Vợ chồng tôi mới cưới nhau được 3 năm, hiện sống ở Hà Nội. Con trai chúng tôi mới được gần 2 tuổi.
Cuộc sống vợ chồng hòa thuận, vui vẻ, không vấn đề gì cho tới gần đây. Cô ấy rất hay phàn nàn, nói bóng gió về chuyện quản lý tiền bạc trong nhà.
Chuyện là, tôi làm kinh doanh, thu nhập khoảng chừng 100 triệu đồng/tháng. Vợ tôi làm hành chính, thu nhập chỉ có 8 triệu/tháng, vị chi làm cả năm mới bằng tôi làm 1 tháng.
Tôi chưa từng tính toán, chê trách gì cô ấy. Mức thu nhập này, tôi cũng biết từ trước khi cưới. Từ ngày lấy vợ đến giờ, tôi chưa từng quan tâm đến lương của vợ. Cô ấy được toàn quyền giữ và quyết định số tiền ấy được chi tiêu như thế nào.
Mỗi tháng, tôi đưa cho cô ấy 20 triệu đồng để chi tiêu trong nhà. Tháng nào cô ấy kêu thiếu, tôi đều đưa thêm. Tất cả các khoản trả nợ ngân hàng, mua xe, hay bất cứ món đồ nào đắt giá trong nhà, tôi đều chi trả.
Phần còn lại, tôi tự giữ để tiết kiệm cho sau này. Tôi công khai cho cô ấy biết mỗi năm tiền tiết kiệm được bao nhiêu nhưng tiền để trong tài khoản của tôi.
Tôi cảm thấy rất ổn với cách đó cho tới gần đây. Không biết cô ấy nghe ai xúi hay đọc linh tinh gì trên mạng, về nhà đòi tôi phải đưa tiền vào một mối, cụ thể là cô ấy sẽ giữ tiền.
Vợ tôi quyết liệt đòi giữ tiền. Ảnh minh họa: Photo Dune
Cô ấy khóc lóc nói tôi tính toán, không tin tưởng vợ, trần đời chưa thấy nhà nào đàn ông lại tay hòm chìa khóa. Vợ tôi còn bảo, giả sử chúng tôi chia tay nhau, cô ấy chỉ có 2 bàn tay trắng, ngoài cái nhà đứng tên chung.
Cả tuần nay, cô ấy cằn nhằn, giận dỗi, còn dọa ly hôn nếu tôi không đồng ý với đề xuất ấy.
Thực sự, tôi chỉ nghĩ mình cầm tiền để chủ động việc làm ăn, chưa từng có ý nghĩ sâu xa như vợ tôi suy diễn.
Tôi cũng chưa từng từ chối hay tỏ ý khó chịu khi cô ấy nói cần thêm tiền hoặc muốn mua cái này cái kia. Lúc nào tôi cũng chỉ lo “cày cuốc”, vun vén cho gia đình. Sắp tới, vợ tôi muốn cho con học trường mầm non tư, học phí lên đến 10 triệu/tháng, tôi cũng đồng ý ngay.
Thậm chí, nhiều lần tôi đưa tiền, giục cô ấy đi spa hoặc du lịch cùng bạn bè. Tôi tự thấy mình luôn rộng rãi với vợ con.
Bây giờ, giả sử, đưa hết tiền cho cô ấy cầm, mỗi lần chi tiêu tôi lại phải ngửa tay xin vợ. Lễ Tết muốn mua một món quà bất ngờ cho vợ cũng khó, mất hết cả thi vị trong tình yêu.
Tôi không “tiếp thu” được văn hóa xòe tay xin vợ cấp phát tiền mỗi tháng dù đó là tiền mình làm ra.
Nhiều lần cô ấy bóng gió cho tôi xem những video, bài viết mấy bà vợ tự hào khoe chồng nộp hết lương cho mình, tôi chỉ cười nhạt, không nói gì. Thực sự, tôi thấy chẳng hay ho gì chuyện anh chồng “lép vế” như vậy dù là vui đùa, hài hước.
Các chị cứ thích bình đẳng giới, nhưng lại vẫn muốn quản tiền của chồng. Chẳng phải là đang đòi hỏi tiêu chuẩn kép hay sao?
Các chị thử xem mối quan hệ vợ chồng bên Tây người ta như thế nào? Có chị vợ nào đòi giữ hết tiền của chồng không? Đòi chồng vừa phải là trụ cột vừa đảm đang việc nhà, rồi lại còn đòi giữ tiền của chúng tôi nữa, thì đã phải là bình đẳng giới hay chưa?
Sau cuộc tranh cãi nảy lửa, vợ tôi đã ẩn danh chia sẻ mâu thuẫn của chúng tôi lên mạng để mọi người phân định đúng sai. Kết quả là tôi không được bênh vực bởi hầu hết thành viên trong nhóm là phụ nữ.
Các chị em nhảy vào xúi vợ tôi bỏ chồng, rồi khẳng định chắc chắn tôi nuôi bồ bên ngoài, tôi quá tính toán, nhỏ mọn… Rất nhiều lời lẽ ác độc nhắm vào tôi như thể các chị nằm dưới gầm giường nhà tôi vậy.
Vợ tôi đang giận dỗi lại càng thêm khó chịu, suy diễn đủ thứ. Hai hôm nay cô ấy xin nghỉ làm, nằm bẹp trên giường. Mỗi lần, tôi đi làm về là thấy nước mắt nước mũi sụt sùi, khóc nấc lên.
Xin hỏi tôi nên làm thế nào bây giờ?
Độc giả giấu tên
Bà nội trợ Dubai được chồng cho hơn 5,7 tỷ đồng ‘tiền tiêu vặt’ mỗi tháng UAE – Bà nội trợ ở Dubai chia sẻ cuộc sống sang chảnh và trở nên nổi tiếng khắp mạng xã hội. Mỗi tháng, cô khoe được chồng cho hơn 5,7 tỷ đồng tiền tiêu vặt. Người có tiền chưa chắc đã hạnh phúc nếu không nắm vững 3 nguyên tắc này Có 3 nguyên tắc cơ bản người dù nhiều hay ít tiền cũng nên nhớ để cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc. Hơn 5 triệu lượt xem clip bà lão ăn xin rút tiền trên tay chàng trai Bình Dương Thấy bà lão ăn xin, chàng trai ở Bình Dương dừng xe, vét tiền trong túi giúp đỡ. Tuy nhiên, bà lão chỉ rút tờ tiền có mệnh giá thấp nhất và gửi lời chúc đến người tốt.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/luong-thang-cua-chong-bang-luong-nam-cua-vo-ai-nen-giu-tien-2345485.html