Sáng 10/12, nhóm thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam” tổ chức hội nghị công bố kết quả sau 2 năm triển khai.
Theo Quy hoạch điện VII (chưa hiệu chỉnh), năm 2020, nhiệt điện than sẽ chiếm khoảng 48% về công suất và 46,8% về sản lượng điện cả nước. Năm 2030, các tỉ lệ này dự kiến sẽ là 51,6% và 56,4%.
Về nhu cầu than cho ngành điện, năm 2015 là 33,3 triệu tấn, trong đó một phần phải nhập khẩu. Năm 2020, con số này dự kiến là 79 triệu tấn và năm 2025 là 116 triệu tấn.
Lượng than tiêu thụ sẽ tăng mạnh trong khi cung ứng trong nước dường như không thay đổi, chỉ vào khoảng 31-32 triệu tấn/năm. Than nhập khẩu sẽ chiếm tỉ lệ lớn.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu việc đốt than trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu để các nhà máy nhiệt điện than sử dụng và nâng cao hiệu suất.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ KH&CN đã giao Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam thực hiện đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam” – đề tài mang mã số KC.05.25/11/15 nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật đốt than trộn tại các nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200 MW trở lên, trên cơ sở xác định tỉ lệ trộn hợp lý các nguồn than (nội, ngoại) cho các nhà máy, đạt hiệu quả cao theo hướng ổn định về chủng loại và chất lượng than.
Theo PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài, các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam có đặc điểm chỉ dùng một loại than ổn định cho suốt cuộc đời của nhà máy và loại than này được chọn ngay từ khâu thiết kế. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sử dụng than antraxit, loại than xấu rất khó cháy. Nếu đem trộn than antraxit này với than nhập ngoại cùng loại thường không gây trở ngại về kỹ thuật, nhưng nếu trộn với than khác loại có thể sẽ là một vấn đề lớn.
Trên thế giới, trữ lượng than antraxit rất nhỏ, phần lớn các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài sử dụng than bitum và than á bitum (steam coal), rất ít nhà máy sử dụng than antraxit. Vì vậy, không có nhiều nghiên cứu đốt than trộn giữa antraxit với bitum (hay á bitum) trong nhà máy nhiệt điện.
Nay đem trộn giữa hai chủng loại than khác nhau, nghĩa là đã thay đổi hẳn đặc tính than so với than thiết kế, sẽ cần có rất nhiều nghiên cứu về sự đáp ứng của thiết bị, về sự điều chỉnh các chế độ vận hành… sao cho có thể thích nghi đối với than mới. “Đây là việc khó do nhà máy nhiệt điện là một hệ thống thiết bị rất lớn về quy mô, phức tạp về vận hành và sử dụng rất nhiều lượng than tiêu thụ”, PGS.TS. Trương Duy Nghĩa cho biết.
Khó khăn là vậy nhưng điều mà nhóm nghiên cứu không ngờ là đã thành công ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên khi tiến hành trộn than á bitum của Indonesia với than antraxit của Việt Nam. Cách làm này, theo các tác giả, nhằm giảm chỉ tiêu xấu của than nội địa (như giảm lượng tro), từ đó cải thiện quá trình cháy, tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ. Việc trộn than cũng phải được nghiên cứu xem nên tiến hành trước hay sau khi nghiền than.
Quá trình thí nghiệm đã được triển khai tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
Ở những mẻ trộn đầu tiên đưa vào lò đốt, hiệu suất cháy đã tăng 1%, có trường hợp tăng tới 5%. Theo đánh giá, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than đều áp dụng, hiệu suất toàn ngành sẽ tăng đáng kể.
Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Năm 2015, Việt Nam dự kiến tiêu thụ khoảng 33,3 triệu tấn than cho sản xuất điện. Chỉ cần tiết kiệm 1% nhiên liệu, ta sẽ giảm được 333.000 tấn than. Không những thế, hiệu suất của các nhà máy tăng thêm ít nhất 1%”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tới những thách thức trong bài toán đảm bảo năng lượng quốc gia phục vụ phát triển KT-XH. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa của đề tài nghiên cứu trên. Việc tìm ra phương thức trộn than sẽ đảm bảo mục tiêu kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, giúp các nhà máy chủ động hơn trong tìm kiếm các nguồn nhiên liệu. Đề án là cơ sở khoa học ứng dụng để các nhà máy tham khảo tìm ra phương án vận hành tối ưu hơn, cũng như các nhà quản lý có thêm những cơ sở để hoạch định quy hoạch, phương án cân bằng nguồn than cũng như năng lượng quốc gia nói chung.
Ghi nhận những kết quả bước đầu của đề tài, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học tiếp thu các ý kiến, kiểm nghiệm đề tài, đưa thêm cách tính hiệu quả về tài chính trong báo cáo, đồng thời, khuyến khích các đề án tương tự, đẩy mạnh khoa học – công nghệ phục vụ phát triển, gia tăng giá trị sản xuất, giảm thải hiệu ứng nhà kính, đảm bảo gìn giữ môi trường.
Kết quả của đề tài KC.05.25/11/15 sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện chế độ vận hành tối ưu khi chuyển từ than antraxit sang than trộn. Những nhà máy nhiệt điện than được thiết kế để đốt than nhập khẩu cũng cần nghiên cứu để áp dụng đốt than trộn, theo hướng giảm bớt lượng than á bitum nhập khẩu và thay bằng than antraxit nội địa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc/mo-huong-nang-hieu-qua-su-dung-nhien-lieu-tai-nha-may-nhiet-dien-dot-than-201512151519414136.htm” button=”Theo vinacomin”]