Ông Võ Thân và bà Phan Thị Ba lấy nhau, sinh được 4 người con. Ba mẹ ông Thân có 10 người con – 7 trai, 3 gái. Tất cả các anh em trai đều sống bằng nghề đi biển ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Năm ông 34 tuổi – khi đứa con út mới được 8 tháng, ông bỏ nhà đi không rõ lý do. Các anh em của ông bận mưu sinh, chỉ mơ hồ biết rằng hình như vợ chồng ông có mâu thuẫn.
Từ năm 1990 đến nay, đã 34 năm trôi qua, ông không về nhà.
Theo thông lệ, từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 âm lịch, để tránh gió bấc, người dân làng chài ở Phan Thiết không đi biển gần nhà. Xuôi theo lạch sông, qua Mỹ Tho, Cần Thơ, họ xuống vùng biển miền Tây, xuống tận sông Đốc (Cà Mau) để kiếm ăn trên vùng biển sóng êm hơn.
Có lần người em họ đã gặp ông Thân ở khu vực sông Đốc. Hai anh em ngồi nói chuyện với nhau mấy tiếng đồng hồ. Người em khuyên anh về nhà.
“Anh nói để mai anh về. Nhưng hôm sau tôi qua tìm thì không thấy. Ổng trốn luôn”.
Từ đó, không ai gặp được ông nữa.
Cả gia đình ông Thân kiếm sống bằng nghề đi biển
Đầu tháng 11/1997, cơn bão số 5 mang tên Linda đổ bộ, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành. Hơn 3000 người chết và mất tích, chủ yếu là các ngư dân.
Năm đó, thật may mắn, các anh em ông Thân đều đang ở Phan Thiết, không ai vào Cà Mau – nơi tâm bão đi qua. Nhưng cả nhà đinh ninh rằng, ông Thân đang ở khu vực đó và có lẽ ông đã chết vì cơn bão như nhiều ngư dân khác.
Bao nhiêu năm trời không thấy ông về, niềm tin ấy càng có cơ sở hơn. Chị Võ Thị Hiệp, con gái ông đã lập bàn thờ và làm giỗ cho cha hằng năm.
Đến bây giờ, khi nhắc đến ông, bà Phan Thị Ba và 4 người con vẫn còn mang trong lòng những hờn trách, oán hận.
“Một mình tôi nuôi 4 đứa con, khổ lắm… Nếu tôi không đủ can đảm, không đủ bản lĩnh thì con tôi bữa nay…” – bà Ba bỏ lửng câu nói.
“Bây giờ khi nói ra, tôi vẫn còn ấm ức, nước mắt tôi vẫn chảy dài… Đừng bao giờ nhắc tới tên ông Thân với tôi nữa…”.
Các con trai của ông giãi bày: “Ba bỏ má thì được, chứ sao lại bỏ đám con… Thấy tội cho má, má hận cũng đúng thôi…”.
Chị Hiệp mới 14 tuổi khi cha bỏ đi. Đến giờ, chị vẫn chưa tha thứ được cho ông. Nhưng suốt ba mấy năm nay, chị vẫn thờ cúng. Cứ đến ngày định sẵn, dù không có đồng nào trong người, chị cũng đi vay mượn để sắp sửa lễ cúng cha.
Cả nhà không ai chắc ông Thân còn sống hay đã chết, nhưng “chẳng lẽ còn sống mà ba mươi mấy năm không về”. Họ đã nghĩ như vậy.
Chị Hiệp thờ cha hơn 30 năm nay
Trở lại năm 1990, sau khi bỏ nhà đi, ông Thân qua vùng biển Cà Mau nơi anh em ông vẫn thường kiếm ăn những tháng ngày Phan Thiết biển động.
Một ngày, ông nhảy qua ghe của một gia đình người bản địa. Ông bảo họ là từ nay cho ông đi cùng.
Cụ Phan Thị Hưng còn nhớ, ngày đó ông Thân rất quý mến các con trai cụ. Ông nhận vợ chồng cụ là cha mẹ nuôi, gọi họ là “tía, má”, coi các con cụ là anh em ruột thịt trong nhà.
Thấy ông hiền lành, lại không có họ hàng thân thích, cụ Hưng mủi lòng cho ở lại, nuôi như con, khi nào đi biển thì cùng đi.
Cũng từ đó, gia đình cụ Hưng coi ông Thân như con cái trong nhà.
Tới Cà Mau, ông Thân xin làm con nuôi vợ chồng cụ Phan Thị Hưng, cùng đi biển với các con trai của cụ
Suốt thời gian ở cùng gia đình cụ Hưng, ông Thân không giấu giếm chuyện ông đã có gia đình ở Phan Thiết. Ông thường xuyên nhắc đến 4 đứa con và 9 người anh chị em còn lại của mình.
Mọi người giục ông về với vợ con nhưng ông nhất quyết không.
Một thời gian sau, ông muốn lấy vợ – là một người phụ nữ lỡ thì ở gần đó. Thoáng chút băn khoăn nhưng vợ chồng cụ Hưng vẫn đồng ý tác hợp. Bởi cụ chỉ nghĩ đơn giản là vợ chồng ông như vậy tức là đã bỏ nhau rồi.
Trong mắt bà Phạm Thị Lam và con gái, ông là một người chồng, người cha mẫu mực, hiền lành, chưa từng nói nặng với vợ con một tiếng.
Trước cơn bão Linda, ông Thân đã ốm nặng nên không ra biển như gia đình ở Phan Thiết vẫn nghĩ.
Ông Thân chụp cùng người vợ thứ hai và con gái Võ Lệ Thủy
Chị Võ Lệ Thủy – con gái ông với bà Lam tâm sự: “Hồi đó, nhà em nghèo lắm, cơm gạo không đủ ăn nên ba mẹ không sinh thêm nữa. Ba bệnh chỉ ra trạm xá khám, không có tiền đi viện lớn”.
Những ngày cuối đời, ông Thân nằm ở nhà cùng vợ. Bệnh của ông có khả năng lây nên chị Thủy được gửi cho nhà ngoại. Lúc cha yếu, chị được ông ngoại chở về thăm nhưng cũng chỉ được đứng ở ngoài nhòm vào.
Ký ức của chị về những ngày cha bệnh chỉ có vậy.
Đến khi cha mất, chị lại được nhà ngoại chở về một lần nữa. Chị còn nhớ khoảnh khắc mình ngồi trên xuồng khóc hu hu. Năm ấy, chị mới 4-5 tuổi. Ông Thân cũng mới bỏ gia đình ở Phan Thiết được 8 năm.
Mồ côi cha, chị và mẹ cũng sống một đời chật vật và thiếu thốn tình thương không kém gì các anh chị em của mình ở Phan Thiết. Suốt những năm tháng tuổi thơ, chị được gửi đến nhà dì ở TP Cà Mau để đi học. Tốt nghiệp phổ thông, chị lại về gần mẹ rồi đi lấy chồng.
Hiện tại, 2 vợ chồng chị nuôi mấy vuông tôm. Chị kiếm thêm bằng nghề nấu cỗ thuê. Nhưng việc ngày càng ít, 2 vợ chồng chật vật lo cho 3 đứa con thơ và 1 mẹ già.
Cha mất đã lâu nhưng chị luôn khao khát được tìm về với cội nguồn, với họ hàng bên nội. Chị còn nhớ, khi sống, cha đã hứa: “Khi nào khá hơn, ba cho 2 mẹ con về nội chơi”.
Không bao lâu sau lời hứa đó, ông mất, để lại 2 mẹ con chị không biết chút tăm tích nào về gia đình nhà nội.
Chị Thủy mong mỏi được gặp nhà nội để biết cội nguồn của mình
Gần đây, khi được một người em giới thiệu, chị mới mạnh dạn tìm đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) nhờ giúp đỡ.
Khi tìm về gia đình bà Ba và các con ở Phan Thiết, để không khiến cả nhà hụt hẫng, chương trình đã phải thông báo là ông Thân không còn nữa, nhưng không phải vì cơn bão Linda.
Tuy nhiên, các con của bà Ba còn có một người em cùng cha khác mẹ. Các anh chị em ông Thân còn có một người cháu ruột đang mong được gặp họ một lần.
Ông Võ Long, em trai ông Thân, tâm sự rằng: “Nếu còn cháu thì càng phải gặp. Cháu muốn gặp nhà nội thì mình phải nhận chứ…”.
Gặp nhau trên sân khấu của NCHCCCL, chị Thủy đã rơi nhiều nước mắt. Ông Long cũng xúc động khi lần đầu biết đến người cháu ruột – người thay cho ông Thân tìm về với gia đình.
Tuy nhiên, những người con trai của ông dường như còn đang bối rối. Trong lòng họ trước đó vẫn còn oán trách, sau đó lại biết tin cha qua đời vì bệnh nặng. Chắc hẳn lẫn lộn trong họ là cảm xúc vừa giận vừa thương.
Và rồi họ lại biết mình có một người em gái. Sự chất phác, thật thà của những người ngư dân khiến họ không thể ngay lập tức ôm chầm lấy chị Thủy. Họ vẫn còn đang bối rối trước nhiều dòng cảm xúc ập đến.
Nhưng như chị Thủy có nói “chuyện của người lớn, em nào có biết…”, chị không có lỗi trong câu chuyện này. Bốn người con của ông Thân cũng vậy. Họ chỉ có chung một nỗi đau mồ côi cha. Chắc họ sẽ cần thêm thời gian để có thể chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn.
Chị Thủy cùng các anh và các chú trên sân khấu NCHCCCL
Sau 17 năm thực hiện và phát sóng trên nhiều kênh truyền hình, Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL) hiện được phát sóng vào lúc 17h15-18h25 các ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, phát lại trên kênh YouTube Như chưa hề có cuộc chia ly Official, trang fanpage Như chưa hề có cuộc chia ly và website chính thức Haylentieng.vn. Mới đây, NCHCCCL được trao giải thưởng Hành động vì cộng đồng (Human Act Prize 2024) ở hạng mục Dự án truyền cảm hứng.
Đến nay, chương trình tự hào khi xây dựng được một hệ thống dữ liệu rất hữu ích trong việc kết nối người đi tìm và người thất lạc. Trên website haylentieng.vn, người xem hoàn toàn có thể tự tra cứu những thông tin liên quan đến người thân thất lạc của mình bằng cách gõ tên, năm sinh, quê quán… Nhờ hệ thống dữ liệu này, nhiều gia đình đã được đoàn tụ.
Với mong mỏi trở thành một hoạt động xã hội do các cá nhân nuôi dưỡng một cách đều đặn và lâu dài, nhiều năm nay, ê-kíp chương trình đã khởi xướng hoạt động gây quỹ “Ổ bánh mì nối thân thương”, trong đó mỗi người trích ra 20 nghìn đồng/tháng gửi quỹ hoặc ví điện tử.
Để đồng hành với NCHCCCL trong việc xây dựng nguồn quỹ, tiếp tục hành trình giúp đoàn tụ cho hàng ngàn gia đình Việt Nam, trong những năm gần đây, báo VietNamNet trở thành cầu nối kêu gọi sự ủng hộ từ quý độc giả.
Toàn bộ số tiền độc giả ủng hộ chương trình thông qua báo VietNamNet sẽ được sao kê minh bạch và chuyển tới ê-kíp chương trình. Các thông tin về báo cáo thu chi, số trường hợp được tìm ra, số hồ sơ mới được lập… vẫn đang được NCHCCCL công khai hàng tháng trên các kênh fanpage, website và cuối mỗi tập được phát sóng.
Độc giả ủng hộ NCHCCCL thông qua báo VietNamNet vui lòng gửi tới số tài khoản sau:
Quỹ từ thiện Báo VietNamNet
Ngân hàng VietcomBank – Số Tài Khoản: 001 100 264 3148
Chủ TK: Báo VietNamNet
(Vui lòng ghi rõ nội dung chuyển khoản: Ủng hộ NCHCCCL + Tên + Số điện thoại)
Hai đại gia đình Bắc Nam vỡ òa khi nhận kết quả ADN sau 70 năm cách biệt Cuộc đoàn tụ giúp những người con tìm về nguồn cội sau 70 năm người ông, người cha của họ rời khỏi làng quê và mất liên lạc từ đó. Cha hẹn về đón, 45 năm không thấy cha đâu… Theo chân ông bà về quê ngoại, anh Tùng, chị Thúy vẫn nhớ lời hứa của cha: “Các con đi trước, ba sẽ vào sau”. Nhưng cuộc chia ly tưởng chỉ tính ngày tháng đã kéo dài 45 năm. Gia đình đoàn tụ ở TPHCM sau 64 năm, 3 anh em nói 3 thứ tiếng Cuộc đoàn tụ diễn ra ở TPHCM. Cuộc trò chuyện có cả 3 thứ tiếng: Anh, Trung, Việt nhưng họ vẫn hiểu nhau bởi cả 3 đều có chung những ký ức và những câu hỏi đau đáu bấy lâu nay về cha mẹ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gian-me-cha-bo-nha-di-34-nam-sau-cac-con-moi-biet-su-that-2356710.html