Xin mọi người hãy thông cảm khi tôi gọi Hongay – tên cổ của TP Hạ Long – ngày hôm nay để nhắc về một thời hào hùng của những người công nhân Mỏ than Hongay, Cẩm Phả quyết vùng lên Tổng đình công năm 1936 thắng lợi.
Gần 10 sau trở lại gặp cụ Doãn, cụ đã già lắm, khuôn mặt nhăn nheo của con người đã sống gần một thế kỷ ở mảnh đất Hongay này vẫn như giãn ra khi tôi ghé vào tai cụ hỏi: Cụ còn nhớ gì về năm 36 không? Sau một tiếng “hở” để nghe tôi nhắc lại câu hỏi, cụ vui vẻ trả lời: Nhớ chứ, …tôi dẫn một đoàn lên Ba Đèo… tiến về cổng sau Nhà máy… rồi ném đá để cánh thợ Hoa kiều nghỉ việc theo anh em đình công… Vui lắm khi mấy anh chủ Tây chấp nhận yêu sách tăng lương và giảm giờ làm… Mười năm trước khi Tập đoàn lần đầu gặp mặt “cánh biểu tình năm 36”, ở Hongay còn những 16, 17 cụ. Thế mà bây giờ các vị ấy đã về với tiên tổ nhiều quá: Ông ký Trần Văn Thông tham gia tận Mông Dương , ông Tài Tích lái xe hỏa nhà ở Ba Đèo, ông Hào làm thợ điện ở Cột 5 cùng với tôi. Đến ngay bà Mộc gái Nhà sàng ngày xưa cũng đi rồi. Còn ông Đang làm ở Nhà máy, trẻ hơn tôi vài tuổi, vợ mất, không con nuôi dưỡng, đành về nương thân tại Trại nuôi dưỡng người già ở Uông Bí. Thế là “cánh đình công năm 36 ở Hongay” chỉ còn có mình tôi!
Hỏi thăm sức khỏe, cụ Doãn cười: “Răng lợi rụng cả, bây giờ chỉ ăn được cháo. Con gái út cho ở cả căn phòng tầng hai. Đi lại cũng phải vịn cầu thang. Bốn người con đều “làm ăn” khá cả. Tiền hưu và tiền TB chỉ dùng để làm phần thưởng cho bốn đứa cháu nội ngoại đã và đang học đại học, thi thoảng chi cho việc họ hàng. Cụ Doãn tâm sự: Cách mạng tháng 8 thành công ở Hongay tôi tham gia bộ đội Việt Minh ngay và đánh nhau ở nhiều chiến trường, về tiếp quản Hải Phòng năm 1955 rồi vài năm sau ra quân về lại Nhà máy điện Cột 5 cho đến ngày về hưu. Tôi có 4 anh em trai đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Anh cả Phạm Văn Cang là CA mật từ thời ông Trịnh Tam Tỉnh được Trung ương cử về lãnh đạo chính quyền non trẻ của Hongay sau CM Tháng Tám 1945. Anh bị địch bắt ở sông Đá Trắng Hoành Bồ, rồi nghe đâu bị địch cho vào bao tải, bỏ trôi sông cùng với mấy anh nữa người ở Phố Chợ Hongay. Tôi cũng đã mấy lần làm hồ sơ cho bố mẹ tôi hưởng chế độ người có công, song thủ tục phức tạp quá mà tôi thì chữ nghĩa lại ít và tuổi già cũng không đủ kiên nhẫn mà theo đuổi kê khai cho anh tôi nên bố mẹ tôi “về với tiên tổ” mà chịu thiệt thòi. Anh thứ hai của tôi là Phạm Văn Xung và chú út là Phạm Văn Tỵ đều là lính quân giới. Bây giờ chỉ còn tôi và chú Tỵ, thi thoảng chú Tỵ lại ra thăm tôi, anh em pha ấm trà ngẫm lại chuyện đời.
Lại hỏi chuyện cụ có biết “cánh phu mỏ” ngày nay bây giờ sống ra sao không. Cụ Doãn trả lời không cần suy nghĩ: “Một trời một vực”, nếu so sánh cuộc sống của anh em thợ mỏ bây giờ với cánh thợ chúng tôi ngày còn chủ Pháp thì chỉ có thể nói như thế. Sự hy sinh của bao lớp thợ mỏ để hôm nay có Tập đoàn TKV, có Hạ Long đổi mới như thế này, đời sống nhân dân khá lên trông thấy thì “cánh đình công năm 36” hả hê lắm!
Thấy tôi nhìn tấm ảnh phóng to của cụ Doãn mặc quân phục, có đầy đủ huân huy chương và huy hiệu CCB cài trên ngực, đang treo trên tường, cụ Doãn trầm hẳn lại: Hằng năm cứ dến dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công nhân Mỏ 12/11, Tập đoàn TKV đều có quà thăm hỏi anh em chúng tôi. Thế là trọn nghĩa tình thợ mỏ. Giá mấy “ông cán bộ” làm cho chúng tôi một cái huy hiệu ghi nhận công lao của những người thợ mỏ Hongay – Cẩm Phả đình công năm 1936, để cho chúng tôi cài lên ngực làm lưu niệm cho con cháu chúng tôi biết thì… quý biết bao!?
Ngày truyền thống công nhân Mỏ 12/11 không chỉ là niềm tự hào và kỷ niệm không bao giờ quên của cụ Doãn mà cũng là niềm kiêu hãnh của những người đã từng làm việc trong Ngành Than từ sau ngày 12/11/1936. Và cũng là niềm tự hào của những người sinh ra, lớn lên hoặc đã chọn Vùng Mỏ Quảng Ninh là quê hương trọn đời của mình.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hongay-chi-con-mot-nguoi-cua-nam-36-9345.htm” button=”Theo vinacomin”]