Có lẽ là một cái duyên, lần nào về Khe Chàm tôi cũng được xuống lò cùng anh em. Mỗi lần xong công việc, hoàn trả đồ bảo hộ lao động, tất cả mọi người đều đi đến một khu vực. Nơi ấy có sẵn những cốc nước ngọt mát, là liều thuốc hồi sức cho những người thợ vất vả sau mỗi chuyến đi lò. Anh em gọi đó là cốc nước thợ lò.
Cốc nước thợ lò cùng với bánh mỳ mỏ là hai món đặc sản của Than Khe Chàm. Những khay inox với hàng chục cốc nước mát lạnh, cứ uống hết lại được các chị cấp dưỡng thay phiên mang lên để kịp phục vụ anh em tan ca. Riêng tôi, cứ phải “làm” hai cốc. Đây không phải là nước lọc hay nước lá bình thường. Thứ nước ấy vừa sánh mịn lại man mát, xua tan hết những cơn khát lẫn mỏi mệt.
Kì thực cũng không có gì xa lạ, nguyên liệu nấu nước chính là các loại đỗ hàng ngày ta vẫn ăn. Nhưng để nấu thứ nước ấy, các chị cấp dưỡng phải làm qua khá nhiều khâu từ chuẩn bị đến chế biến. Đầu tiên, những cân đỗ sống phải được sơ chế thật sạch sẽ, đảm bảo hợp vệ sinh. Sau đó, đỗ được ninh chín và xay thành bột. Bột được chắt hết bã, lọc lấy phần tinh để đun sôi. Ở khâu này, đường và bột béo được pha với tỉ lệ thích hợp rồi hòa vào cùng với nồi tinh đỗ đang sôi, cuối cùng là đổ ra những chiếc thau inox sạch sẽ để làm nguội. Khi hỗn hợp đã bớt nóng, chúng sẽ được chắt vào những chiếc cốc inox sạch, xếp ngay ngắn trên khay và đặt vào tủ bảo ôn. Lúc này, chỉ chờ cho công nhân đi lò về, chúng sẽ được bày ra để các anh thưởng thức. Đều đặn cứ 3 ca làm việc, mỗi ca có 2 nồi, mỗi nồi 200 lít hỗn hợp nước đỗ xanh hoặc đỗ đỏ được ninh lọc, làm mát để thợ lò uống giải khát.
Chị Nguyễn Thị Hải, 46 tuổi, là một trong số các chị em trực tiếp thực hiện quy trình làm ra cốc nước thợ lò. 20 năm nay, cứ đều đặn hàng ngày, chị cùng các chị em lại quây quần bên gian bếp để sơ chế đỗ. Đôi bàn tay chị quẩy chiếc muôi dài gần 1 mét để hỗn hợp thức uống được hòa trộn đều. Vừa chắt nước làm nguội, chị vui vẻ chia sẻ: “Chị làm Tổ trưởng sản xuất nhưng cũng kiêm nhiệm nấu nước ở bếp luôn cô ạ. Cứ làm sao cố gắng để giúp anh em làm tốt, sức khỏe đảm bảo là vui rồi”.
Vậy đấy, cốc nước thợ lò không chỉ mang vị ngọt bùi của đường, của đỗ mà còn chứa đựng sự ngọt lành của tình đồng nghiệp, là sản phẩm kết tinh sự miệt mài, cần mẫn của bộ phận hậu cần, phục vụ. Cùng với bộ phận nhà ăn, giặt giũ, tất cả chỉ với một mục đích quan trọng, là làm sao, những người thợ lò của chúng ta có đủ điều kiện sức khỏe để đảm bảo công việc một cách tốt nhất, đạt năng suất cao nhất. Muốn thấu hiểu tình người nơi đây, hãy đến và thưởng thức cốc nước thợ lò.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/coc-nuoc-tho-lo-20160928161621123.htm” button=”Theo vinacomin”]