Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hiện có khoảng gần 130.000 lao động. Đây là thế mạnh, được xem như một yếu tố hết sức cơ bản, quan trọng góp phần để TKV phát triển lớn mạnh như hiện nay. Trong xu thế toàn cầu hoá, TKV cũng như các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, TCT Nhà nước đang nỗ lực tái cơ cấu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. TKV đã và đang tích cực kiện toàn lại bộ máy tổ chức, chủ động rà soát những tồn tại, thách thức để nắm bắt cơ
Và, cùng với sự lớn mạnh của Tập đoàn, quy mô nguồn nhân lực cũng không ngừng phát triển, bình quân tăng từ 4-6%/năm. Hiện nay, Tập đoàn có gần 130 ngàn CNCB. Đó chính là tiềm năng, động năng lớn cho phát triển của TKV. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải, một trong những thách thức lớn mà TKV đang đối mặt là vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực giai đoạn tới.
Thứ nhất là mất cân đối về cơ cấu lao động. Trong khi thừa lao động làm công tác gián tiếp, phục vụ và dôi dư lao động ở các mỏ lộ thiên thì Tập đoàn lại thiếu những chuyên gia cao cấp, cán bộ có trình độ quản lý giỏi, những công nhân có tay nghề cao, đặc biệt nghiêm trọng là lao động làm việc trong hầm lò (trong tương lai gần, hoạt động khai thác than chủ yếu ứng dụng công nghệ hầm lò, dự kiến sẽ chiếm sản lượng khoảng 65% vào năm 2020, gấp hơn hai lần so hiện tại). Ðiều này đồng nghĩa với nhu cầu lao động khai thác than hầm lò sẽ tăng vọt. Trưởng ban Lao động – Tiền lương Tập đoàn Trần Văn Cừ cho biết, từ năm 2011 đến nay, tuy số lượng tuyển sinh ngành khai thác hầm lò năm sau cao hơn năm trước, nhưng vẫn không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2013, 2014 kết quả tuyển sinh chỉ đạt khoảng trên dưới 50% so với kế hoạch, Chưa kể, cứ tuyển được 10 thì ra trường lại bỏ 1. Tại các công ty, thống kê cho thấy, tình trạng thợ lò bỏ việc rất báo động, trung bình tuyển được 10 thì bỏ tới 9 người. Như vậy, tính chung, cả tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng mới chỉ vừa đủ “bù” cho số bỏ việc; trong khi nhu cầu thợ lò đáp ứng khối lượng công việc mỗi năm một tăng.
Thứ hai, năng suất lao động của ngành Than những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại, do chưa có sự đột phá về công nghệ khai thác và sản lượng than tiêu thụ bị suy giảm do khủng hoảng kinh tế. Hơn nữa, là do điều kiện khai thác ngày một khó khăn vì phải xuống sâu, đi xa, suất đầu tư lớn…
Thứ ba là đang bắt đầu có tình trạng chảy máu chất xám nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số lĩnh vực trong Tập đoàn. Một thực tế rất dễ dàng nhận ra là, do đặc thù về lĩnh vực hoạt động khai thác than – khoáng sản của TKV chủ yếu hoạt động ở vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí còn lạc hậu… nên rõ ràng chúng ta không có nhiều lợi thế so với các đơn vị bạn về thu hút lao động có tri thức, có trình độ tay nghề cao.
TKV xác định, việc xây dựng phát triển nguồn nhân lực qua mỗi thời kỳ có một chiến lược, biện pháp khác nhau cho phù hợp với tình hình tại mỗi thời điểm, tuy nhiên tựu trung lại vẫn tập trung vào 3 đối tượng chính: Cán bộ quản lý cao cấp, trung cấp; đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt trong khai thác khoáng sản; đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ, tay nghề cao, nhất là thợ lò. Ba lực lượng này chính là kiềng 3 chân cho sự phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới. Do đó, Tập đoàn quyết tâm giải bằng được bài toán khó trong công tác phát triển nguồn nhân lực tới đây.
Tập đoàn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Như Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải nhấn mạnh tại lễ Tổng kết hội thi thợ giỏi cấp Tập đoàn năm nay:”Nếu cần, chúng ta có thể trả lương cho một số lao động chủ chốt cao hơn cả lương giám đốc”
Về thu hút và giữ chân thợ lò, cùng với tiếp tục đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo nơi ăn, chỗ ở tốt nhất; Tập đoàn cam kết ưu tiên cao nhất thu nhập cho thợ lò với lộ trình tăng lương ổn định. Năm nay, lương bình quân của thợ lò cao hơn 7,5% so với 2013. Bắt đầu từ 1/1/2015, lương thợ lò sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 10% nữa. Song song đó, Tập đoàn sẽ đồng thời tổ chức các chiến dịch truyền thông mang quy mô toàn Tập đoàn nhằm quảng bá, giới thiệu để nhân dân hiểu đúng về vai trò của thợ mỏ trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; thông qua đó thu hút và tuyển dụng thợ lò mới.
Đối với các đơn vị, Tập đoàn yêu cầu chủ động hơn nữa trong triển khai các giải pháp để thu hút, giữ chân thợ lành nghề, cán bộ quản lý giỏi, nhất là thợ lò. Đồng thời, Tập đoàn duy trì, phát huy phong trào “ôn lý thuyết, luyện tay nghề” như là một biện pháp khuyến khích, động viên để nâng cao hơn nữa trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ công nhân lao động, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Ngoài các giải pháp nâng cao chế độ lương, thưởng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, phương tiện đi lại, làm việc cho công nhân,… Tập đoàn đang nghiên cứu việc đầu tư nhà ở cho cả gia đình thợ lò. TKV cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy định về thâm niên, tuổi về hưu của thợ lò, đề xuất thực hiện mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho thợ lò… Bên cạnh nỗ lực của TKV, Tập đoàn đang rất cần sự ủng hộ và giúp đỡ của Chính phủ và các bộ ngành chức năng trong nỗ lực nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng mang tính đặc thù đối với lao động ngành Than – Khoáng sản. Nếu được thực hiện từng bước các giải pháp và cơ chế ưu đãi đó, vấn đề thiếu hụt lao động ngành Than – Khoáng sản, nhất là thợ lò sẽ được khắc phục một cách hiệu quả.
Thực hiện Quyết định số 1304/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thành lập Trường cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở sáp nhập 3 trường (Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm, Cao đẳng nghề mỏ Hữu Nghị và Cao đẳng nghề công nghiệp Việt Bắc); ngày 24/11/2014, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn đã ký quyết định về việc sáp nhập 3 trường cao đẳng nghề vào Trường cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam kể từ ngày 1/1/2015, nhằm kiện toàn công tác đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn trong giai đoạn mới.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nhan-luc-chat-luong-cao-khau-dot-pha-chien-luoc-cho-phat-trien-ben-vung-9615.htm” button=”Theo vinacomin”]