Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đang thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên đề xuất, xây dựng phương án tái cấu trúc doanh nghiệp theo tinh thần kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XI. Vừa qua, còn nhiều người chưa hiểu rõ tái cấu trúc là gì? Tại sao phải tái cấu trúc? Tái cấu trúc trong thời gian tới chúng ta phải làm gì? Với vai trò là cơ quan tham mưu của Tập đoàn, chúng tôi xin được trao đổi một số ý kiến để làm rõ.
Về câu hỏi thứ hai: Tại sao phải tái cấu trúc? Có thể nói mô hình Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong 16 năm qua (kể từ khi thành lập đến nay) luôn được tái cấu trúc cả về cơ chế quản trị, công nghệ sản xuất đến mô hình tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả nên góp phần làm cho Tập đoàn tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Tuy nhiên do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Những đòi hỏi về phát triển Tập đoàn và các đơn vị thành viên cũng có những thay đổi theo hướng ngày càng cao. Một số định hướng về chiến lược phát triển trước đây đã xây dựng nay không còn phù hợp nữa; một số định hướng đầu tư không mang lại hiệu quả; một số cơ chế quản lý cần thay đổi; một số mô hình tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hoặc chồng chéo. Vì thế việc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất việc tái cấu trúc doanh nghiệp là đòi hỏi khách quan, cần thiết.
Về câu hỏi thứ ba: Tái cấu trúc trong thời gian tới chúng ta phải làm gì?
Kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XI đã nêu rõ: Trong 5 năm tới (2011 – 2015) tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Đối với Tập đoàn và các đơn vị thành viên không chỉ thực hiện nội dung thứ 3 nêu trên mà trong cả 3 nội dung đều có những phần việc liên quan phải thực hiện. Đó là, đối với nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư: Phải từng bước điều chỉnh theo hướng giảm dần đầu tư bằng nguồn vốn chủ sở hữu, thực hiện các biện pháp huy động vốn xã hội vào các công trình, dự án hạ tầng có khả năng thu hồi vốn. Giãn, giảm các dự án chưa cần thiết, tập trung đầu tư cho công trình trọng điểm. Phải đảm bảo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư khi đã xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối. Đối với nhiệm vụ tái cấu trúc thị trường tài chính: Phải kiểm soát được dòng tiền, công nợ đặc biệt không để phát sinh nợ xấu. Đối với việc tái cấu trúc DNNN: Phải tập trung thực hiện các giải pháp như: Quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng; Kiên quyết chấm dứt các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính trước năm 2015; Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước, trước hết là làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và người quản lý; cơ chế quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; cơ chế giám sát và chế tài xử lý; Thực hiện sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DNNN phù hợp với đặc điểm của từng tập đoàn, tổng công ty, công ty. Thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa không thuộc diện nhà nước phải nắm quyền chi phối; Tiếp tục đổi mới cơ chế quản trị doanh nghiệp; công khai tài chính doanh nghiệp.
Như vậy, nhiệm vụ đã được xác định rõ. Đối với Tập đoàn và các công ty TNHH một thành viên có 100% vốn nhà nước thì đương nhiên phải thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Vậy các công ty cổ phần có phải thực hiện không? Các công ty cổ phần có từ 51% cổ phần của Tập đoàn (nhà nước) được xác định là công ty có vốn đầu tư của nhà nước thì phải thực hiện. Các công ty cổ phần có dưới 50% cổ phần của Tập đoàn nếu là công ty con của Tập đoàn thì phải thực hiện theo chỉ đạo của Tập đoàn. Như vậy, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đều phải thực hiện đúng tinh thần kết luận của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XI.
Thời gian qua, Đảng ủy Tập đoàn, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Các văn bản chỉ đạo đó đã tập trung vào các nội dung công việc mà Tập đoàn phải thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015, cụ thể là:
– Đối với tái cấu trúc đầu tư: Tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm để đảm bảo tiến độ. Khi quyết định đầu tư phải đảm bảo hiệu quả của dự án và xác định được nguồn vốn, kế hoạch trả nợ. Kiên quyết đình, hoãn các dự án chưa thật cần thiết nhất là các dự án xây trụ sở, mua xe con. Đối với các dự án hạ tầng như băng tải, vận tải đất đá … và tiến tới các dự án lớn như các nhà máy tuyển, nhà máy điện … tiến hành huy động vốn xã hội để đầu tư.
– Đối với tái cấu trúc cơ chế quản trị và nguồn nhân lực: Tiếp tục đổi mới các cơ chế quản lý. Tăng cường công tác quản lý tài chính và dòng tiền. Tăng cường công tác dân chủ và cơ chế công khai, minh bạch trong doanh nghiệp. Đổi mới cơ cấu lao động theo hướng tăng cường lao động có tay nghề cao gắn với tăng cường đầu tư cơ giới hóa sản xuất nâng cao năng suất lao động và thu nhập, nâng cao mức độ đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
– Đối với tái cấu trúc mô hình tổ chức sản xuất: Sắp xếp lại mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với công nghệ theo hướng hiện đại, giảm đầu mối trung gian, giải phóng năng lực sản xuất, tăng quyền chủ động gắn với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi tổ chức. Thành lập các tổ chức sản xuất mới trong lĩnh vực sản xuất chính của Tập đoàn mà có hiệu quả. Thoái vốn khỏi các đơn vị không hiệu quả nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản (trừ Công ty Tài chính và Công ty Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng là các đơn vị trực tiếp phục vụ cho Tập đoàn và công nhân mỏ). Sáp nhập các đơn vị nhỏ, manh mún đang cùng công nghệ sản xuất thành những đơn vị đủ lớn để tập trung đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Tại mỗi đơn vị thành viên chỉ tập trung đầu tư vào các ngành nghề sản xuất chính và phụ trợ cho sản xuất chính, giảm các đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch (trừ các đơn vị được giao là nhiệm vụ sản xuất chính). Tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp sản xuất than, hóa chất mỏ và các doanh nghiệp sự nghiệp, công ích).
Như vậy, phương án tái cấu trúc doanh nghiệp không chỉ là việc xây dựng các phương án chia tách, sáp nhập hay là cổ phần hóa mà là một phương án tổng thể cho sự phát triển của doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 và các năm sau. Đồng thời việc tái cấu trúc là một việc làm thường xuyên do bối cảnh nền kinh tế liên tục thay đổi, biến động nên không phải xây dựng một lần phương án tái cấu trúc là xong mà phương án đó thường xuyên phải được rà soát, sửa đổi, bổ sung trong quá trình tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình mới. Sự vật luôn luôn biến đổi, chỉ có mục đích của tái cấu trúc là vì lợi ích cao nhất cho đất nước, cho doanh nghiệp và cho người lao động là bất biến.
Đây là trách nhiệm của ban lãnh đạo đơn vị đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp nói riêng và Tập đoàn nói chung.
Đây cũng là công việc cần được công khai cho mỗi cán bộ, công nhân của đơn vị biết và hiểu để cùng tham gia thực hiện và giám sát thực hiện.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/tai-cau-truc-doanh-nghiep-trong-tap-doan-hien-nay-1993.htm” button=”Theo vinacomin”]