“Trên công trường vui tấp nập… Nhịp máy khoan vang trên Đèo Nai…”… lời bài hát “Nhịp máy khoan” của Nhạc sỹ Trọng Bằng đã thôi thúc tôi đến Tổ 42 khu phố Hải Sơn 2 – Phường Cẩm Đông – TP. Cẩm Phả để gặp được Anh hùng Lao động Vũ Hữu Sơn.
Sau chén trà làm đầu câu chuyện, ông Sơn kể, ông sinh năm 1936 ở thôn Yên Đông, xã Yên Hải, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Năm 1955, ông ra mỏ lên tầng 7 công trường Đèo Nai làm than thủ công (2 người vừa cuốc vừa đào, vừa xúc lên xe goòng rồi đẩy ra đầu trục 40). Từ năm 1956 đến năm 1958, ông xung phong đi làm thợ lò ở Công trường Lộ Trí (Mỏ Thống Nhất), năm nào cũng được bầu làm Chiến sĩ thi đua. Năm 1959 – 1960, ông được lãnh đạo Mỏ than Cẩm Phả cử đi học lớp Cơ điện khí (vận hành máy khoan, máy xúc, lái tàu điện, tàu hỏa…). Tốt nghiệp được bố trí về Cửa Ông lái tàu kéo than, nhưng ông xin ở lại Đèo Nai, lên công trường cơ khí khai thác nhận lái máy khoan dộng.
Ngày ấy, cả Mỏ Đèo Nai chỉ có 03 máy khoan Mỹ A62, A63, A64. Sau đó Liên Xô cũ viện trợ cho ta 20 máy khoan dộng By. Được giao máy By4, ông Sơn cùng tổ máy luôn đạt sản lượng cao so với các máy khoan cùng tầng. Năm 1962, khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ông càng thấy được trách nhiệm của đảng viên, cần phải gương mẫu mọi mặt. Theo ông, máy muốn đạt năng suất cao thì ca sản xuất phải được chuẩn bị thật tốt, kê kích máy phải thăng bằng, các bộ phận cơ điện phải tăng xiết chặt hàng ca, cáp thép phải đảm bảo kỹ thuật. Ngoài ra phải luôn áp dụng các phương pháp khoan tiên tiến, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Đặt làm ống thép định hướng, ống chống lở, khoan khô, khoan nước theo cùng gương tầng độ rắn khác nhau, lấy phoi khoan phải lấy sạch, tận dụng cáp thép có chất lượng tốt hơn.
Những năm 1964-1965, cả vùng mỏ Cẩm Phả nói chung và Mỏ Đèo Nai nói riêng luôn có phong trào thi đua “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”. Tổ máy khoan By4 luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Suốt những năm 1962-1965, năm nào Vũ Hữu Sơn cũng được bầu là Chiến sĩ thi đua, được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Công nghiệp, Bộ Điện và Than, Công ty Than Hồng Gai. Tiêu điểm là thành tích: Hoặc tự sức mình, hoặc nhờ anh em khiêng lên vai, ông vác nhiều lưỡi choòng có chiều dài từ 0,9 đến 1,2m, nặng từ 85kg đến 110kg từ tầng dưới lên tầng trên. Có lúc phải vác xa máy khoan 100m (do xe chở tiếp nhiên liệu không có đường vào máy) để thay thế cho lưỡi choòng bị cùn. Thời điểm đó, cùng với tấm gương của Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác hòm đạn nặng 100kg phục vụ chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ thì anh em công nhân đã ví việc vác lưỡi choòng khoan nặng gấp đôi cân nặng của thợ khoan Vũ Hữu Sơn như một tấm gương sáng tiêu biểu.
Năm 1967, thành tích trong lao động sản xuất đã đưa ông đến với Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Hà Nội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Những năm tháng từ 1968 – 1980, ông vẫn thật sự nổi bật trong các phong trào thi đua giành năng suất, kỷ lục cao. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Thợ giỏi ngành máy khoan Vũ Hữu Sơn được Mỏ Đèo Nai đề bạt làm Đội trưởng, Phó quản đốc một ca sản xuất cho đến năm 1988 được nghỉ chế độ.
Về với đời thường, ông Vũ Hữu Sơn vẫn tham gia công tác phường xã, 12 năm liền là Bí thư chi bộ khu phố Hải Sơn 2, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh. Nhiệm vụ nào ông cũng làm tròn, được dân yêu mến, tin tưởng. Khu phố Hải Sơn 2 liên tục đạt “Khu phố văn hóa”, Chi hội Cựu chiến binh trong sạch vững mạnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/nguoi-vac-choong-nam-ay-201610031407274319.htm” button=”Theo vinacomin”]