Mỹ vừa tránh được nguy cơ vỡ nợ khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công. Nhưng viên thuốc đắng mà chính phủ phải nuốt là khoản cắt giảm chi tiêu lên đến hơn 2.000 tỷ USD.
Khủng hoảng nợ của Washington (đang treo lơ lửng trên đầu nước Mỹ) sẽ khiến quan chức Lầu Năm Góc khó có thể đưa ra bất kỳ giả định vững chắc nào để lên kế hoạch cho bộ máy quốc phòng nước này, ít nhất là đến năm 2013. Cho đến khi ấy, chẳng ai dám chắc chiến lược quốc phòng của cường quốc hàng đầu thế giới sẽ ra sao hoặc sự hiện diện của quân đội Mỹ trên quy mô toàn cầu sẽ như thế nào.
Quay trở lại những cam kết về cắt giảm ngân sách của Mỹ. Thỏa thuận giải quyết nợ đã “chốt” chi tiêu cho lĩnh vực an ninh của năm tài khóa 2012 là 684 tỷ USD và 686 tỷ USD cho năm tiếp theo, tạp chí Foreign Policy cho biết. Chi tiêu an ninh được hiểu là các khoản chi cho Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa, cựu chiến binh, tình báo, chương trình vũ khí hạt nhân… Nhà Trắng khẳng định, thỏa thuận cắt giảm nợ đã “lấy đi” của Lầu Năm Góc 350 tỷ USD trong 10 năm tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, điều này cũng chỉ là một “phán đoán”, vì ai mà biết sẽ xảy ra những chuyện gì trong một thập kỷ?
Thêm vào đó, Lầu Năm Góc có thể mất thêm 600 tỷ USD trong 10 năm tới, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua một thỏa thuận nữa về ngân sách, dự kiến được đệ trình cuối năm nay. Tất nhiên, từ nay tới kỳ bầu cử quốc hội mới (năm 2013) sẽ còn có nhiều thay đổi. Quốc hội mới có thể sẽ ra luật mới, bầu không khí chính trị ở Mỹ, tình thế địa-chiến lược trên thế giới cũng có thể sẽ đổi khác. Và Tổng thống Barack Obama, quan chức chịu trách nhiệm cao nhất về an ninh Mỹ, đã lên tiếng phản đối ý tưởng cắt giảm ngân sách quốc phòng lần 2.
Nhưng tất nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc không thể dừng tất cả những quyết định quan trọng trong hai năm cho đến khi tình thế rõ ràng hơn. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và các đồng sự chắc chắn đang hy vọng rằng, con số cắt giảm sẽ được giới hạn ở mức 350 tỷ USD như trên giấy tờ của Nhà Trắng và trông đợi các nhà thương thuyết của phe Dân chủ và Cộng hòa sẽ “nghía qua” Lầu Năm Góc lấy lệ, còn đâu tập trung cả vào chuyện chi tiêu trong nước và đặc biệt là lĩnh vực thuế.
Nhưng có lẽ ông Panetta cũng đã phải nghĩ đến khả năng xảy ra kịch bản xấu nhất. Vì sẽ dễ chịu hơn cho Lầu Năm Góc nếu bất ngờ nhận được “món quà từ trên trời rơi xuống”, hơn là sớm phải làm lại các kế hoạch. Thêm nữa, dự liệu tình huống xấu nhất còn giúp ông Panetta và các đồng sự “chiến đấu” với những nhà lập pháp đang muốn “móc bớt hầu bao” của Lầu Năm Góc.
Nếu xảy ra đợt cắt giảm ngân sách đợt 2 đối với Lầu Năm Góc, hoạt động của quân đội Mỹ sẽ ra sao?Chắc chắn lúc đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm quân số và cơ cấu quân đội, các chương trình hiện đại hóa, cắt giảm sự hiện diện toàn cầu… Tuy vậy, cuộc khủng hoảng nợ vừa qua cho thấy, Mỹ không dễ dàng chịu buông tay với những lợi ích chiến lược và bộ máy quyền lực của họ sẽ phải vật lộn để tìm ra cách duy trì tư thế cũng như tầm ảnh hưởng của cường quốc số 1.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tin-tuc-hoat-dong/lau-nam-goc-trong-the-ket-vi-no-cong-223.htm” button=”Theo vinacomin”]