Lời tòa soạn:
Đu dây bên ngoài tòa nhà hàng chục tầng để lau kính, ngồi trên tháp cao cả trăm mét so với mặt đất để điều khiển cần cẩu… là những công việc không dành cho người “yếu tim”.
Báo VietNamNet giới thiệu cùng độc giả tuyến bài “Nghề nguy hiểm” với góc nhìn chân thực về những công việc đầy rủi ro nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng đảm nhận để mưu sinh.
Lần đầu đu dây ở tòa nhà 30 tầng, nghẹt thở đến cứng đờ
Một buổi sáng tháng 12, anh Huỳnh Văn Hiếu (32 tuổi, huyện Hóc Môn, TPHCM) cố định 2 sợi dây lớn vào móc sắt trên sân thượng tòa nhà cao chọc trời. Sau đó, anh vắt sợi dây ra bên ngoài bức tường rồi ngồi vào chiếc ghế được cố định ở một đầu dây.
Sau thao tác nhún người để thử độ co giãn, chắc chắn của dây, anh tháo ròng rọc, đu mình lơ lửng ở độ cao 200m so với mặt đất. Công việc của anh là đu dây lau kính cao ốc.
Trước đó, anh Hiếu là tài xế kiêm thợ sơn nước. Thu nhập từ những công việc này không đủ để anh trang trải cuộc sống.
Sau lần liều mình đu dây để có tiền chăm vợ sinh, anh Hiếu theo nghề không dành người yếu tim. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một lần, Hiếu thấy bạn bè treo mình giữa không trung để vệ sinh tòa nhà cao tầng. Anh tìm hiểu và yêu thích công việc không dành cho người yếu tim này. Anh quyết định đi học để có thể theo nghề.
Ban đầu, Hiếu đu dây xuống từ sân thượng căn nhà cao 3 tầng. Lần đầu làm việc, đứng từ sân thượng nhìn xuống đất, tay chân Hiếu run lẩy bẩy, tim đập loạn nhịp. Nửa tháng sau, anh được làm việc ở căn nhà 5 tầng. Sau đó, anh nghỉ suốt tháng vì không có việc.
Một ngày, Hiếu được gọi đi đu dây, vệ sinh tòa nhà cao 30 tầng. Thời gian nghỉ lâu khiến Hiếu không kịp thích ứng, tâm trí lại xuất hiện cảm giác sợ hãi. Chân tay anh cũng run rẩy trở lại.
Người thợ gần như treo tính mạng của mình trên 2 sợi dây. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hiếu kể: “Đó là lần đầu tôi đu dây ở độ cao như thế nên rất sợ. Nhưng lúc đó vợ tôi sắp sinh mà nhà không còn tiền. Áp lực ấy khiến tôi liều mình đu xuống. Khi lơ lửng giữa không trung, tôi sợ đến không thở được, chân tay cứng đơ, mồ hôi đầm đìa.
Để vượt qua, tôi nhìn thẳng vào tường, không nhìn xuống, cố gắng tập trung làm việc. Sau ít phút, tôi bị công việc cuốn đi, không còn cảm giác sợ nữa”.
Sau lần ấy, độ cao không còn là vấn đề đối với Hiếu. Anh được mệnh danh là “người nhện”, có thể đu dây ở bất cứ tòa nhà chọc trời nào để lau kính, sơn nước…
Sau khi cố định dây, người thợ chèn những tấm vải ở vị trí dây tiếp xúc với bờ tường để hạn chế lực ma sát khiến dây có thể bị đứt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thu nhập không cao như nhiều người lầm tưởng
Khi lau kính ở các tòa nhà cao tầng, mỗi “người nhện” phải mang theo cuộn dây đi và dây bảo hộ. Dây đi là dây có gắn ghế ngồi, có thể điều khiển tốc độ trượt xuống thông qua ròng rọc.
Dây bảo hộ giữ vai trò đảm bảo an toàn cho “người nhện” trong trường hợp dây đi gặp sự cố. Thợ đu dây sẽ móc khóa an toàn vào dây này trong quá trình làm việc.
Khi làm việc, người thợ cố định 2 đầu dây vào vị trí chắc chắn, an toàn trên sân thượng rồi thả dây xuống. Sau đó, người thợ ngồi vào ghế, bắt đầu kéo dây để trượt xuống theo bờ tường.
Những người thợ đu dây chuyên nghiệp làm việc ở độ cao hàng trăm mét so với mặt đất. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Những “người nhện” cho biết, đu dây là công việc nguy hiểm, được liệt vào một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới.
Mỗi ngày, người thợ phải treo mình trên dây, lơ lửng giữa không trung. Ở độ cao hàng chục, trăm mét so với mặt đất, họ phải đối mặt với vô số nguy hiểm có thể xảy đến bất chợt.
Lúc này, tính mạng của người thợ chỉ được được níu giữ thông qua sợi dây cáp, các loại khóa an toàn. Theo anh Hiếu, nghề này đặc biệt nguy hiểm nếu gặp gió lớn khi đang làm việc trên cao.
Trông từ dưới lên, họ giống như những con nhện treo mình xuống từ chính sợi tơ của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mỗi lúc như thế, toàn thân người thợ thường đung đưa, xoay như chong chóng thậm chí bị gió thổi văng ra xa, va đập vào tường. Lúc này, “người nhện” sẽ sử dụng dụng cụ hút kính để cố định người mình lại hoặc bám vào khung cửa, bờ tường…
Anh Hiếu tâm sự: “Tôi nhớ lần đang đu ở tòa nhà cao 30 tầng thì gặp gió lớn. Gió mạnh đến nỗi tôi bị thổi văng xa 4-5m, đập vào tường khiến bình nước mang theo vỡ tan.
Lúc đó, tôi chỉ biết cố gắng bám chặt vào bờ tường chịu trận, tự trấn an mình.
Đu dây được đánh giá là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Người ta thường nói nghề này tính mạng lúc nào cũng trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” và không có chỗ cho sai sót. Bởi, nếu để xảy ra sai sót là không có cơ hội để sửa chữa.
Thu nhập từ công việc này cũng không thực sự cao. Mỗi tháng, dù nỗ lực làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm, những người như tôi chỉ thu về khoảng 20 triệu đồng. Dù vậy, vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi vẫn phải tiếp tục theo nghề”.
Chàng trai Đắk Lắk bỏ việc văn phòng, kiếm bộn tiền từ nghề nhiều bạn chê cười Tự học được nghề tưởng chừng chỉ dành cho phụ nữ, thanh niên ở Đắk Lắk có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng dù cả ngày chỉ ngồi trong nhà. Cuộc gọi của bạn thay đổi số phận người thợ hơn 40 năm làm nghề đúc đồng Trải qua nhiều biến cố, từng có lúc bỏ sang làm nghề khác nhưng rồi trái tim nhiệt huyết vẫn thôi thúc người con đất Lộng Thượng phải giữ nghề đúc đồng truyền thống bằng mọi giá. Chàng trai Long An kiếm bộn tiền từ nghề lạ, khách ngoại liên tục ‘chốt đơn’ Sở hữu nghề lạ, 9X ở Long An khiến khách nước ngoài liên tục chốt đơn sản phẩm, nhiều người mua về chỉ dám bỏ trong lồng kính để ngắm.