Sau biết bao thăng trầm kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động (8/2008), gần đây Nhà máy luyện đồng Lào Cai mới có thể bước vào sản xuất ổn định. Trước đây có rất nhiều ý kiến hoài nghi về công nghệ và khả năng làm chủ công nghệ của công nhân, cán bộ kỹ thuật Nhà máy. Nhưng bây giờ, nhiều người phải xem xét, thay đổi lại nhận định chưa đúng đó.
Ông Đồng Xuân Kỹ, Phó Giám đốc Công ty Luyện đồng Lào Cai khẳng định, chế biến sâu, không dễ. Rồi ông giải thích, sở dĩ những năm đầu, Nhà máy luôn gặp sự cố là bởi, công nghệ luyện đồng lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta. Đây là công nghệ hỏa luyện bằng lò Thủy Khẩu Sơn tiên tiến nhưng rất phức tạp, đòi hỏi tính đồng bộ và sự chính xác cao. Để ra sản phẩm đạt tới độ tinh khiết gần như tuyệt đối (thiết kế 99,95 % Cu) là rất khó khăn, nên sự cố và lúng túng ban đầu rất khó tránh khỏi. Mặt khác, cán bộ, công nhân phần lớn chưa có kinh nghiệm thực tế, công tác vận hành chưa thuần thục.
Năm 2009, thực hiện phương án cải tạo tuyển xỉ, hệ thống thiết bị hoạt động tương đối hiệu quả. Công nhân cơ bản nắm được quy trình vận hành và từng bước làm chủ được dây chuyền công nghệ đã đạt một số chỉ tiêu thiết kế đề ra như: năng suất đập, nghiền, năng suất tinh quặng… Các chỉ tiêu tiêu hao vật tư chính: bi nghiền, hoá chất thuốc tuyển… đang dần đi vào ổn định. Và từ đó đến nay vừa vận hành, vừa đúc rút kinh nghiệm nên hiệu quả hoạt động ngày càng cao hơn.Ông Đồng Xuân Kỹ cho biết thêm, thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong quản lí, đẩy mạnh các phong trào thi đua… còn một yếu tố quan trọng để đạt kết quả trên, đó là Công ty đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty về Chương trình luyện kim. Từ sự chỉ đạo này, những bất hợp lí trong dây chuyền công nghệ dần được khắc phục; nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là sáng kiến chế tạo vách sinh hơi lò Thủy Khẩu Sơn và sáng kiến trộn lưu huỳnh vào tinh quặng đồng… Vách sinh hơi do Trung Quốc chế tạo, trước đây chỉ hoạt động vài tháng là gặp sự cố. Mỗi lần gặp sự cố, Công ty phải dừng lò 2-3 ngày để khắc phục. Trước tình trạng đó, Kỹ sư Vũ Ngọc Hòa (khi đó là Giám đốc Công ty, nay là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khoáng sản), đã nghiên cứu, đưa ra sáng kiến chế tạo vách sinh hơi, thay thế vách sinh hơi nhập ngoại. Kỹ sư Hòa cũng trực tiếp chỉ đạo PX Cơ khí Động lực của Công ty chế tạo, lắp đặt thành công vách sinh hơi nêu trên. Chi phí cho việc chế tạo lắp đặt vách sinh hơi chỉ khoảng 4,6 tỷ đồng, rẻ hơn nhập ngoại khoảng 2,5 tỷ đồng. ý nghĩa lớn hơn của sáng kiến này là đã khắc phục tình trạng sự cố, giúp dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định. Ông Kỹ cho hay, vách sinh hơi của Công ty, thay thế từ đầu năm, đến nay vẫn chạy tốt.
Về chất lượng sản phẩm, theo kết quả phân tích VILAS182 của Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ, đồng sản xuất tại Nhà máy đạt 99,97% Cu (thiết kế 99,95% Cu). Công ty TNHHNN MTV Cơ điện Trần Phú, khách hàng của Công ty, khẳng định, chất lượng đồng của Nhà máy Luyện đồng Lào Cai đạt tiêu chuẩn quốc tế, một số chỉ tiêu còn tốt hơn so với đồng nhập ngoại. Ngoài sản phảm chính là đồng kim loại, Nhà máy còn thu hồi các sản phẩm đi kèm như vàng; bạc và axit sunfuric.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/cong-nghe-luyen-dong-o-lao-cai-bay-gio-khong-con-ai-nghi-ngo-122.htm” button=”Theo vinacomin”]