Tôi đã về đây Côn Đảo ơi/Chiều buông mây trắng quyện lưng đồi/Nắng ngả về đâu sau sóng biển/Trầm hương thoang thoảng giữa sương rơi…
Mỗi lần nhắc đến Côn Đảo lòng tôi lại trăn trở bởi đã nhiều lần ước nguyện ấy chưa thành. Dịp Lễ thanh minh vào tháng ba âm lịch năm nay những tưởng trong tầm tay ấy vậy mà những ngày nghỉ cuối tuần ít ỏi cũng chỉ đủ để đến với các Liệt sỹ ở Trường Sơn, Quảng Trị, Đường 9. Lần này, đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 chẳng biết có phải Chị Sáu và các Liệt sỹ ở Côn Đảo quá linh thiêng hay không, chỉ biết rằng chúng tôi đã khăn gói lên đường nhanh lẹ không hề suy tính. Và đêm ấy trăng đầu tháng cũng vừa nhô lên…
Huyền thoại kể rằng, khi chị Sáu hy sinh, phía trước ngôi mộ của chị mọc lên một cây dương hai nhánh, một nhánh hướng phía Nam và một nhánh hướng phía Bắc xanh tốt tỏa bóng mát bên ngôi mộ. Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam được thống nhất. Không hiểu vì sao chính năm đó, nhánh dương hướng về phía Nam trên cây dương trước mộ chị đang xanh tốt, bỗng héo cành rồi chết hẳn. Người trên đảo truyền rằng, đây là ý nguyện của chị Sáu đã được thực hiện nước nhà đã thống nhất. Đến năm 1993, khi Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Quyết định số 149, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Võ Thị Sáu, ý nguyện của chị được thực hiện, thì cùng năm ấy nhánh dương hướng về phía Bắc bắt đầu héo cành rồi cả cây lụi chết…
Trong lúc viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương, kính cẩn thắp từng nén nhanh lên mộ các Liệt sĩ chúng tôi lại được nghe thêm huyền thoại về cây lê ki ma trước mộ chị Võ Thị Sáu qua những người đồng đội đang làm nhiệm vụ ở đây. Chuyện kể rằng, sau khi cây dương hai nhánh trước mộ chị Sáu chết vào năm 1993, Ban Quản lý nghĩa trang Hàng Dương đem một cây lê ki ma trồng vào nơi cây dương đã chết. Nhưng rồi cây lê ki ma cũng chết. Công ty cây xanh trên đảo lại trồng một cây lê ki ma khác thay thế. Mùa Xuân năm 1995, ông Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, trong chuyến công tác đã về tận quê hương chị Võ Thị Sáu ở miền Đất Đỏ, đưa cây lê ki ma ra đảo trồng thế vào nơi hai cây lê ki ma đã chết. Kì diệu thay cây lê ki ma của miền Đất Đỏ bám rễ ăn sâu trên cội đất Hàng Dương, trước mộ người nữ Anh hùng. 14 năm trôi qua, cây lê ki ma chỉ vươn cao quá đầu người, không ra hoa kết trái. Năm thứ 15, cây lê ki ma trước mộ chị Sáu bỗng nở hoa ra quả bói hiếm hoi nhưng rồi, quả bói cũng rụng dần khi trái vẫn non xanh… Có lẽ những câu chuyện huyền thoại ấy càng khiến cho hình ảnh chị Sáu trở nên gần gũi thân thuộc nhưng cũng vô cùng linh thiêng với mọi người dân Côn Đảo, khi làm việc gì người ta đều đến thắp hương bên mộ chị để cầu xin điều tốt lành, khi có việc gì người ta đều nói “Thề có cô Sáu chứng dám” như một lời thề cho sự trung thực, ngay thẳng của mình. Tiếng lành đồn xa, mộ người nữ anh hùng này đã trở thành địa chỉ tâm linh không thể thiếu của mỗi người khi đặt chân lên Côn Đảo.
Bây giờ bên mộ chị Sáu quanh năm không chỉ có hoa tươi mà có cả những trái lê ki ma từ khắp mọi miền đất nước mang về thắp hương chị để tỏ lòng biết ơn người nữ Anh hùng đã không tiếc tuổi xuân vì đất nước, mãi mãi trường tồn cùng sông núi. Và thật may mắn khi chúng tôi được người quản trang phát lộc cho ba trái lê ki ma của Chị Sáu, thì ra đó là thứ quả đã quá quen thuộc với tôi mà ở ngoài bắc vẫn gọi là quả trứng gà. Thanh thản trong mùi thơm của hương trầm, thưởng thức trái lê ki ma thơm ngậy – lộc của chị Sáu, miệng tôi lẩm nhẩm từ khi nào: “Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu người nữ Anh hùng…”
Lịch sử để lại ở Côn Đảo vô số tháp canh, khám kín, nhà lao… cùng hơn 2 vạn anh linh vùi sâu trong lòng đất. Quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của Côn Đảo là “huyền thoại” về ý chí sắt đá, lòng kiên trung bất khuất của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam – một biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Sẽ rất khó để đi hết 127 phòng giam, 42 xà lim, 504 phòng biệt lập chuồng bò được dựng lên trong suốt 113 năm Côn Đào oằn mình đau khổ dưới ách xâm lược, nhưng chỉ cần tới một trong số các địa danh đó, đã thấm thía đầy đủ cái gọi là “địa ngục trần gian”. Hiện tại, các địa danh được triển khai du lịch lịch sử phổ biến nhất tại Côn Đảo có thể kể đến là trại tù Phú Sơn nơi giam nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, Cầu Tàu lịch sử 914 là nơi tiếp nhận tù chính trị bị lưu đày ra Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương – nơi yên nghỉ của hàng vạn người con ưu tú của dân tộc trong đó nổi tiếng là tên tuổi nữ anh hùng Võ Thị Sáu, đồng chí Lê Hồng Phong, chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh…
Diện mạo Côn Đảo hôm nay đã khác nhiều so với ngày mới giải phóng. Việc thông thương với đất liền giờ đã thuận tiện hơn rất nhiều. Với 2 chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Côn Đảo mỗi ngày, “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà lao, chuồng cọp, nghĩa trang… bây giờ không chỉ là nơi người ta tìm về quá khứ bi thương mà hào hùng để tri ân những người đã ngã xuống mà còn là địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hàng năm hòn đảo bí ẩn và linh thiêng này đón hơn 30 ngàn lượt khách đến thăm quan. Du khách nào đến Côn Đảo cũng đến thăm các di tích, tham quan nhà tù, viếng Nghĩa trang Hàng Dương, dâng hương, dâng hoa cho liệt sỹ Võ Thị Sáu và các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc để có một Việt Nam độc lập hôm nay.
Côn Đảo bây giờ đất trời xanh thẳm/ Địa ngục trần gian đã hóa chốn thiên đường/ Thắp nén nhang sau cùng lên bàn thờ tổ quốc/ Về đất liền xin lưu giữ đến ngàn sau…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/linh-thieng-con-dao-2645.htm” button=”Theo vinacomin”]