Lời tòa soạn:
Mừng thọ người cao tuổi là một phong tục của người Việt vào mỗi dịp Tết. Ở mỗi vùng miền, cách tổ chức lễ mừng thọ lại khác nhau.
Mừng thọ như thế nào cho văn minh, ý nghĩa là câu chuyện gây nhiều tranh cãi và đối nghịch giữa lề thói xưa và lối sống mới.
VietNamNet mở diễn đàn Mừng thọ để độc giả cùng trao đổi về câu chuyện này. Nội dung trao đổi vui lòng gửi về địa chỉ email [email protected].
Địa phương tổ chức mừng thọ chung
Năm nay, cụ bà Lê Thị Mai tròn 85 tuổi và lần thứ tư được tổ chức lễ mừng thọ. Cụ Mai đang sống cùng con trai út ở khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.
Theo truyền thống địa phương, cụ Mai và các cụ cao tuổi khác được tổ chức lễ mừng thọ lần đầu vào năm 70 tuổi. Sau mỗi 5 năm, các cụ sẽ được tổ chức thêm một lần lễ mừng thọ.
Mùng 4 Ất Tỵ 2025, khối Hồ Tây 1 tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi ở địa phương
Các cụ cao tuổi được cán bộ lên danh sách, mời tham gia lễ mừng thọ tại hội trường nhà văn hóa của khối. Năm nay, buổi lễ diễn ra vào ngày mùng 4 Tết như thường lệ.
Các cụ được mặc trang phục tùy theo sở thích nhưng đảm bảo lịch sự. Những cụ thượng thọ sẽ được Ban tổ chức (BTC) chuẩn bị áo dài đỏ.
Tại nhà văn hóa khối, BTC giới thiệu, trao bằng khen, chúc thọ cho các cụ. Đồng thời, BTC liệt kê các phần quà của mỗi gia đình góp cho liên hoan.
Phần liên hoan chung chỉ bao gồm bánh kẹo ngọt, còn tùy từng gia đình tổ chức riêng ở nhà.
Những năm trước, cụ Mai đã được địa phương tổ chức mừng thọ 3 lần
Sáng mùng 4 Tết, cụ Mai mặc áo dài đỏ, trang điểm tươi tắn và được con cháu đưa đến hội trường nhà văn hóa. Tại đây, cụ được gặp gỡ nhiều ông bà khác, rôm rả câu chuyện đầu năm mới.
BTC còn chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ, mời các cụ thưởng thức. Buổi lễ diễn ra nhanh chóng, ngắn gọn để các cụ về liên hoan tại nhà cùng con cháu.
Gia đình liên hoan giản dị, đầm ấm
Rời nhà văn hóa, con cháu đưa cụ Mai về nhà. Tại đây, con cháu cụ chuẩn bị một chiếc bánh kem với tông màu trắng đỏ nổi bật. Trên bánh có in họa tiết mừng thọ, kèm dòng chữ: “Con, cháu, chắt mừng thọ mẹ, bà, cố tuổi 85”.
Con cháu chuẩn bị bánh kem, liên hoan nhẹ ở nhà để mừng thọ cụ Mai
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (33 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) là cháu nội của cụ Mai. Mỗi lần mừng thọ bà nội, chị và gia đình rất háo hức về quê tham gia.
Chị Linh cho biết: “Bà nội tôi có tổng cộng 80 con cháu, dâu rể, chắt nội ngoại. Năm nay, khoảng 2/3 thành viên của đại gia đình về mừng thọ tuổi 85 của bà. Mọi người chuẩn bị tiệc liên hoan giản dị, đầm ấm để chúc thọ bà”.
Bữa cơm liên hoan của gia đình chị Linh bao gồm các món Tết truyền thống như: Xôi, gà luộc, thịt bò kho, thịt đông, rau xào, nộm… Tất cả đều do các thành viên chung tay nấu nướng, chuẩn bị.
Con cháu tụ họp mừng thọ 85 tuổi của cụ Mai
Hai lần trước, cụ Mai rất xúc động khi được con cháu tổ chức mừng thọ. Cụ rơi nước mắt, vui với cảnh gia đình đoàn viên, con cháu trưởng thành.
Chị Linh thấy việc tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi rất ý nghĩa. Bởi, ngày trước kinh tế khó khăn, các ông bà không được tổ chức sinh nhật. Dịp mừng thọ chính là lúc để con cháu báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công lao của đấng sinh thành.
“Việc duy trì lễ mừng thọ là hết sức cần thiết. Đây chính là nét đẹp truyền thống cần được giữ gìn và phát huy”, chị Linh chia sẻ.
Với riêng chị Linh, lễ mừng thọ của bà nội là điều không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Cụ Mai chính là biểu tượng cho tình mẹ bao la, đức hy sinh cao cả.
Chị Linh kể, ngày trẻ, cụ Mai rất giỏi giang và tháo vát. Bà buôn bán giỏi nên nuôi 12 người con trưởng thành.
Chị Linh chụp ảnh kỷ niệm cùng bà nội
“Kỷ niệm đặc biệt nhất của gia đình tôi với bà nội chính là vào năm tôi học lớp 5. Lúc đó, mẹ tôi bị dị ứng thuốc. Để đưa mẹ ra Hà Nội chạy chữa, bố tôi bảo phải bán nhà mới đủ tiền. Biết chuyện, bà ngăn lại, không cho bố tôi bán nhà.
Bà gom hết số vàng dành dụm được cho bố tôi. Nhờ số vàng này, mẹ tôi được chữa trị và qua cơn nguy kịch. Bà thực sự đã cứu mẹ tôi một mạng. Cả nhà tôi mang ơn này đời đời kiếp kiếp”, chị Linh xúc động.
Chính quyền địa phương và con cháu cùng tổ chức mừng thọ cho cụ Mai
Cụ Mai vẫn minh mẫn nhưng mắc bệnh đái tháo đường. Hàng ngày, con cháu cho bà uống thuốc, dọn nhà, nấu ăn. Bố mẹ chị Linh ở cạnh bên nên hàng ngày đều sang chăm sóc mẹ.
Chị Linh lấy chồng cách nhà 100km, thỉnh thoảng lại về thăm bà nội. Thấy cháu dắt chắt về chơi, cụ Mai rất xúc động. Hiện tại, cụ vẫn giữ thói quen nuôi gà, trồng rau. Mỗi lúc con cháu về thăm, bà đều cho trứng gà và rau xanh.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mừng thọ bố chồng 70 tuổi, gia đình làm 40 mâm cỗ mời họ hàng Mừng thọ bố chồng 70 tuổi, nhà chồng tôi quyết định làm 40 mâm cỗ. Tôi can ngăn thì bị cả nhà khó chịu. Sinh 8 con gái, ông bố ở Đà Nẵng nhận ‘món quà’ quý giá dịp tết Nguyên đán Mỗi dịp Tết đến, các con gái lại thay phiên nhau về đón Tết cùng bố mẹ. Vào mùng 2 Tết, cả gia đình ông Thương tề tựu đông đủ bên mâm cơm đoàn viên. Tết khó quên trong ngôi nhà có 120 cây cột nổi tiếng ở Long An Nhà cổ trăm cột sở hữu nét đẹp kiến trúc hiếm gặp ở Long An được trang trí, chạm trổ suốt 3 năm từng là nơi đón Tết náo nhiệt, đông vui của gia đình giàu có bậc nhất làng Long Hựu xưa.