Áp lực từ chính cha mẹ
Cách đây không lâu, trên một diễn đàn mạng xã hội, một ông bố đăng tải hình ảnh của con kèm theo dòng trạng thái: “Con em là N.V.A., đi học thêm từ tối hôm qua đến nay chưa về.
Khi đi, cháu mặc áo phông màu trắng, quần màu đen, đi xe đạp màu đỏ,… Ai thấy cháu ở đâu xin báo cho gia đình… Gia đình xin cảm ơn và hậu tạ”.
Sau đó nửa ngày, gia đình thông báo đã tìm được cháu bé.
Không ít những dòng trạng thái như vậy đã được đăng trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Có gia đình may mắn vì con biết đường quay về nhưng có người rơi vào tuyệt vọng khi không có tin tức của con.
Chị N.T.M. (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ với chuyên gia tâm lý: “Con tôi từ ngày lên lớp 10 rất lười học, chỉ chú tâm vào mạng xã hội và yêu đương.
Tôi nói nhiều lần nhưng con làm ngơ, như không nghe thấy. Bố mẹ dùng biện pháp mạnh thì con giận. Có lần cháu bỏ sang nhà bạn suốt 2 ngày khiến cả nhà tôi nháo nhào.
Từ hôm đó, tôi sợ con làm chuyện dại dột, không dám mắng mỏ con. Tôi bất lực không biết làm sao để con nghe lời, chịu khó học hành, bỏ bớt mấy trò chơi độc hại trên mạng”.
Ở một góc khác, nhiều ông bố bà mẹ không lo con cái yêu đương, nghiện mạng xã hội nhưng lại tạo áp lực cho con bằng việc học tập.
Nhiều người lấy thành tích của con cái người này, người kia ra so sánh với con mình mà không biết việc làm đó khiến con bị tổn thương sâu sắc. Có người bắt con học ngày, học đêm để không thua kém con của bạn bè.
Những đứa trẻ bỗng chốc trở thành công cụ để so sánh thành tích, cũng như nơi trút giận của bố mẹ khi công việc không được như ý. Chúng sợ hãi mỗi khi bố mẹ về vì chắc chắn bố mẹ sẽ bắt ngồi vào bàn học.
Nhiều đứa trẻ mệt mỏi khi bị nhồi nhét kiến thức, thành tích. Bố mẹ luôn cho đó là đơn giản vì “trẻ không học thì làm gì” mà không hiểu được những áp lực ấy khiến tâm trí trẻ rối bời, nảy sinh suy nghĩ tiêu cực.
Cha mẹ nên là người giúp con quản lý, sắp xếp thời gian
Đó là một vài trong số nhiều nguyên nhân khiến trẻ bỏ nhà đi, chán đối diện với bố mẹ, thậm chí có suy nghĩ tiêu cực. Nhiều vụ trẻ tự tử gây mất mát, đau thương cho gia đình cũng một phần là vì những lý do này.
TS. Vũ Việt Anh – Chuyên gia giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công nhận định, vấn đề trẻ chịu áp lực từ học tập dẫn tới hành động tiêu cực như bỏ nhà đi, thậm chí tìm đến cái chết là thực trạng đau lòng mà những người làm giáo dục và tâm lý phải đối mặt hàng ngày.
Cha mẹ luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con nhưng đôi khi vô tình tạo ra áp lực quá lớn.
Cùng con vượt qua khủng hoảng
Chuyên gia chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy cô đơn và áp lực trong học tập là thiếu sự kết nối và hiểu biết từ cha mẹ.
Vì vậy, cha mẹ cần học cách lắng nghe con nhiều hơn, thay vì chỉ nói và tập trung vào những kỳ vọng. Hãy tạo không gian cho con, để con được bày tỏ cảm xúc, thậm chí cả suy nghĩ tiêu cực, mà không bị phán xét.
Cha mẹ cần hiểu, áp lực học tập không chỉ xuất phát từ trường lớp, bài vở mà còn từ chính gia đình. Cha mẹ cần tham dự hội thảo, tư vấn tâm lý gia đình để hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong việc hỗ trợ con cái.
Cha mẹ có thể giúp con học cách sắp xếp thời gian hợp lý, cân bằng giữa học tập và thời gian nghỉ ngơi. Một thời gian biểu rõ ràng, khoa học, có thời gian nghỉ ngơi xen kẽ sẽ giúp con giảm căng thẳng.
Cha mẹ nên đồng hành cùng con trong việc lập kế hoạch học tập nhưng hãy để con tự quản lý theo năng lực của mình. Không ai hiểu con bằng chính con.
Thay vì thúc ép con học quá nhiều, hãy tìm cách giúp con phát triển các chiến lược học tập thông minh. Giúp con xác định ưu tiên, phân chia công việc theo từng giai đoạn và tránh học dồn trước khi thi.
Các phương pháp như Pomodoro (chia nhỏ thời gian học) có thể giúp trẻ tăng cường hiệu quả học tập mà không cảm thấy quá tải.
Chuyên gia nhắc nhở, cha mẹ cần trở thành những người đồng hành thực sự, thay vì chỉ là người đánh giá và gây áp lực.
Trẻ cần được trang bị kỹ năng sống, thái độ sống, lòng biết ơn, tình yêu thương và học tập một cách toàn diện, bao gồm cả kỹ năng quản lý thời gian, cảm xúc và tư duy sáng tạo.
Ngày nay công nghệ đang phát triển không ngừng, việc khuyến khích con ứng dụng công nghệ vào học tập là cần thiết.
Các công cụ học tập ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như phần mềm học trực tuyến, app quản lý thời gian và khóa học cá nhân hóa có thể giúp học sinh tìm ra phương pháp học phù hợp với khả năng và nhu cầu.
Cha mẹ và nhà trường cần hướng dẫn học sinh sử dụng công nghệ một cách hợp lý để tối ưu hóa quá trình học tập, thay vì bị cuốn vào những thông tin tiêu cực trên mạng.
Về mặt kỹ năng quản lý cảm xúc, để con làm chủ bản thân, không tìm đến những giải pháp tiêu cực, cha mẹ cũng cần trang bị cho con cách nhận diện và quản lý cảm xúc tiêu cực.
Các buổi trò chuyện về cảm xúc, tham khảo ý kiến chuyên gia tâm lý,… là những hoạt động giúp con hiểu rõ hơn về bản thân và người khác, có thể giúp con tự tin đối phó với khủng hoảng tốt hơn.
Ngoài ra, tư duy phản biện giúp con xem xét mọi tình huống một cách đa chiều, từ nhiều góc độ, giảm thiểu việc suy nghĩ tiêu cực một chiều.
Bằng những việc này, chuyên gia khẳng định, cha mẹ sẽ giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý, biết cách học tập và tiếp thu kiến thức, kỹ năng một cách hiệu quả nhất để có sự hiểu biết toàn diện.
Giữ tiền hay đưa cho con cái, câu trả lời của ông lão 75 tuổi gây xúc động TRUNG QUỐC – Ở tuổi 75, ông Lưu có khá nhiều tiền tiết kiệm. Nhiều người khuyên ông nên giữ tiền lo tuổi già, có người lại nói ông nên đưa hết cho con cái. Dù con cái có hiếu thảo đến đâu, bạn cũng phải nhớ ‘định luật chim sẻ’ Đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ thấu hiểu sâu sắc về cuộc đời. Con cái dù hiếu thảo đến đâu, bạn cũng phải hiểu rõ “định luật chim sẻ” để có thể sống thoải mái, hạnh phúc trong suốt quãng đời còn lại. Vợ nuôi 4 con cún để ‘chữa lành’, con cái thì bỏ bê Mấy tháng nay, vợ cứ mở miệng ra là đòi “chữa lành” vì áp lực cuộc sống. Thế rồi một ngày đẹp trời, vợ mang về 4 con cún cảnh để thực hiện mục đích.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-chi-cach-diu-con-qua-khung-hoang-tam-ly-2327543.html