Trong sắc Xuân se lạnh, lất phất những hạt mưa bay của một phiên chợ Tết vùng quê Hải Dương, người người hối hả đi sắm Tết. Bất chợt tôi nghe được một câu chuyện của đôi bạn trẻ đang cùng nhau chọn những món đồ cho ngày Tết:
– Nhà cậu năm nay chắc ăn Tết to lắm nhỉ, cậu mua nhiều thứ thế!
– Ừ thì Tết đến cũng phải tươm tất tí chứ, phải qua mồng ba mới họp chợ. Mà sao cậu hỏi vậy?
– Thì tớ nghe nói chồng cậu làm thợ mỏ ở Quảng Ninh, lương cao lắm, Tết lại được thưởng nhiều. Hôm qua tớ còn gặp chồng cậu về Tết, xe máy phóng vèo vèo, quần áo bảnh bao lắm.
– Ừ, cũng tươm hơn mọi năm cậu ạ. Chẳng bù cho những năm trước, vợ chồng tớ ăn Tết èo uột, qua loa.
Nghe giọng nói và dáng người quen quen, tôi bèn đánh liều bắt chuyện:
– Thợ mỏ mình cũng nghe nói thu nhập cao lắm, về quê toàn tiêu “tiền tập, tiền quyển” thôi.
– Ơ, Bác!
Thì ra là cái Lâm, con nhà ông Nông ở xóm dưới. Ngày tôi đi công tác xa nhà nó còn bé tí, vậy mà giờ đã yên bề gia thất. Chồng Lâm là Hoàng, người xóm dưới. Khi mới lấy nhau hai vợ chồng trẻ bám mấy sào lúa rồi cũng đi làm công ty tại khu công nghiệp này công nghiệp khác nhưng thu nhập thấp và mất quá nhiều thời gian. Nghe có cán bộ tuyển sinh học nghề mỏ về tận quê tuyển dụng, Hoàng xách ba lô lên đường. Lúc đầu Lâm buồn lắm vì phải xa chồng và cũng đã đôi lần nghe đài, đọc báo thấy nói nghề mỏ vất vả. Nhưng Hoàng đã quyết định đi học rồi ra làm mỏ, cô cũng một dạ theo chồng. Sau khi học chưa đầy 2 năm, được đài thọ hoàn toàn kinh phí ăn ở, đi lại, học phí… Hoàng ra trường và về Công ty than Khe Chàm làm việc.
Thấm thoắt mà Hoàng đã công tác được gần 2 năm. Chỉ có ngần ấy thời gian thôi mà nhà Hoàng sắm sửa đủ thứ, từ ti vi màn hình phẳng, xe máy, sofa, đến sửa sang lại nhà cửa. Hoàng còn có điều kiện giúp đỡ bố mẹ những lúc khó khăn. Cứ tháng đôi lần, Hoàng nhảy xe về thăm vợ. Tiền lương mỗi tháng bình quân được trên dưới 10 triệu đồng. Công ty lo toàn bộ chỗ ở tập thể, bao gồm cả tiền điện nước, nên Hoàng chẳng phải tiêu gì nhiều. Mỗi tháng Hoàng mang về cho gia đình được năm, bảy triệu đồng. Ở nhà, Lâm tăng gia thêm và cũng đi làm được nên vợ chồng Hoàng dành dụm được kha khá phòng khi có việc…
Năm nay cũng là năm thứ hai vợ chồng Lâm có cái Tết được chi tiêu thoải mái hơn. Cô mua nào quần áo mới cho cậu con trai, rồi đồ ăn thức uống. Cô cũng không quên ghé qua hàng hoa để lựa chọn những cành đào tươi thắm đang chúm chím trước thềm Xuân. Lâm tâm sự: “Trước mắt như thế với vợ chồng cháu cũng là một thay đổi lớn rồi. Còn về lâu dài cháu cũng đang dự tính sẽ thu xếp để ra Quảng Ninh với chồng vì anh ấy đã xác định làm việc lâu dài ở ngoài đó. Có thể sẽ khó khăn lúc đầu, nhưng cháu tin sẽ tìm được việc vì cháu cũng đã vài lần ra chơi thấy cũng dễ tìm cho mình một công việc phù hợp. Cứ để anh ấy đi làm rồi đi đi lại lại về quê như thế, cháu cũng không yên tâm…” – Lâm chia sẻ.
Câu chuyện với Lâm làm cho phiên chợ Tết quê như ngắn lại. Người ta lục tục ra về khi trời đã quá trưa. Ngoài kia, Xuân đã đến gần. Tôi chợt nghĩ và mong ước, Xuân này sẽ có thêm nhiều đôi bạn trẻ có những thay đổi như vợ chồng Lâm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/mong-uoc-mua-xuan-201602051150368934.htm” button=”Theo vinacomin”]