Những năm đầu thế kỷ 20, một nhà tư sản được mệnh danh giàu bậc nhất thành Nam – 1 trong 4 trung tâm công nghiệp lớn nhất Đông Dương thời đó, cùng với Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng.
Trong ký ức của người Nam Định xưa, ông sở hữu nửa phố Hàn Thuyên (TP Nam Định) ngày nay. Ông cũng là người xây dựng nhà máy cơ khí mà trong thời kỳ thịnh vượng nhất của nó có tới hàng trăm công nhân làm việc.
Đó là nhà tư sản Nguyễn Thế Môn – người gần như chưa từng được nhắc đến trong những tài liệu, sách báo còn đến bây giờ.
Câu chuyện lập nghiệp, phát triển kinh doanh, khối tài sản khổng lồ, lối sống của một gia đình tư sản giàu Nguyễn Thế Môn chỉ còn phảng phất trong ký ức của các con cụ – những người đã ở tuổi thất thập cổ lai hy.
Cậu bé mồ côi cha đi học nghề
Ông Nguyễn Thế Bình, con trai cụ Nguyễn Thế Môn hiện sống ở TP Nam Định
Theo lời kể của ông Nguyễn Thế Bình (năm nay 88 tuổi, hiện sống ở TP Nam Định) – con trai cụ Nguyễn Thế Môn, cha ông sinh năm 1891, quê ở Thái Nguyên.
Cụ Môn vừa sinh ra được mấy tháng thì mồ côi bố. Bố cụ họ Phạm nên ban đầu cụ được đặt tên là Phạm Quang Môn theo họ bố như thông lệ. Sau khi bố mất, chỉ còn một mình mẹ nuôi con. Mẹ cụ họ Nguyễn nên đổi tên con thành Nguyễn Thế Môn.
Lớn lên, cụ Môn lên Hà Nội học nhiều nghề trước khi trở nên giàu có. “Bố tôi từng làm thợ may, thợ đóng giày nhưng đều chỉ được một thời gian rồi bỏ.
Hàng ngày, trên đường đi làm, bố tôi đi qua một gara sửa chữa ô tô mà chủ là người Pháp. Công nhân của xưởng sửa chữa này được mặc đồng phục và lái những chiếc xe đẹp, bố tôi thấy thích và về nói với mẹ ‘con muốn đi học nghề sửa chữa ô tô’.
Bà tôi đồng ý. Thế là bố tôi đi học sửa ô tô với lời hứa ‘con sẽ học thành tài để kiếm tiền mang về cho mẹ’” – ông Bình kể.
Sau khi học được nghề, cụ Môn quyết định về Nam Định để phát triển sự nghiệp. Trước khi mở xưởng, cụ Môn học và làm nghề như bao người thợ khác.
Sửa xe thì phải biết lái xe. Năm 1921, cụ sang Pháp thi bằng lái xe ô tô. “Toàn Đông Dương chỉ có 6 người đỗ, trong đó có bố tôi”, ông Bình nói.
Từ đó, cụ Môn dần được biết đến ở đất Nam Định. Đến năm 1922, nhà máy cơ khí kiêm xưởng sửa chữa xe ô tô được xây dựng trên mảnh đất mà trước kia vốn là một cái hồ lớn.
“Bố tôi đã mua cái hồ đó, sau đó ông mua xỉ than của nhà máy dệt để lấp hồ. Hàng ngày, người Pháp cho chở xỉ than đến đây bằng một con đường goòng (đường sắt đơn giản, cỡ nhỏ hẹp). Cũng vì thế mà con phố ấy từng được người Nam Định đặt tên là phố Đường Goòng, nay là phố Quang Trung”.
Nhà máy 5.000m2 – vừa là xưởng vừa là nhà
Mô hình nhà máy cơ khí năm xưa được ông Bình dựng theo trí nhớ
Theo lời kể của ông Bình, nhà máy cơ khí có diện tích 5.000m2 vuông vắn – mặt tiền 100m, chiều sâu 50m, nằm tại số nhà 235-237 đường Henri Riviere (lấy tên một đại tá người Pháp), nay là phố Hàn Thuyên (TP Nam Định).
Vừa kể, ông Bình vừa hào hứng giới thiệu bộ mô hình nhà máy do chính tay ông dựng lại bằng những vật liệu dễ kiếm. “Tôi đặt tên nó là Ký họa trong mơ, bởi vì tôi dựng lại hoàn toàn bằng trí nhớ, không có ảnh thật. Sau khi vẽ xong, tôi đưa cho các anh chị em trong gia đình xem và góp ý thì mọi người đều nói tôi nhớ tốt và vẽ chính xác tới 85%”.
Trên khoảng đất 5.000m2 ấy có nhiều dãy nhà. Không chỉ có nhà xưởng, mà cả gia đình cụ Môn cũng sinh sống trong khuôn viên. Ông Bình chỉ tay: “Chỗ này là nơi ở của ông bà chủ, chỗ này là của con cái, kia là khu sản xuất…”.
Thời điểm ấy, nhà máy cơ khí của cụ Môn nổi tiếng và làm ăn phát đạt. Nhà máy sản xuất độc quyền các phụ tùng cho các nhà máy dệt, máy tơ, máy chai, máy sợi… mà người Pháp không phải mang phụ tùng sang.
Riêng mảng sửa chữa xe ô tô, xưởng chuyên phục vụ người Pháp, làm không hết việc.
Thời kỳ thịnh vượng nhất (1930-1940), nhà máy có hàng trăm công nhân. Người ở làng Kênh – ngoại thành TP Nam Định – làm ở nhà máy này rất đông. Năm 1947, do biến động lịch sử, nhà máy bị phá bỏ hoàn toàn.
Xí nghiệp sản xuất kem, nước đá công suất 5 tấn/ngày
Mô hình xí nghiệp kem, nước đá Quảng Hưng Long rộng 600m2 được ông Bình dựng
“Năm 1949, gia đình tôi từ vùng tự do (vùng chính quyền cách mạng kiểm soát) hồi cư về căn nhà cũ ở số 44-46 phố Paul Bert (nay là đường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định). Tại đây, bố tôi nhập khẩu 2 cỗ máy làm lạnh SaBro của Đan Mạch để sản xuất kem, nước đá.
Xí nghiệp kem, nước đá Quảng Hưng Long không phát triển bằng nhà máy cơ khí nhưng cũng là một địa chỉ cung cấp kem, nước đá có tiếng không chỉ ở TP Nam Định, mà còn lan sang các tỉnh lân cận. “Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, thậm chí cả Thanh Hóa,… cũng sang Nam Định lấy kem mang về bán” – ông Bình nhớ lại.
Ngoài nhà máy cơ khí và xí nghiệp kem, nước đá, cụ Môn còn có một chiếc tàu thủy mang tên Long Vân, chuyên chở khách chạy tuyến Nam Định – Hải Phòng, đậu ở bến Đò Quan.
Năm 1956, Nhà nước thực hiện chính sách “cải tạo tư bản tư doanh”. Xí nghiệp kem, nước đá Quảng Hưng Long vào công tư hợp doanh. Xí nghiệp thực phẩm kem, nước đá Mồng 1 tháng 6 Nam Định ra đời, trong đó cụ Môn góp toàn bộ máy móc vào xí nghiệp. Về sau, xí nghiệp Mồng 1 tháng 6 trở thành xí nghiệp bia lon Na Da.
Năm 1958, Nhà nước vận động các nhà tư sản, tiểu tư sản góp vốn tham gia hội liên hiệp công thương đặt tại nhà cụ Môn 44-46 Paul Bert, chuyên sản xuất khuy trai để xuất khẩu sang Singapore. Vì cụ Môn có nghề làm khuy trai nên được bầu là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật.
Năm 1960, tài sản của gia đình cụ Môn không còn nữa. Lúc này, cụ Nguyễn Thế Môn cũng đã già. Cụ sống cuộc đời giản dị, trồng rau nuôi gà trên chính mảnh đất xưa kia là nhà máy cơ khí.
Cụ mất năm 1970.
Ông Hoàng Dương Chương, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định, hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định cho biết, trong cuốn sách Thành Nam – Địa danh và Giai thoại mà ông là tác giả, cụ Nguyễn Thế Môn được nhắc tên là một trong những nhà tư sản có tiếng ở Nam Định thời kỳ đó với khối tài sản là nhà máy cơ khí và xí nghiệp làm kem, nước đá. Tuy nhiên, so với nhà máy cơ khí thì xí nghiệp làm kem được thành lập sau này chỉ là tài sản nhỏ, không quá nổi bật bởi khi ấy, Nam Định cũng có nhiều cơ sở làm kem khác.
Ông Nguyễn Ích Minh, cựu giáo viên Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định), người bạn thuở thiếu thời của ông Nguyễn Thế Bình chia sẻ, xưa kia xưởng cơ khí của cụ Nguyễn Thế Môn nằm trên phố Hàn Thuyên ngày nay. Xưởng sản xuất đồ cơ khí, đúc gang, làm khuy trai, sửa chữa ô tô… nổi tiếng TP Nam Định.
Ông Minh cho biết, thực ra thời kỳ đó có nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố nhưng cụ Môn là người hiếm hoi làm biển hiệu cho các cơ sở kinh doanh của mình. Chính vì thế, cứ nhắc đến xưởng cơ khí hay xí nghiệp kem, nước đá là người dân thành phố nhớ ngay đến cụ Môn. Đó cũng là một cách gây dựng hình ảnh thông minh của cụ.
Có lẽ sở hữu gen di truyền của người cha, ông Nguyễn Thế Bình khi trẻ cũng là người thông minh, sáng dạ và rất giỏi chế tạo, phát minh ra các loại máy móc. Ông hay được bạn bè gọi bằng biệt danh “Bình Israel” – hàm ý thông minh như người Do Thái, ông Minh chia sẻ.
(còn nữa)
Đồ uống đặc biệt dịp Tết của gia đình người hiến hơn 5.000 lượng vàng
Từ thời con gái, mỗi dịp Tết đến doanh nhân Hoàng Minh Hồ đều chuẩn bị ướp trà, trong đó có trà ướp hoa thủy tiên.
Hà Nội lại trình tên phố Trịnh Văn Bô, người hiến hơn 5.000 lượng vàng
Tuyến phố dài 900m ở quận Nam Từ Liêm được Hà Nội đề xuất đặt tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô – người hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng.
Bí thư HN nói về biệt thự 34 Hoàng Diệu của gia đình cụ Trịnh Văn Bô
Sau khi lo lễ tang cụ Hoàng Thị Minh Hồ (vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô), Hà Nội sẽ xem xét giải quyết vấn đề liên quan căn biệt thự 34 Hoàng Diệu.