Chị Trang (áo xanh) và những học viên khiếm thị chờ lớp học khiêu vũ bắt đầu trong niềm hứng khởi. Ảnh: Hà Nguyễn
Khiêu vũ trong bóng tối
13h45, chị Đào Xuân Quỳnh Trang (38 tuổi, quận 1, TPHCM) có mặt tại lớp học khiêu vũ miễn phí dành cho người khiếm thị tại trụ sở Hội Người mù TPHCM (quận 1) do anh Trần Quốc Tú, Huấn luyện viên Quốc gia bộ môn Khiêu vũ thể thao Dancesport tổ chức.
Đến lớp, chị cất vội chiếc kính, dò dẫm ngồi xuống hàng ghế kê sát tường. Chị trò chuyện với các học viên, chờ đợi lớp học bắt đầu trong niềm hứng khởi.
Lớp học do anh Trần Quốc Tú (áo đỏ), Huấn luyện viên Quốc gia bộ môn Dancesport tổ chức. Ảnh: Hà Nguyễn
14h, lớp học bắt đầu. Anh Tú ra hiệu lệnh, các học viên đứng cách nhau khoảng 1m để khởi động. Ít phút sau, tiếng nhạc vang lên, các học viên bắt cặp, choàng vai bạn nhảy của mình.
Mọi người thực hiện các động tác bước tới lui, trái phải theo nhịp đếm của anh Tú. Cứ thế, trong bóng tối, họ say sưa ôn lại điệu nhảy đã được học từ nhiều tháng trước.
Anh Quốc Tú nhen nhóm ý định mở lớp dạy khiêu vũ miễn phí cho người khiếm thị từ 4 năm trước. Tuy nhiên, vì dịch bệnh, anh chưa thể thực hiện.
Lần đầu tiên anh Tú mở lớp dạy khiêu vũ cho người khiếm thị nên phải soạn giáo án riêng. Ảnh: Hà Nguyễn
Năm ngoái, khi đủ điều kiện, anh kết hợp với Liên đoàn Thể dục TPHCM, Hội Người mù TPHCM mở lớp vào chiều thứ 6 mỗi tuần.
Hiện, lớp học khiêu vũ của anh có từ 20-40 học viên, độ tuổi từ 30-60. Đa số họ đều là lao động nghèo, phải vất vả mưu sinh.
Anh Tú chia sẻ: “Người khiếm thị chịu nhiều thiệt thòi. Họ không có nhiều điều kiện, cơ hội tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí.
Nếu có, họ cũng không tự tin và luôn sống trong tâm lý không thoải mái, cảm thấy bất tiện, gây phiền hà cho người khác.
Anh cho học viên chạm vào chân, bụng, tay của mình để hình dung, nắm bắt nhịp điệu của điệu nhảy. Ảnh: Hà Nguyễn
Khi biết người khiếm thị thích khiêu vũ, tôi quyết định mở lớp dạy miễn phí như một cách giúp họ có niềm vui trong cuộc sống”.
Tận hưởng niềm vui mới
Lần đầu mở lớp dạy khiêu vũ cho người khiếm thị, anh Tú thiết kế giáo án riêng. Ban đầu, anh hướng dẫn học viên xác định vị trí của mình rồi tập cách bước sang phải, trái, tiến, lùi, xoay người…
Để học viên có thể hình dung, nắm bắt các kỹ thuật, anh cho họ chạm vào chân, bụng, tay của mình. Bằng cách này, người học cảm nhận, ghi nhớ cách anh nhấc tay, bước chân, di chuyển cơ thể khi nhảy.
Khi mọi người dần quen, anh dùng mic đếm nhịp, hướng dẫn mọi người luyện tập. Ảnh: Hà Nguyễn
Sau đó, anh đi xung quanh đếm nhịp, chỉnh sửa tư thế, động tác sai cho từng học viên. Khi mọi người dần quen, hiểu được cách bước chân, di chuyển theo nhịp đếm, anh bật nhạc để họ tập theo.
Anh Tú tâm sự: “Hướng dẫn người khiếm thị khiêu vũ khó và mất nhiều thời gian. Mỗi điệu nhảy thường được các học viên luyện tập trong 2-3 tháng.
Tuy nhiên, tôi đến lớp với tâm thế đây là công việc mình yêu thích. Tôi hạnh phúc với việc mình đang làm nên không thấy mệt mỏi, áp lực. Sau 1 năm, lớp đã học được 5 điệu nhảy cơ bản trong hệ thống 10 điệu nhảy của Dancesport”.
Anh trực tiếp hướng dẫn, chỉnh sửa tư thế, động tác sai cho từng học viên. Ảnh: Hà Nguyễn
Chị Trang học khiêu vũ từ lúc lớp mới bắt đầu. Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, luống cuống đến dẫm lên chân bạn nhảy, va vào tường… giờ chị là một trong những học viên nhảy đẹp nhất lớp.
Quan trọng hơn, chị cởi bỏ được vỏ bọc tự ti, thoát khỏi cuộc sống cô đơn trong bóng tối của mình. Đến lớp, chị giao lưu, hòa mình cùng những người đồng cảnh ngộ.
Chị thấy mình tự tin hơn và vượt qua cảm giác mặc cảm. Chị yêu đời, thậm chí tự hào vì khám phá được một niềm vui mới, một khả năng mới của bản thân.
Ông Doanh và bạn nhảy tên Hạnh cho biết việc tham gia lớp khiêu vũ giúp mình tìm được niềm vui sống, vơi bớt cô đơn. Ảnh: Hà Nguyễn
Trong khi đó, ông Trần Kinh Doanh (58 tuổi) khẳng định đã thỏa ước mơ, tìm được niềm vui sống mới cho mình.
Ông Doanh mê văn nghệ từ nhỏ. Mỗi khi nhạc vang lên, ông đều nhún nhảy, lắc lư theo tiếng đàn, nhịp trống.
Hiện, các học viên đã học được 5 điệu nhảy cơ bản trong hệ thống 10 điệu nhảy của Dancesport. Ảnh: Hà Nguyễn
Dù vậy, ông chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ được khiêu vũ, biết khiêu vũ như người bình thường cho đến khi tham gia lớp học.
“Từ ngày học khiêu vũ, tôi vui lắm. Mọi cô đơn, u buồn trong tôi đều tan biến. Bây giờ, tôi xem việc học khiêu vũ là niềm vui sống của mình và tận hưởng nó mỗi ngày”, ông tâm sự.
Ông Đỗ Hữu Trường Giang, Phó Chủ tịch Hội Người mù TPHCM cho biết: “Lớp học khiêu vũ dành cho người khiếm thị đã hoạt động 1 năm và hoàn toàn miễn phí. Mục đích của lớp học là đem lại môn thể thao phù hợp cho người khiếm thị.
Sau một năm hoạt động, lớp học đem lại nhiều điều tích cực, ý nghĩa cho học viên. Các bạn không chỉ có môn thể thao để tham gia mà còn tìm được niềm vui, sự tự tin, yêu đời”.
Lớp học đặc biệt ở TPHCM, cụ ông cụ bà rủ nhau tham gia để bớt cô đơn, tụt hậu Sợ cô đơn, tụt hậu khi không am hiểu công nghệ, nhiều người già rủ nhau tham gia lớp học dùng mạng xã hội, điện thoại thông minh (smartphone). Lớp học aerobic đặc biệt, học phí trả bằng nụ cười Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm HLV thể dục thẩm mỹ, chị Quách Mỹ Oanh đã cùng các bậc phụ huynh giúp trẻ tự kỷ phục hồi chức năng vận động, giác quan và giao tiếp thông qua lớp học aerobic tại quận 11, TP.HCM. Lớp học ‘mẹ truyền con nối’, 40 năm xóa mù chữ cho trẻ em nghèo Sâu trong hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), một lớp học tình thương “mẹ truyền con nối” đều đặn gieo con chữ cho nhiều thế hệ học sinh nghèo suốt 40 năm.