Mới hơn những nhà văn đi trước, Võ Khắc Nghiêm đi sâu vào phân tích tâm lý tính cách, số phận con người cá nhân, đặc biệt là những nhân vật nữ ở mỏ.
Là thợ mỏ chuyển sang cầm bút viết văn, nhà văn Võ Khắc Nghiêm viết rất sung sức. Ông đã xuất bản 20 tập tiểu thuyết, đa phần viết về Vùng mỏ. Trong đó, Võ Khắc Nghiêm đặc biệt ưu ái xây dựng hình tượng nữ thợ mỏ trong thời kỳ mở cửa. Đó là Huệ trong tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ”, một cuộc đời bị xé ra thành nhiều mảnh đau khổ, đoạn trường. Từ một cô gái thôn quê xinh đẹp, bị lừa, bị hãm hiếp nhưng cuối cùng khi quay lại mỏ, Huệ đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Bên cạnh Huệ còn có Tập, một người đàn bà tốt bụng động viên chị rất nhiều dù rằng cuộc đời Tập cũng chẳng may mắn gì hơn. Cùng với Huệ và Tập trong “Mảnh đời của Huệ” là Tầm và Bê trong tiểu thuyết “Huyết thống” đều là những người phụ nữ đẹp nhưng chịu nhiều bất hạnh. Nhân vật nữ của Võ Khắc Nghiêm đều mạnh mẽ, quyết liệt, không chấp nhận thực tế; vừa là biểu tượng vừa là nhân chứng cho lịch sử hơn nửa thế kỷ đau thương và anh dũng của Vùng mỏ.
Võ Khắc Nghiêm đồng thời là người viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh nên ông đã áp dụng phương pháp cắt lớp của điện ảnh, tạo ra những xung đột kiểu sân khấu. Và là nhà báo nên ông hay lướt qua sự kiện cho người đọc tiếp nhận nhanh thông tin và gợi mở cho họ sức tưởng tượng để sống cùng nhân vật. Điều này giống như trong khai thác than người ta phải chọn phương hướng mở lò, cắt tầng đi thẳng vào vỉa than sao cho ngắn nhất. “Tôi học được từ người thợ lò cách thể hiện “đi thẳng” vào truyện chân thực, không sa đà vào mây gió trăng sao, không miên man, rối rắm mà tập trung chi tiết xây dựng nổi bật tính cách nhân vật đa chiều qua những sự kiện bình thường mà độc đáo” – Nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho biết.
Võ Khắc Nghiêm không sử dụng ngôn từ tỉa tót mà tập trung xây dựng hình tượng nhân vật. Ông quan niệm: “Ở Vùng mỏ, ra ngõ gặp than, ra ngõ gặp chuyện, gặp người thợ, tức là ra ngõ là gặp nhân vật của tiểu thuyết”. Bởi vậy, theo ông, viết thế nào cho hay rất khó, không thể sống lơi khơi, “cỡi ngựa xem hoa”. Nhân vật nữ thợ mỏ của ông, dù thân phận có nhiều trắc trở éo le, nhưng đều có cá tính mạnh mẽ và cũng thật lãng mạn, đắm say. Do đó, truyện của Võ Khắc Nghiêm vừa có cái chung của xã hội lại có cái riêng sinh động của từng thân phận con người. Nhân vật của ông không chỉ được đặt trong quan hệ sản xuất ở trên mỏ, mà còn được đặt trong quan hệ muôn mặt đời thường: Mối quan hệ công việc, quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ đời tư, quan hệ yêu đương… Nhân vật của Võ Khắc Nghiêm sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh chia cắt, gặp cảnh ngang trái trong tình yêu, hôn nhân nhưng không tha hóa, mà vẫn giữ được phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
Dù đã bước qua tuổi thất thập nhưng Võ Khắc Nghiêm vẫn là một cây bút xông xáo. “Ông vẫn tiếp tục đi và viết, chưa bao giờ chịu ngồi yên, lúc nào cũng muốn làm một điều gì đó, viết ra một điều gì đó mà mình cảm nhận được từ cuộc sống, nhất là cuộc sống người thợ mỏ, những người suốt đời gắn bó với vùng Than, cái vùng đất mà cho đến hôm nay, tuy đã xa rồi, ông vẫn từng ngày dõi theo từng biến động, dù rất nhỏ thôi của nó, như dõi theo nhịp đập trái tim mình, như ngày xưa ông từng sống và yêu như vậy” – nhà văn Nguyễn Đức Huệ nhận xét về Võ Khắc Nghiêm.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/da-chieu-nhung-nhan-vat-nu-tho-mo-201611092338195327.htm” button=”Theo vinacomin”]