Sinh năm 1890, đồng chí Lê Văn Hiển (Anh hùng Lao động đầu tiên của Vùng Mỏ), người thợ điện Xí nghiệp Bến Cửa Ông bằng trí nhớ tuyệt vời đã vẽ lại sơ đồ điện, đưa nhà sàng, bến cảnh phục hồi trở lại sản xuất trong thời gian chưa đầy một tháng. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1958 và Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống yêu nước – Huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, đồng chí Lê Văn Hiển ra vùng Mỏ từ khi còn rất trẻ, xin vào làm công nhân tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông, nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV. Trong thời gian ngắn, với phẩm chất cần cù, sáng tạo, tinh thần hăng say lao động, ông được đề bạt làm Đốc công Xí nghiệp.
Ngày 22/4/1955, vùng Mỏ hoàn toàn giải phóng. Công nhân Xí nghiệp Bến Cửa Ông khẩn trương bắt tay vào những công việc hết sức cần thiết là khôi phục lại để nhanh chóng bước vào lao động sản xuất, càng sớm ngày nào càng quý. Với âm mưu thâm độc, làm tê liệt toàn bộ hệ thống điện, máy móc thiết bị để ít ra phải 20 – 25 năm nữa người An Nam mới đào và sản xuất được than. Nhưng chẳng cần phải thời gian dài như kẻ thù mong muốn, anh chị em công nhân Bến Cửa Ông đã nhanh chóng khắc phục những khó khăn khách quan và chủ quan do địch để lại. Trong một thời gian rất ngắn chúng ta đã khôi phục được Nhà máy Hàn hơi, Nhà máy luyện than, giải quyết được đường dây cao thế ở cảng Cửa Ông. Chúng ta còn tiến hành kiểm tra, sửa chữa lại hệ thống vận tải đường sắt, nhà máy sàng, các đầu máy kéo than và hệ thống các cầu trục… Vì vậy khi bước vào sản xuất đã đảm bảo an toàn và giành ngay được những năng suất cao đáng khích lệ, minh chứng cho truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ.
Nổi bật ở thời kỳ này là tinh thần lao động cần cù sáng tạo với nhiều tấm gương cán bộ và công nhân tiêu biểu cho các phong trào thi đua tìm tòi sáng kiến khắc phục, sửa chữa các thiết bị máy móc để phục hồi lại sản xuất như: đồng chí Huỳnh Văn Nguôn, Vũ Hữu Luyện, Trương Hữu My, Trần Sinh Xướng và đặc biệt là Lê Văn Hiển – người công nhân cần cù và sáng tạo. Khi thực dân Pháp rút khỏi Xí nghiệp, chúng đã làm đảo lộn các mạng điện, phá huỷ và mang đi các máy móc thiết bị về điện quan trọng, sơ đồ của các hệ thống điện (nhất là hệ thống điện cao thế phục vụ cho cầu trục ở cảng) gây ra nhiều khó khăn cho việc tìm tòi sửa chữa. Bằng trí nhớ tuyệt vời và tinh thần lao động quên mình vì tập thể, ông Lê Văn Hiển trong một khoảng thời gian rất ngắn đã vẽ lại một cách chính xác toàn bộ hệ thống mạng điện Xí nghiệp và cùng với một tổ thợ mỏ có kinh nghiệm đã phục hồi được một số thiết bị chủ yếu… góp phần rất quan trọng vào việc khắc phục hậu quả do địch để lại. Trong thời gian chưa đầy một tháng, sản xuất của Xí nghiệp được phục hồi trở lại bình thường. Với những đóng góp to lớn của mình, ngày 7/7/1958 đồng chí Lê Văn Hiển đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm đó ông 65 tuổi và đang giữ chức vụ Đốc công Xí nghiệp Bến Cửa Ông.
Trong quá trình công tác, đồng chí Lê Văn Hiển không chỉ là Đốc công giỏi mà còn là người anh cả, người thầy trong công việc. Đồng chí có nhiều đóng góp trong việc bồi dưỡng, đào tạo, kèm cặp nâng cao tay nghề bậc thợ cho hàng trăm công nhân trẻ tại phân xưởng mình đảm nhiệm. Đến năm 1964 khi đó ông ở tuổi 74, ông về nghỉ hưu, nhưng với lòng yêu nghề, sự hăng say trong công việc ông Lê Văn Hiển xin tình nguyện ở lại làm việc tại Xí nghiệp Bến Cửa Ông đến năm 1968.
Tấm gương của người Anh hùng Lao động Lê Văn Hiển vẫn sáng mãi trong lòng các thế hệ CBCNV Công ty Tuyển than Cửa Ông hôm nay và mai sau. Hướng tới 80 năm Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than, các thế hệ CBCNV Công ty đang viết tiếp những trang sử vàng chói lọi, xây đắp thêm truyền thống của các thế hệ cha anh, từ đó tiếp tục rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng Công ty và TKV ngày càng phát triển bền vững.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/anh-hung-lao-dong-dau-tien-cua-vung-mo-201610031419359505.htm” button=”Theo vinacomin”]