Năm 2018, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than thêm 5% so với mức tổn thất thực hiện trong năm 2017. Đây là con số không nhỏ và khi thực hiện được sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn trong sản xuất kinh doanh.
Theo đó, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao cho các đơn vị theo Quyết định số 2339 ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Tổng Giám đốc Tập đoàn, tỷ lệ tổn thất khai thác than hầm lò bình quân của các đơn vị trong toàn Tập đoàn năm 2018 phấn đấu giảm xuống ở mức 22,47% (giảm thêm 5% so với mức tổn thất con số tuyệt đối thực hiện trong năm 2017). Trong đó, có nhiều đơn vị đặt mục tiêu xuống dưới 20% như: Công ty than Khe Chàm 19,29%; Công ty than Dương Huy 19,47%…
Đây là một kết quả thể hiện sự nỗ lực cao của các đơn vị trong khai thác than, đặc biệt là khai thác than hầm lò. Các đơn vị khai thác than hầm lò thuộc Tập đoàn đã tích cực áp dụng các giải pháp về kỹ thuật công nghệ, liên tục giảm mức tổn thất than trong khai thác than hầm lò từ trên 30% những năm 2013 xuống dưới 30% năm 2014, dưới 25% năm 2015 và dưới 24% năm 2017. Các giải pháp công nghệ mới cho phép có thể khai thác được các vỉa mỏng, vỉa có điều kiện địa chất phức tạp như độ dốc lớn, độ ổn định của vỉa than kém…
ThS. Phạm Văn Hòa, Trưởng Ban Kỹ thuật Công nghệ mỏ Tập đoàn cho biết, theo kế hoạch công nghệ, Tập đoàn sẽ tiến tới áp dụng đa dạng công nghệ khai thác theo những điều kiện địa chất cụ thể của từng khu vực để ngày càng giảm tổn thất trong khai thác than hầm lò. Ths Hòa cho biết thêm, trong khai thác, nhất là khai thác than hầm lò, các thiết kế kỹ thuật khai thác, có những tổn thất tài nguyên buộc phải để lại không thể khai thác được như: Phải để lại các trụ bảo vệ, các phần vỉa mỏng, các khu vực có địa chất phức tạp, phay phá bị vò nhàu trong quá trình dịch chuyển… Các khu vực đó khó có thể khai thác trong điều kiện kỹ thuật còn lạc hậu. Nó chỉ có thể được khai thác triệt để khi có các công nghệ tiên tiến hiện đại. Chẳng hạn như một số nước tiên tiến có những máy khấu robot thay hoàn toàn con người mới có thể khai thác được các vỉa mỏng dưới 0,5 mét, hoặc vỉa có cấu tạo địa chất phức tạp, nhưng giá thành khai thác sẽ cao hơn nhiều lần các công nghệ truyền thống. Mấu chốt trong việc giảm tổn thất khai thác vẫn là khâu kỹ thuật công nghệ.
Giải pháp chính chỉ có thể là tăng cường áp dụng nhiều loại công nghệ phù hợp như: Nâng cao chất lượng công tác thăm dò khoáng sản và công tác tư vấn, thiết kế kỹ thuật ngay từ ban đầu để có thể khai thác triệt để các vỉa than; các đơn vị bố trí sơ đồ công nghệ và trình tự khai thác hợp lý, xác định rõ khối lượng và chất lượng từng khoáng sàng để huy động phù hợp; thường xuyên theo dõi biến động địa chất trong từng khu vực khai thác để có giải pháp công nghệ phù hợp và điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, giảm thất thoát trong khai thác. Ngoài ra, các đơn vị cần tiết kiệm tài nguyên trong khâu sàng tuyển, chế biến, quản lý tiêu thụ như: Các đơn vị sàng tuyển, chế biến từng bước hiện đại hóa các công nghệ sàng tuyển, phân chia nhiều chủng loại than theo yêu cầu của thị trường cũng như tiết kiệm tối đa các loại xít thải trong sàng tuyển. Riêng trong vấn đề này, những năm gần đây, Tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các đơn vị không để tồn tại chủng loại than lẫn xít, gây thất thoát tài nguyên sau khai thác. “Bảo vệ tài nguyên, giảm tổn thất phải thực hiện đồng bộ trong tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất từ thiết kế, khai thác đến vận chuyển, sàng tuyển, kho vận, tiêu thụ…”, ThS. Phạm Văn Hòa nói.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/giam-ton-that-khai-thac-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-201806011736370957.htm” button=”Theo vinacomin”]