Phỏm (hay tá lả) là trò chơi bằng tú lơ khơ của hai tới bốn thành viên, không lạ gì với dân miền Bắc. Nhiều cơ quan, đơn vị ở thị xã Than, sau mỗi cuộc liên hoan tổng kết, mọi người hay kéo đến nhà ai đó làm vài ván phỏm vui với nhau rồi mới về. Tuy nhiên, có những người không coi phỏm như thú giải trí đơn thuần nữa mà… nghiền phỏm. Quanh cái sự “nghiền” của họ, nhiều chuyện “bi hài” diễn ra…
Tôi tìm hiểu về phỏm bắt đầu từ anh bạn là tài xế xe tải ở một mỏ than. Anh ta, theo than thở của hai cụ thân sinh thì đích thị đệ tử của phỏm, chỉ trừ lúc đi làm, còn lại hầu hết thời gian “cày cuốc” trên sới phỏm. Nên khi tôi nhờ chỉ giáo về phỏm thì anh ta nhiệt tình bậc nhất; này đây cách chơi, cách tính phỏm, tính điểm trong trường hợp bài “cháy”, hay “móm” (không có phỏm)…
Học rồi hành, hàng chục lần làm “gà” để anh bạn và mấy đứa em “vặt lông” (thua phỏm chịu vuốt mũi, búng tai), rồi tôi cũng được theo chân anh ta vô sới của dân nghiền phỏm ở thị xã tất nhiên chỉ phần nào thôi. Mới vậy nhưng cũng thu được khá nhiều chuyện thú vị. Té ra bất kỳ ai, đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, làm nghề gì đều có thể mê phỏm. Mê rồi thì biện bạch đủ lý do như, phỏm là môn thể thao trí tuệ, là trò giải trí thịnh hành, đem lại cho con người những giây phút vô cùng sảng khoái nên ham nó không gì đáng trách. Có công chức nói chơi phỏm để tận dụng thời gian nhàn rỗi, để giao lưu, tìm hiểu lối sống, tư duy của nhau. Còn lý do không phải người trong cuộc đưa ra mà của dư luận, rằng phỏm là trò đánh bài ăn tiền, máu mê, cay cú cao độ nên người chơi phỏm càng chơi càng say, sau nghiền đến mức khó lòng dứt nổi…
Sới dành cho dân ghiền phỏm được tổ chức khá linh động, quán cà phê, quán nhậu, nhà riêng…, và vào bất cứ lúc nào, miễn đủ “chân”. Những sới tôi đến và được “vinh hạnh chầu rìa” anh bạn, điểm mặt thì không vắng tay chơi là thợ mỏ vùng Cẩm Phả. Vừa đặt chân vào, tôi sặc sụa ho vì khói thuốc mù mịt. Như một tất yếu, dân nghiền phỏm nghiền luôn thuốc lá, thuốc lào bởi theo họ, khi nung nấu tính toán “thế” bài, có điếu thuốc sẽ giải tỏa nhiều vấn đề. Vào cuộc càng thấy rõ cái sự “nghiền” trên nét mặt người chơi, nào nhăn trán, nhíu mày, tập trung cao độ, thỉnh thoảng lia mắt “đọc vị” đối thủ hoặc văng câu chửi thề…, tạo không khí “trang trọng” pha lẫn căng thẳng khác thường cho sới phỏm.
Có những quy tắc bất thành văn lưu truyền trong hội mê phỏm như: Chơi “món” này là phải biết lì (đến độ có chai ở mắt cá chân), thứ nhất mới hết là “gà”, thứ hai có thể “dỡ nhà người ta mang về”. Nguyên tắc nữa, trường vốn (nhiều tiền) mà đánh trung thực kiểu gì cũng thắng. Hay, khi “lâm trận” đang dây “đỏ”, vợ (chồng) gọi, cháy nhà cũng không về. Hoặc, đã chấp nhận cuộc chơi phải thực sự “khát nước”, chứ tâm trạng “lìu xìu” xin mời… “phắn” khẩn trương v.v… Và những kiểu mánh khóe như đẩy hạ, to tẩn-bé gửi, ém bài, cô bài, yểm bùa, dùng “võ” mồm đỡ bài xấu, đánh đền cắt cơn “đỏ” hay chặn nguy cơ ù (thắng) to của tay dưới, dùng mồm-tay-chân “phím” nhau để mổ “cò”, nhanh tay-nhanh mắt cáo tráo bài, với nhiều trò biểu diễn khác khiến người ta phải “lác mắt”, sững sờ không tin nổi.
Đi sới, tôi rất ấn tượng về L, cũng dân tài xế mỏ, một “thợ” trong đám phỏm. Dong dỏng cao, nét mặt đẹp với những lọn tóc xoăn bồng bềnh, vẻ lãng tử của L đảm bảo hút hồn mấy em tuổi teen đỏng đảnh, tóc vàng, tóc đỏ trong vùng ngay lần gặp đầu. Khi chia bài, mồm L thao thao thao bất tuyệt để đánh lạc hướng đối phương nhưng tay thì tráo bài nhanh hơn ảo thuật gia. Chia bài xong, chỉ vòng trước vòng sau là L… ù, mấy tay chơi còn lại thẫn mặt ra… móc ví. Lần “diễn” gần đây nhất, sau khi vét sạch túi cả hội, L cao hứng rủ anh bạn và tôi ra quán, trích một phần trong số hốt được nhậu xả láng một chầu, phần kia L bảo, để tiếp tục “quay vòng”.
… đến những hậu quả
Tàn cuộc nhậu, tôi nhanh chân mua bịch cà phê rồi cùng anh bạn ngỏ lời đến nhà L nhâm nhi, cậu ta gượng gạo gật đầu. Đó là một căn nhà cấp bốn do bố mẹ để lại, mái và tường ẩm mốc, xập xệ, bên trong trống huơ trống hoác, ngược hẳn phục trang sành điệu, điếu thuốc đắt tiền phì phèo trên môi và kiểu cách ăn nói như đại gia của chủ nhân nó. Ngó trước ngó sau tôi hỏi L: “Vợ con đâu?”. Câu trả lời vòng vo nhưng đủ để tôi hiểu, sau tam tứ phen lục đục, vợ L quyết định ôm con về ngoại, ly thân anh chồng “coi phỏm trên tất cả”.
Tình cảnh của L. khiến tôi nhớ tới chị H, cũng dân phỏm thứ thiệt. Chục năm trước, H là công nhân vận hành máy ép hơi ở một mỏ than. Vì quá tôn trọng nguyên tắc “lì” mà H chơi phỏm bất biết thời gian, bỏ làm cơ quan như cơm bữa. Lãnh đạo nhắc nhở, giáo dục nhiều phen không chuyển nên trong đợt hô hào giảm biên chế, H đứng đầu danh sách… thất nghiệp. Rồi do bê trễ việc gia đình, chồng khuyên bảo bao lần chẳng nghe, sau đường ai nấy đi. Ra tòa H nhận nuôi con, nhưng thấy thời gian dài đứa bé cứ phải ăn ngủ vật vờ cùng mẹ trên sới phỏm nên anh chồng lại đệ đơn đòi về… H giờ mắt thâm quầng, mặt vàng võ, hốc hác, dài như cái bơm, thân hình chẳng khác “bù nhìn gác ruộng dưa”. Hồi còn đi làm, có chút lương của hai vợ chồng và của hồi môn để H chơi phỏm. Mất việc, hết vốn, H xoay đủ kế, thành thợ nói dối siêu hạng, dối gia đình đi chơi phỏm, để thoái thác công việc, dối người quen để vay tiền, mượn đồ (vô thời hạn)…
Anh bạn tôi được cái tiến bộ là mặc dù ham phỏm nhưng chưa dám bỏ làm. Tuy nhiên cũng vì tốn quá nhiều thời gian cho phỏm nên giờ “đầu bốn” tới nơi vẫn cô đơn. Lương tài xế bốn, năm triệu một tháng nhưng mẹ anh xác nhận: “Ngoài mấy đồng đóng ăn lúc đủ lúc thiếu, nó chẳng có vốn liếng gì”. Nghe tôi phê bình, anh chống chế rằng mình còn khá chán, đám “cạ” phỏm với anh, đang dây “đỏ” trên sới, vợ gọi thì thưa thốt nghe vẻ lễ phép, nhưng vào dây “đen” hay ở nhà bị nhắc nhở, “oánh” vợ con tới số, đã không đóng góp gì còn giật của gia đình mang đi, chuyện cắm bằng xe máy, thẻ lương, giấy tờ giá trị không lạ, có tay máu mê, cay cú, chơi to tiền thua đau, phải bán cả tài sản, nhà cửa đi trả nợ, hoặc bị sa lưới pháp luật trong đợt truy quét tệ nạn xã hội của chính quyền.
Quay lại chuyện ở nhà L, nhắc đến mấy chiêu mánh khóe, cậu ta cao giọng kẻ cả rằng, đã vô sới phỏm, chẳng tin, chẳng nể ai hết dù là huynh đệ. Những tay chơi lộ tẩy thủ thuật “bịp” hay “qua mặt” nhau dẫn đến ẩu đả, có trường hợp gây thương tật, án mạng chẳng qua không phải dạng “trình cao”… Tôi hỏi cắt ngang: “Mang tiếng thợ phỏm, vợ chồng lại đều công nhân mỏ sao để nhà cửa sơ sài thế này?”. Như chạm đúng nỗi niềm, L chùng giọng sau khi nhấp ngụm cà phê đắng chát: “Tại dính cái trò bài bạc mà chị, hôm nay kiếm bộn tiền, ngày mai lại rỗng túi, có ai giàu nhờ nó đâu, chẳng qua trót ham rồi…”
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chuyen-phom-o-thi-xa-than-38.htm” button=”Theo vinacomin”]