Hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã và đang phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần cải tạo từng bước cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi có các mỏ khoáng sản, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa; đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản và quan trọng là bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, trong khai thác mỏ, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động luôn là những ưu tiên hàng đầu. Trong những năm gần đây, sau khi Bộ Luật Lao động được ban hành, cùng với các Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường và các Quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong khai thác mỏ, trật tự khai thác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã từng bước được thiết lập, hạn chế dần các hoạt động khai thác trái phép khoáng sản, gây mất an toàn lao động, phá hoại môi trường. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động trong khai thác mỏ, nhất là trong khai thác than, khai thác đá và một số loại khoáng sản vẫn diễn biến khó lường. Nguy cơ ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng gia tăng, làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường đó không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực. Chính vì những lý do đó, việc giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác mỏ đang rất cần sự quan tâm đầu tư và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Thực trạng kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong khai thác mỏ và những vụ tai nạn lao động điển hình
Khai thác khoáng sản là ngành nghề có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong những năm gần đây, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn gia tăng và rất phức tạp, trong đó có nhiều vụ rất nghiêm trọng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản có nhiều, gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Vấn đề đặt ra là cần phải quan tâm loại trừ và phòng chống các tác động xấu nếu muốn giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động trong khai thác mỏ.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động và tai nạn lao động chết người trong khai thác khoáng sản trong những năm gần gây luôn chiếm tỷ lệ cao, bình quân 4 năm 2013-2016 là 13.2% tổng số người chết vì tai nạn lao động và có hàng ngàn người bị bệnh nghề nghiệp. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong những năm qua diễn biến rất phức tạp, số vụ tai nạn lao động ngày càng gia tăng, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng cũng đã xảy ra có chiều hướng tăng và mức độ rất nghiêm trọng, có nhiều người chết trong một vụ.
Nguyên nhân các vụ tai nạn lao động và sự cố trong khai thác mỏ
Thực tế hiện nay, trừ các mỏ khai thác than và một số mỏ khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng được đầu tư quy mô, tổ chức khai thác mỏ tuân thủ đầy đủ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật an toàn khai thác mỏ từ khâu khai thác, vận chuyển đến chế biến, còn lại phần lớn các mỏ đá, mỏ mở quặng kim loại hoặc phi kim có quy mô khai thác nhỏ. Tại những mỏ này, tình trạng phổ biến là không tiến hành thăm dò khoáng sản, không có thiết kế mỏ và nếu có thì cũng không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định. Biện pháp khai thác chủ yếu tại các mỏ là khấu suốt, chiều cao tầng khai thác và góc dốc sườn tầng khai thác không đáp ứng các quy định về an toàn trong khai thác. Các mỏ thường không có giám đốc điều hành mỏ đảm bảo đủ điều kiện năng lực chuyên môn cũng như năng lực quản lý, điều hành mỏ theo quy định hiện hành.
Một số loại khoáng sản đang được khai thác bằng phương pháp khai thác hầm lò, gồm: Khai thác vàng sa khoáng, khai thác quặng chì, măng gan, thiếc… Công nghệ khai thác các loại quặng này ở Việt Nam hiện nay còn rất thô sơ, chủ yếu là thủ công. Đặc biệt là các đơn vị khai thác tư nhân và nạn khai thác trái phép, nên thiếu đầu tư thiết bị, cũng như không có kỹ thuật khai thác, do đó tình hình tai nạn lao động xảy ra rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, do việc quản lý khai thác các loại quặng này còn lỏng lẻo, nên tai nạn lao động thường không được khai báo, điều tra. Chỉ khi xảy ra những vụ tai nạn lao động chết người nghiêm trọng, các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương mới có được thông tin.
Trong khai thác than, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động là do ý thức, nhận thức của cả người sử dụng và người lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ, chất lượng thấp; người lao động thiếu tác phong công nghiệp, vi phạm quy trình, quy phạm. Thiết kế thi công khai thác còn thiếu các biện pháp an toàn lao động cụ thể, cán bộ chỉ đạo sản xuất và giám sát an toàn thiếu kỹ năng đánh giá rủi ro và đề ra các biện pháp an toàn cho từng ca sản xuất, khu vực sản xuất. Nhiều vụ tai nạn lao động chưa được thống kê, phân tích nguyên nhân và đề ra các biện pháp phòng ngừa cụ thể; hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra thấp và xử lý vi phạm chưa nghiêm.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực có nguy cơ cao ở Việt Nam
* Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 72,7%, cụ thể: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 26,7% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 18,3% tổng số vụ; Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 11,4% tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 12,3% tổng số vụ; Do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 4%.
*Nguyên nhân từ phía người lao động chiếm 13,4%, cụ thể: Người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 11,9% tổng số vụ, bao gồm: người lao động thực hiện sai các quy định vận hành thiết bị, quy định thi công công trình và người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,5% tổng số vụ. Còn lại 13,9% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.
Các thách thức về an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tới
Từ thực trạng và tồn tại trong công tác an toàn – vệ sinh lao động như đã nêu trên, trong hoạt động khai thác mỏ thời gian tới sẽ vẫn tồn tại những thách thức và nguy cơ gây mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cần sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục. Những thách thức, đó là: Điều kiện khai thác các mỏ hầm lò ngày càng khó khăn do phải xuống sâu, điều kiện địa chất ngày càng phức tạp, nguy cơ bục nước, khí mỏ tăng; chuyển nhanh từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò; yêu cầu về sản lượng khai thác ngày càng tăng nhanh để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Các mỏ khai thác lộ thiên cũng phải xuống sâu trong điều kiện diện tích mỏ không thể mở rộng, bờ mỏ bị hạn chế không gian mở rộng, dẫn đến góc nghiêng bờ mỏ lớn làm cho các thông số của hệ thống khai thác bị hạn chế ở những giới hạn an toàn tối thiểu, trong khi năng lực thông qua của hệ thống khoan nổ, vận tải ngày càng lớn.
Môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường đó không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực. Chính vì những lý do đó, việc bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ đang rất cần sự quan tâm đầu tư và ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Các mục tiêu an toàn, vệ sinh lao động trong khai thác mỏ và quy định hệ thống kiểm soát rủi ro trong Luật An toàn, vệ sinh lao động
Để đạt được mục tiêu đưa ngành công nghiệp khai thác khoáng sản trở thành một ngành có trình độ công nghệ đạt trình độ khu vực, có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ công nhân lành nghề và hoạt động khai thác khoáng sản bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, đạt tiêu chuẩn môi trường; chấm dứt khai thác thủ công, không đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, lãng phí tài nguyên và hủy hoại môi trường và giảm 6% tần suất tai nạn lao động trong khai thác mỏ trong giai đoạn 2016-20201, ở các cấp độ quản lý cần thiết phải thiết lập hệ thống kiểm soát rủi ro, nguy cơ mất an toàn trong khai thác mỏ, trên cơ sở những quy định về kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể:
– Ở cấp độ doanh nghiệp có bộ phận an toàn, vệ sinh lao động (bao gồm cả hệ thống giám sát an toàn trên công trình), bộ phận y tế, an toàn, vệ sinh viên, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở; lập kế hoạch ATVSLĐ, tiến hành đánh giá rủi ro tại nơi làm việc, lập kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, tổ chức lực lượng ứng cứu, tự kiểm tra, thống kê, báo cáo về ATVSLĐ. Đảm bảo các thiết kế thi công phải có các biện pháp an toàn cụ thể, chi tiết cho từng khai trường, khu vực sản xuất; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giám sát an toàn, quản đốc, phó quản đốc, trực ca về các kiến thức an toàn – vệ sinh lao động, đánh giá và phân tích rủi ro trong đào, chống lò và các biện pháp an toàn lao động mẫu cụ thể, chi tiết. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường như thay việc phá vỡ đất đá bằng khoan nổ mìn bằng máy xới làm tơi đất đá ở những mỏ có điều kiện thích hợp; sử dụng công nghệ phá vỡ đá quá cỡ bằng búa đập thủy lực; loại bỏ công nghệ bốc xúc thủ công, triển khai vận tải bằng băng tải, đường ống; trong khai thác hầm lò, thay thế vì chống gỗ bằng vì chống thủy lực, dàn chống tự hành; phát triển áp dụng chống lò bằng vì neo, bê tông phun, vì neo dẻo cốt thép; áp dụng cơ giới hóa khấu than bằng máy khấu combai, máy bào than; áp dụng công nghệ khí hóa than dưới lòng đất; Thống kê, báo cáo và điều tra, phân tích đầy đủ các vụ tai nạn lao động, sự cố và phổ biến định kỳ trong các cuộc giao ca, giao ban an toàn hoặc hội nghị an toàn.
– Ở cấp độ quản lý nhà nước có cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực AT, VSLĐ là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp, Hội đồng quốc gia và Hội đồng cấp tỉnh về AT, VSLĐ. Các chủ thể này sẽ thực hiện việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch về AT, VSLĐ; tổ chức thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật AT, VSLĐ và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động. Đảm bảo việc khai thác các loại khoáng sản phải được khảo sát, thăm dò và thiết kế khai thác đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định và phải được các cơ quan tổ chức có thẩm quyền phê duyệt; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
– Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác bao gồm: tổ chức Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, người lao động. Về cơ bản, việc thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ khác nhau nhằm hạn chế TNLĐ, BNN, tạo môi trường làm việc, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/quy-dinh-ve-kiem-soat-nguy-co-rui-ro-trong-luat-an-toan-ve-sinh-lao-dong-va-su-can-201704271825588352.htm” button=”Theo vinacomin”]