Số phận Dự án mỏ sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh hiện đang có những ý kiến trái chiều trong cả dư luận và ngay tại 2 bộ quản lý chuyên ngành là Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công Thương.
Tổ hợp các dự án khai thác và chế biến mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh được CTCP sắt Thạch Khê (TIC) triển khai theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại thông báo kết luận số 72/TB-TW ngày 9/5/2007 “Về dự án sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh: Chính phủ giao CTCP Sắt Thạch Khê, trong đó Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam TKV làm nòng cốt để chủ trì triển khai dự án”; Thông báo kết luận số 136/TB-VPCP ngày 30/8/2006, số 199/TB-VPCP ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
TIC được thành lập với 9 cổ đông với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng nhưng sau khi thành lập chỉ 2 cổ đông TKV và Công ty Thăng Long thực hiện góp vốn, mặt khác do chưa có sự đồng thuận cao giữa các cổ đông và không có cổ đông chi phối để chủ trì nên Thủ tướng đã có chỉ đạo tái cơ cấu lại các cổ đông.
Sau khi tái cơ cấu, TIC đã triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án theo quy định và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và đủ điều kiện để thực hiện dự án. Tuy nhiên, cho đến nay, số phận của dự án này vẫn chưa được định đoạt, Hà Tĩnh và Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất việc dừng dự án trong khi bộ quản lý chuyên ngành khác là Bộ Công Thương cho rằng không có cơ sở để dừng và ủng hộ việc triển khai, thúc đẩy tiến độ dự án.
Bộ Kế hoạch Đầu tư lý giải về đề xuất dừng dự án xuất phát từ 4 quan ngại là năng lực chủ đầu tư, tác động môi trường, thị trường tiêu thụ quặng sắt và giao thông vận tải. Quan ngại về vấn đề môi trường cũng được lãnh đạo Hà Tĩnh cũng như một số chuyên gia đề cập đến trong bối cảnh Hà Tĩnh thời gian vừa qua phải đối mặt với sự cố môi trường biển.
Dưới quan điểm của người làm khoa học, ông Nghiêm Gia, Hội Khoa học và Công nghiệp mỏ Việt Nam khẳng định, 2 dự án Formosa và mỏ sắt Thạch Khê khác nhau. “Một bên làm mỏ, một bên làm luyện kim, ngay làm luyện kim nhiều nước thế giới cũng làm cạnh biển vấn đề môi trường do chính doanh nghiệp chứ không phải vấn đề làm ở vị trí nào, các liên hiệp đều làm cạnh biển mới hiệu quả”, ông Gia nói.
Ông Gia cũng là một trong số các chuyên gia khá thận trọng khi đưa ra quan điểm về vấn đề dừng hay tiếp tục dự án. Ông cho biết mình “không phản đối” dự án nhưng cần làm rõ dự án làm thế nào, thời gian làm khi nào và ai làm có đủ năng lực, tài chính hay không.
Chủ tịch Hội Địa chất Thuỷ văn Việt Nam, ông Đinh Văn Cánh cũng cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê tác động môi trường nhưng dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được đánh giá tác động môi trường. “Qua đánh giá về khoáng sản, điều kiện khai thác, những vấn đề có thể phát sinh chúng tôi ủng hộ dự án tiếp tục triển khai”.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ sau khi Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra đề xuất dừng dự án, TKV cũng đã cho biết, TKV đã chỉ đạo TIC hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cấp phép xả thải. Nội dung của ĐTM và đề án xả thải đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định 1753 ngày 23/9/2013 và cấp Giấy phép xả thải số 153 ngày 25/1/2014.
“TIC đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đã yêu cầu trong ĐTM, Đề án xả thải và tiếp tục bổ sung các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành”, TKV cho biết.
Trong khi đó, theo phản ánh của các cổ đông, đến nay, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh 1 trong 9 cổ đông sáng lập theo dự tính ban đầu với tỷ lệ vốn đăng ký là 24%, tỷ lệ vốn góp chỉ sau TKV (30%) nhưng đã không thực hiện theo cam kết dẫn đến thiếu vốn để triển khai dự án.
Đại diện một cổ đông dự án, mỏ sắt được ví như “âu vàng lớn” với tổng doanh thu dự tính có thể lên đến 30 tỷ USD, nộp ngân sách không dưới 10 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động… So sánh với các mỏ khai thác than ở Quảng Ninh, vị này cho biết, khai thác mỏ Thạch Khê như hàng trăm mỏ khai thác than ở Quảng Ninh thực hiện 80 năm qua, thậm chí địa chất vùng mỏ sắt bao giờ cũng ổn định hơn mỏ than.
Ủng hộ việc tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương cho biết, phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.
Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý khi có thể ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung khi dự án liên tục bị đưa lên, đặt xuống dù các cổ đông đã phải bỏ gần 2.000 tỷ đồng để thực hiện dự án với những công việc như thăm dò, khảo sát, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng,…
Trường hợp dừng dự án, có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp trong đó chiếm đa số vốn nhà nước, đây sẽ là tổn thất rất. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, dẫn đến mất cạnh tranh với thép nhập khẩu.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/mo-sat-thach-khe-than-trong-quyet-dinh-so-phan-1-dai-du-an-201710261550429868.htm” button=”Theo vinacomin”]