Cũng như than, vấn đề tiêu thụ các sản phẩm khoáng sản hiện đang hết sức khó khăn, tồn kho cao do nhu cầu thị trường giảm mạnh cả trong nước và thế giới. Tình hình đó đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin. Nhiều đơn vị trong Tổng Công ty phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất những sản phẩm có giá thành cao hơn giá bán, dẫn đến người lao động (NLĐ) thiếu việc làm, thu nhập thấp, đời sống gặp vô vàn khó khăn.
Từ tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, hiện nay, hoạt động SXKD của Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tiệu thụ sản phẩm, tồn kho nhiều. Tính đến hết tháng 9, Tổng Công ty còn tồn kho 2.990 tấn đồng kim loại, 4.497 tấn kẽm thỏi 99,95%Zn, tinh quặng sắt trên 200.000 tấn, 10.000 tấn gang đúc trên, 185 tấn thiếc thỏi. Tổng giá trị tồn kho lên đến gần 1.400 tỷ đồng. Do không tiêu thụ được sản phẩm, tồn kho nhiều nên tình hình đời sống và việc làm của người lao động bị ảnh hưởng. Một số đơn vị trực thuộc Tổng Công ty đã phải tạm ngừng sản xuất, người lao động phải nghỉ việc và hưởng trợ cấp như ở Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, Công ty Kim loại màu Thái nguyên, Công ty CP Phát triển Khoáng sản 4…
Trong khi các sản phẩm kim loại màu sản xuất ra không tiêu thụ được do giá bán giảm mạnh hoặc không có thị trường thì tại các địa phương có đơn vị khoáng sản đứng chân, các khoản thuế, phí, lệ phí đều điều chỉnh tăng làm cho chi phí giá thành khá tăng cao.
Thêm vào đó, hầu hết các đơn vị khoáng sản nằm dải rác ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nên việc tổ chức sản xuất còn chịu nhiều tác động của địa hình, thời tiết. Ví như Công ty CP Kim loại màu Tuyên Quang trong cơn bão số 5 vừa qua…
Theo nhận định của Tổng Công ty Khoáng sản, khó khăn có thể còn tiếp tục kéo dài và diễn biến khó lường.
Những cái nhìn lạc quan…
Thời gian qua, để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong Tổng Công ty Khoáng sản, phóng viên Tạp chí đã có những chuyến công tác đến các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng.
Trong những chuyến tác nghiệp đó, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với công nhân khoáng sản ta. Ngạc nhiên là, công nhân khoáng sản dù ở vùng sâu, vùng xa song đã sớm biết về những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế. Nguyễn Mai Liên, thợ vận hành máy lọc quặng cho hay “qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng em biết cả nước đang gặp khó chứ không riêng gì ngành Than – Khoáng sản. Cả hai vợ chồng em đều là công nhân ở mỏ tuyển đồng Sin Quyền, thu nhập bình quân mỗi tháng được khoảng 9 triệu. Thế là ổn định lắm so với người dân ở đây. Gom góp chúng em đã mua được đất để làm nhà. Vì thế, lúc khó khăn, chúng em sẽ phấn đấu nhiều hơn”.
Cùng suy nghĩ trên là cặp vợ chồng anh Đỗ Văn Vụ, công nhân lái máy gạt và chị La Thị Hảo người dân tộc Tày làm cấp dưỡng ở Phân xưởng Kíp Tước. Anh chị cũng đã mua được nhà riêng. Chị Hảo suy nghĩ “giờ ở đâu cũng thiếu việc, thất nghiệp. Có được việc làm trong lúc khó khăn này là quý rồi. Phải biết chia sẻ với Công ty”. Hỏi, lương giảm đi có nhiều không, chị Hảo cười nói, vẫn xoay xoả được. Chỉ cần khéo vun vén hơn.
Anh Doãn Trung Tỉnh, Tổ sửa chữa – P.X Kíp Tước – Công ty CP Khoáng sản 3 thì xác định “khó khăn là khó khăn chung, hơn 20 năm gắn bó với Công ty, cũng đã trải qua nhiều lúc thăng trầm, nhưng rồi cũng qua. Anh còn động viên anh em trong tổ cứ yên tâm gắn bó với công việc”. Anh Tỉnh cho biết thêm, lương của anh mỗi tháng tầm 8 triệu, anh tiết kiệm gửi về cho gia đình khoảng 5-6 triệu để lo cho con ăn học.
… Hiệu quả từ việc tăng cường đối thoại với người lao động
Suy nghĩ có phần lạc quan của công nhân khoáng sản làm cho phóng viên không khỏi ngạc nhiên. Đem ngạc nhiên đó trao đổi với lãnh đạo các đơn vị, chúng tôi hay rằng, đó là do thời gian qua, Công đoàn Tổng Công ty và các tổ chức công đoàn bộ phận, các đơn vị thành viên đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của công nhân và những ý kiến, kiến nghị của NLĐ về vấn đề phân phối việc làm, tiền lương, điều kiện lao động cũng như những mong muốn về đời sống an sinh xã hội của CNCB Tổng Công ty trong tình hình hiện nay…
Đối thoại trực tiếp còn là dịp để Công đoàn Tổng Công ty và lãnh đạo các đơn vị đã thông báo tình hình SXKD của Tổng Công ty, về những khó khăn, vướng mắc ở thời điểm hiện tại; về chủ trương tiết giảm tiền lương, tiết kiệm chi phí ở tất cả các đơn vị (kể cả nhưng công ty vẫn có đủ việc làm như Công ty mỏ đồng Sin Quyền, Công ty luyện đồng Lào Cai) như là một biện pháp cần thiết để san sẻ với những đơn vị có nhiều khó khăn hơn.
Để các cuộc đối thoại đi vào thực chất, tránh hình thức, Công đoàn Tổng Công ty phối hợp với các công đoàn bộ phận thông báo trước nội dung buổi đối thoại và tiến hành phát phiếu thăm dò một số nội dung cho NLĐ trước khi vào đối thoại trực tiếp; mời các đồng chí giám đốc, phó giám đốc và một số phòng ban chuyên môn của đơn vị tham gia trả lời và giải quyết ngay các kiến nghị trong thẩm quyền.
Theo thống kê của Công đoàn Tổng Công ty, hết 9 tháng toàn Tổng Công ty có 536 người thiếu việc làm phải nghỉ luân phiên trọn tháng. Thu nhập bình quân TCT đạt 5,057 triệu đồng/người/tháng, một số đơn vị có tiền lương bình quân đạt thấp dưới mức bình quân chung của Tổng Công ty như: Công ty CP PT Khoáng sản 4; Công ty CP KS&LK Cao Bằng… Tuy nhiên, nhờ làm tốt việc đối thoại trực tiếp với người lao động nên không có đơn thư khiếu nại của NLĐ trong việc giải quyết chế độ và bố trí lao động nghỉ chờ việc. Qua đối thoại, NLĐ hiểu, thông cảm với những khó khăn của Tổng Công ty đang gặp phải. Đa số nguyện vọng của NLĐ là muốn có công ăn việc làm và thu nhập ổn định; sẵn sàng chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/noi-nguoi-lao-dong-biet-chia-se-kho-khan-cung-doanh-nghiep-3368.htm” button=”Theo vinacomin”]