Tư tưởng về công tác cán bộ là một trong những tư tưởng lớn trong suốt cuộc đời vĩ đại của Hồ Chí Minh. Sự vĩ đại của tư tưởng ấy ở chỗ: Bác nói là làm. Những lời dạy của Bác nay đã thành nguyên tắc, phương pháp luận và là những bài học vô giá đối với công tác cán bộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và đối với bản thân mỗi cán bộ. Vì thế, học, làm theo Bác phải bắt đầu từ những tổ chức nhỏ nhất và từ mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong suốt cuộc đời vĩ đại của Bác, công việc đào tạo cán bộ luôn được chăm lo cho cả hiện tại và tương lai và được xem như một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Trước lúc đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin, Bác vẫn một tâm niệm: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Việc đào tạo cán bộ phải lâu dài, cần mẫn, chu toàn. Người dạy: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.
Về sử dụng và bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy và nâng giá trị truyền thống của cha ông “dụng nhân như dụng mộc” thành chuẩn mực, nguyên tắc của công tác cán bộ. Lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác luôn cần phải học hỏi và làm theo. Đó là “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được! Nếu không biết tùy tài mà dùng người chẳng khác gì thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”.
Mặt khác, Bác hết sức quan tâm việc cất nhắc, đề bạt cán bộ. Bác nói, cất nhắc, đề bạt cán bộ là “vì công tác, vì tài năng”. Nếu vì “lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang” thì nhất định không ai phục, mà lại gây nên mối “lôi thôi” trong Đảng”, là “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Bác lại nói: “Nơi nào mà các cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm”.
Theo Bác, đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét kỹ trước khi cất nhắc, đề bạt, mà sau khi đã cất nhắc, đề bạt vẫn phải tiếp tục giúp đỡ họ…Khi họ mới có dấu hiệu sai lầm, khuyết điểm là phải chấn chỉnh ngay, đừng để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát, rồi mới đem ra “chỉnh”… Bác căn dặn: “Phải độ lượng, chí công vô tư, không có thành kiến. Phải chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”.
Trong quá trình đào tạo, sử dụng cán bộ, cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ thực hiện. Giao việc theo tư tưởng của Bác là dân chủ, là phân nhiệm rõ ràng, là đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, là phát huy sáng tạo của cán bộ. Bác chỉ rõ: Khi giao trách nhiệm cho cán bộ, phải làm cho họ yên tâm công tác, hứng thú trong công việc. Muốn thế, người lãnh đạo phải làm sao cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, cả gan phụ trách, cả gan làm việc”. Những vấn đề đã được quyết định rồi thì giao cho họ làm, khuyên họ cứ cả gan mà làm. Người lãnh đạo không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Thà để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến” mới có thể phát triển tài năng của họ. Bác dạy chân tình: “Trước khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”.
Người căn dặn: Người lãnh đạo muốn biết mình, tốt nhất là phải có thái độ và cách làm việc thật sự dân chủ, để mọi người xung quanh mạnh dạn, thẳng thắn nói những ưu, khuyết điểm của mình. Người lãnh đạo thật sự dân chủ, ý kiến của cán bộ được thật sự tôn trọng, thì khối đoàn kết nội bộ được củng cố, những sáng kiến được nảy nở, công việc nhất định sẽ được hoàn thành tốt đẹp. Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Càng dân chủ thì càng có nhiều sáng kiến. Sáng kiến chỉ ra đời khi người đó tâm huyết, hăng hái làm việc trong một môi trường dân chủ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dung-nhan-nhu-dung-moc-1505.htm” button=”Theo vinacomin”]