Trong không khí đầy xúc động của Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Công ty Than Na Dương (Tổng công ty CN mỏ Việt Bắc), ông Triệu Tùng, nguyên Giám đốc mỏ than Na Dương – đã kể về những kỷ niệm mà ông hay gọi là những cặp đôi ấn tượng. (Tạp chí TKV lược ghi).
Một góc mỏ than Na Dương
Khí hậu và địa dư
Khí hậu Na Dương rất khắc nghiệt. Cặp đôi dãy núi Mẫu Sơn và Thập VạnĐại Sơn tạo cho Na Dương trở thành cái phễu gió. Vào mùa Đông, gió Na Dương gầm gào làm cho cái rét của Na Dương cũng rất khác. Có những thời điểm công nhân không thể cầm nổi cái xà beng, hay cái cà lê để sửa chữa máy. Na Dương chỉ có 2 vỉa than chính là cặp đôi vỉa 4 và vỉa 9 trữ lượng khoảng 100 triệu tấn. Than Na Dương là loại than lửa dài và rất kén chọn nhà tiêu thụ.
Năm 1959, tôi và 2 anh em nữa là lớp cán bộ kỹ thuật khai thác than đầu tiên về Na Dương công tác. Khi đó, Na Dương có một nông trường Việt Mông do Mông Cổ giúp đỡ trồng cỏ, chăn nuôi. Trong đó điển hình là đập Tà Keo và Nà Cáy chứa 16 triệu mét khối nước là cặp đôi thủy lợi nổi tiếng của Na Dương. Khi đó, ngoài công việc khai thác than, Na Dương thành lập thêm công trường cơ khí và tham gia xây dựng hệ thống thủy lợi. Cứ mỗi sáng chủ nhật, một giàn 5 chiếc xe gạt lại rầm rập băng ruộng tiến vào Tà Keo để tham gia cùng với nông trường Việt Mông. Đây là khí thế chung trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thời kỳđó.
Xi măng Hải Phòng và xi măng Bỉm Sơn
Đây là cặp đôi nhà máy xi măng có công suất 1,2 triệu tấn/năm, có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp xi măng xây dựng các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Sông Đà… Trong đó, mỏ than Na Dương vì là đơn vị duy nhất cung cấp than lửa dài cho các đơn vị này theo công nghệ đốt lò ở thời điểm đó. Tôi nhớ nhất hình ảnh 2 đồng chí Bộ trưởng về thăm Na Dương (cặp đôi – cười). Đó là đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, khi đó làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi đi kiểm tra khai trường có nói với chúng tôi: “Không có than Na Dương sẽ không có thủy điện Sông Đà”. (Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vừa mất dịp đầu tháng 4/2019). Lời nhắc nhở sâu sắc của đồng chí đã trở thành động lực để CNCB than Na Dương hoàn thành tốt nhiệm vụ và được Nhà nước xếp hạng Xí nghiệp đặc biệt. Năm 1975, cố Bộ trưởng Nguyễn Tuấn, Bộ Điện và Than lên thăm mỏ. Sau khi trực tiếp kiểm tra khai trường mỏ, bữa trưa, anh em bếp ăn hỏi tôi: “Chế đo ăn trưa của Bộ trưởng như thế nào?” Tôi không ngần ngại trả lời: “Ăn gấp đôi cán bộ mỏ”. Khi đặt trên bàn ăn của Bộ trưởng là 2 con cá mắm và 1 đĩa rau nhiều hơn anh em một gắp. Sau này, mỗi khi nghĩ lại tôi lại lặng người đi vì sự thật thà, trung thực của mình cũng như anh em trong đơn vị. Có lẽ thời đó, ở đâu cũng thế!
Những cặp đôi thời chiến…
Những năm chiến tranh biên giời phía Bắc 1979, tự vệ mỏ Na Dương là những chiến sỹ kiên cường, bám trụ. Sư đoàn 338 và Trung đoàn tự vệ mỏ Na Dương là cặp đôi bộ đội chủ lực và tự vệ thắm đượm tình đồng chí hơn cả nhiệt năng than tỏa ra. Phương án tác chiến của tự vệ mỏ ban đầu là độc lập chiến đấu cộng với sự hỗ trợ của quân dân địa phương, nhưng khi đó lực lượng dân quân không đảm nhiệm được vì quá mỏng. Sau vài ba ngày mỏ trụ vững đã được Sư đoàn 338 chi viện gạo và bổ sung hiệp đồng tác chến. Cụ thể là Trung đoàn 462 từ đó sát cánh bảo vệ mỏ và mở rộng đánh đuổi quân xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc cho đến khi kết thúc chiến tranh. Trong các đợt giao quân và trong chiến đấu ác liệt không một tự vệ nàođảo ngũ.
Trong cuộc chiến đấuác liệt đó, tự vệ mỏ Na Dương đã có cặp đôi liệt sỹ Nông Minh Đức và Nông Văn Quý anh dũng hy sinh. Cặp đôi thương binh là tự vệ Bùi Xuân Hợi và Nguyễn Như Hải. Thời gian sau, tự vệ Bùi Xuân Hợi bị mất do vết thương quá nặng và được Chính phủ phong tặng danh hiệu gia đình liệt sỹ. Sau này mỏ thành lập các tổ xe mang tên các anh để CNCB thi đua lập thành tích, cống hiến sức trẻ cho sản xuất của mỏ. Tự vệ Na Dương đã có 3 trung đội hiệp đồng tác chiến ngoài tiền tuyến cùng Trung đoàn 462. Sau chiến tranh, họ lại trở về lao động xây dựng mỏ. Đây là minh chứng đúng nghĩa nhất của “Người Thợ mỏ cũng là Chiến sỹ”.
… và cặp đôi thời bình
Thời kỳ đất nước phát triển mạnh mẽ, cặp đôi mỏ than Na Dương và Nhà máy Nhiệt điện Na Dương đã trở thành một tổ hợp than điện thành công. Nhiệt điện Na Dương ra đời khi các nhà máy xi măng thay đổi công nghệ đốt lò. Công nghệ tiến bộ của Nhiệt điện Na Dương lò tầng sôi tuần hoàn đã cho phép đốt than ngọn lửa dài, khắc phục được lưu huỳnh cao tới 9%, bình quân 5%. Trong sản xuất đây đúng là cặp đôi “môi hở răng lạnh”. Mô hình này đang phát huy hiệu quả. Do vậy, tới đây, khi Nhà máy Nhiệt Na Dương 2 ra đời, đây sẽ là cặp đôi góp phần thắp sáng cho vùng biên cương.
Sửa chữa thiết bị trên khai trường Na Dương
Có được kết quả này, phải kể đến sự chỉ đạo rất có tầm vĩ mô của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngày đó, tôi được phân công vào tổ chuẩn bị phương án Than – Điện Na Dương. Thủ tướng đã đồng ý cho hợp tác với nước ngoài để làm nhanh và thành công dự án, làm cho mỏ sống lại. Sâu sắc trong dự án này còn là việc lo lắng về công ăn, việc làm của hàng ngàn lao động đang chưa biết trông chờ vào đâu. Đây là cặp đôi mang tầm và tâm, cả trong vĩ mô và vi mô của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà CNCB than Na Dương cũng như nhân dân địa phương mến phục và biết ơn.
Trong những năm tới, tôi thiết nghĩ, các nhà kỹ thuật cần tính đến việc đổ bãi thải trong đối với moong than Na Dương. Bởi hiện nay, moong than Na Dương đã ngày càng xuống sâu và mở rộng. Diện tích đổ thải ngày càng chật hẹp. Na Dương cũng có thể đã phải nghĩ đến phương pháp khai thác than hầm lò khi khai thác lộ thiên không còn hiệu quả. Ngoài ra, tài nguyên hơn 100 triệu tấn của Na Dương vẫn còn một phần sâu chưa được thăm dò. Do vậy, than Na Dương cần có lộ trình thăm dò bổ sung để kéo dài tuổi thọ mỏ. Nó cũng đồng nghĩa với kéo dài hoạt động của cả tổ hợp Than – Điện Na Dương. Na Dương cũng có thể liên kết với địa phương để đưa tổ hợp thành địa điểm du lịch, bởi Na Dương còn rất nhiều điều thú vị mà du khách thập phương chưa biết đến…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/na-duong-nhung-cap-doi-an-tuong-201905060944099422.htm” button=”Theo vinacomin”]