Bài 1: Chuyện ít biết về ông chủ xưởng cơ khí giàu có bậc nhất thành Nam xưa
Ở tuổi 88, khi được hỏi là con thứ mấy trong gia đình, ông Nguyễn Thế Bình (TP Nam Định) phải ngồi nhẩm tính lại vì bố mẹ ông sinh tới 14 người con.
Trong trí nhớ của ông, cụ Hoàng Thị Hảo – mẹ ông cứ mỗi năm lại sinh một người con, chính thức là 9 con trai, 5 con gái. Đến nay, chỉ có 4 người còn sống, trong đó ông Bình là con trai duy nhất.
Ông Nguyễn Thế Bình, con trai cụ Nguyễn Thế Môn – đại gia đất thành Nam giai đoạn 1930-1940. Ảnh: Trọng Tùng
Nhà có hơn chục người giúp việc, đi du lịch nước ngoài nửa năm
Bố của ông Bình – cụ Nguyễn Thế Môn là ông chủ nhà máy cơ khí, xưởng sửa chữa ô tô và xí nghiệp kem, nước đá nổi tiếng thành Nam vào những năm 1930-1940.
Nói về sự giàu có của gia đình, ông Bình khiêm tốn chia sẻ: “Chúng tôi là con nên cũng được hưởng ké sự sung túc, thành đạt của bố mẹ”.
Sống trong cùng khuôn viên nhà máy cơ khí rộng 5.000m2, ông Bình và các anh chị em được chăm lo đầy đủ không kém gì trẻ con sinh ra trong các gia đình khá giả thời hiện đại.
“Ngày ấy, trong nhà lúc nào cũng có 7-8 bà vú vì mẹ tôi đẻ liên tục, 3 năm 2 đứa. Mỗi anh chị em được vú chăm sóc đến năm 6-7 tuổi mới rời đi. Có người làm tốt, được mẹ tôi ưng ý, có thể ở với gia đình đến cả chục năm.
Ngoài các vú nuôi, chúng tôi còn có cả đầu bếp riêng, thuê cả người chỉ chuyên chăm sóc mấy con chó béc-giê. Tổng thể, lúc nào cũng có khoảng hơn chục người giúp việc trong nhà”.
Việc học hành của con cái được bố mẹ ông chú trọng, quan tâm. Ngoài việc học ở trường, các con đều có gia sư tới nhà dạy thêm văn hóa và các môn năng khiếu như đàn, võ,…
“Đàn piano ngày ấy hiếm lắm nhưng nhà tôi cũng có” – ông Bình kể.
Là chủ một xưởng sửa chữa ô tô, đương nhiên cụ Nguyễn Thế Môn cũng sở hữu ô tô. Cụ có 2 chiếc ô tô dùng để đi lại, có cả lái xe riêng.
“Ngoài ra, gia đình còn có 2 chiếc xa tay (xe người kéo), chuyên để chở các chị em gái tôi đi học”.
Sự giàu có và tư tưởng hiện đại của bố mẹ ông Bình còn thể hiện ở chuyến du lịch các nước Đông Dương kéo dài tới 6 tháng.
Dù bận quản lý việc sản xuất, kinh doanh của gia đình nhưng cụ Môn áp dụng cách điều hành giao việc rất trôi chảy.
“Bố tôi sử dụng nhân sự toàn là người trong nhà – kế toán trưởng là em rể, trưởng phòng hành chính là em vợ, phụ trách giao hàng là mẹ tôi và các em gái… Vì thế, khi cụ vắng nhà, mọi việc vẫn được giải quyết nhanh chóng, đâu ra đấy, đến tháng công nhân vẫn nhận lương thưởng đều đặn”.
Ông Bình nhớ, hồi đó bố mẹ ông đi du lịch 6 tháng khắp Đông Dương bằng 2 chiếc ô tô, mang theo cả đầu bếp và người giúp việc. Con cái ở nhà được giao cho các bà dì, ông cậu chăm lo.
Biết ơn người làm thuê cho mình
Những ký ức về gia đình được ông Bình coi là chuyện đã qua. Ảnh: Trọng Tùng
Ông Bình còn nhớ, năm 1960, Mỹ dùng không quân oanh tạc bắn phá nhiều thành phố miền Bắc. Gia đình ông sơ tán ra vùng ngoại thành Nam Định ở nhờ nhà dân khu vực xã Mỹ Phúc, gần đền Trần Hưng Đạo.
“Trong một đêm rằm, mấy bố con ngồi uống nước. Chúng tôi hỏi bố: ‘Sao cậu lại chọn đúc gang và làm nước đá?’. Bố tôi trả lời: ‘Nước đá bán không sợ ế. Nước chảy rồi, cho vào sản xuất lại ra nước đá. Đúc gang cũng thế. Đúc hỏng mấy lần vẫn có thể nấu lại được, chứ không vứt đi’”.
Ông Bình nói, bố ông có tư duy rạch ròi và tỉnh táo trong làm ăn nhưng triết lý kinh doanh của cụ vẫn đặt tình người lên một vị trí quan trọng. “Bố tôi luôn dặn các con phải thương những người làm công cho mình. Mình có thương họ thì họ mới sống chết với mình được”.
Ngày ấy, có một người thợ ở làng Cao Đà làm cho cụ Môn ở nhà máy cơ khí. Một hôm, người thợ không may bị chó dại cắn, một tháng sau thì mất. Người nhà ở làng Cao Đà đạp xe xuống TP Nam Định báo tin cho cụ Môn.
“Nghe tin, bố tôi ngay lập tức bảo lái xe chở cụ đi Cao Đà, phần để chia buồn cùng gia đình, phần là mang theo một số tiền giúp gia đình làm tang lễ. Đến ngày giỗ đầu người thợ đó, cụ lại lên thăm và mang theo một số tiền lớn gửi gia đình làm giỗ, khiến gia đình rất cảm động”.
Hành động này lan truyền mãi trong câu chuyện giữa những người làm thuê cho cụ. Ai cũng khen ông chủ sống tình nghĩa sâu nặng, vì thế luôn yên tâm cống hiến hết sức mình.
Với họ hàng thân thích, vợ chồng cụ Môn cũng giúp đỡ rất nhiều người. Mãi sau này, vợ chồng ông Bình rất bất ngờ khi nhiều con cháu trong gia đình, dòng họ vẫn đặt ảnh cụ bà Môn lên bàn thờ. Hỏi ra mới biết ngày xưa cụ bà có công nuôi nhiều người cháu ăn học, thành đạt.
Cuối đời, khi tài sản không còn gì đáng kể, cụ Môn lại quay về sống cuộc đời đạm bạc. Miếng đất 5.000m2 nơi nhà máy cơ khí từng hoạt động được cụ mượn một góc để trồng rau cải thiện bữa cơm gia đình.
Hiện tại, các con cụ chỉ 4 người còn sống – người ở Hà Nội, người ở Nam Định. Ông Bình và vợ hiện sống trong một căn nhà nhỏ nằm sâu trong con ngõ hẹp ở TP Nam Định. Với khoản lương hưu kỹ sư khiêm tốn của ông và khoản lương công nhân của bà, ông bà hài lòng với cuộc sống giản dị lúc về già.
Ông kể lại những câu chuyện ngày xưa với thái độ hoan hỉ, nhẹ bẫng.
Số phận bi ai của 3 tuyệt sắc giai nhân trong cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh Sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh có ba người vợ, cả ba người vợ này đều là những tuyệt sắc giai nhân nhưng đều có một cuộc đời bi ai phía sau người chồng tài hoa, bạc mệnh… Cuộc đời bi ai của con gái ông chủ gara ô tô giàu có đất Hà thành Bà có cuộc đời thăng trầm và đẫm nước mắt nhưng năm tháng tuổi già, cuộc đời bà như bước sang một trang mới – đầy ấm áp và hạnh phúc…