mỗi tâm hồn thợ mỏ:
Mưa xuân về ướt mái tóc em xanh .
Hè vương nắng nhuộm cánh diều hy vọng
Lá rơi bay cuối mùa thu trống vắng
Rét đông về nuôi ấm những ước mơ
Trong gương lò mồ hôi anh thấm đổ
Suối than reo tuôn chảy cả bốn mùa…
(Bốn mùa)
“Bốn mùa” tên bài thơ được tác giả rút ra đặt cho tập thơ với hy vọng dòng chảy vật chất và nét đẹp văn hóa tinh thần luôn trong trái tim mỗi thợ mỏ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tam-hon-tho-mo-trong-tho-the-binh-2016111023122757.htm” button=”Theo vinacomin”]