LTS: Có lẽ không nhiều Tập đoàn trên mảnh đất hình chữ S này có một lực lượng công nhân đông đảo như Tập đoàn CN Than – Khoảng sản Việt Nam. Nhân Tháng Công nhân, chúng tôi xin giới thiệu một một số gương mặt người lao động với những tâm sự hết sức đời thường của họ…
14 năm làm lò, tôi có thâm niên 12 năm làm tổ trưởng. Trong ca sản xuất, tôi thường xuyên đi từng vị trí kiểm tra, chỗ nào lò yếu thì túc trực, cùng anh em xử lý khi nào xong mới rời sang vị trí khác. Thợ lò đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm nên cần nêu cao tinh thần tự chủ an toàn. Với tinh thần đó, nhiều năm nay, tổ của tôi không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nào.
Cuối năm ngoái, Phân xưởng Khai thác 2 của Xí nghiệp xảy ra sự cố tụt lò, mọi người đều thoát được ra, riêng thợ lò Vũ Văn Đức bị kẹt lại trong gương. Được đơn vị tín nhiệm điều động đến hỗ trợ, tôi cùng anh em trong tổ bình tĩnh củng cố lại đường lò để nhanh chóng tiếp cận chỗ đồng nghiệp gặp nạn. Sau 4 giờ làm việc khẩn trương, tôi và đồng nghiệp tiếp cận được tới khu vực Đức bị kẹt và đưa anh thoát ra ngoài. Qua sự cố đó không làm nhụt chí chúng tôi trái lại khiến chúng tôi càng thêm kiên gan.
Lương Thị Thanh Hải, PX Chế biến than 2 – Công ty CP Kinh doanh than Cẩm Phả: Mong cuộc sống ổn định hơn
Nghề của chúng tôi khá vất vả với phụ nữ. Trời mưa than ướt không sàng được còn trời nóng thì quá vất vả luôn. Nóng thiêu đốt, gió quất bụi ràn rạt. Hai, ba lớp khăn che mặt mà cũng chả ăn thua. Nhưng vẫn phải bám lấy nghề thôi vì trong thời buổi “người khôn của khó” này kiếm được một công việc như thế này cũng không phải dễ. Sau tôi còn 3 đứa con đang trong độ tuổi ăn học nữa.
Lê Bá Hậu, thợ lò bậc 6/6 – Công ty Than Dương Huy: Mong muốn điều chỉnh mức thuế thu nhập cho thợ lò
Lê Bá Hậu quê ở Nam Sách, Hải Dương. Như bao thanh niên thời ấy ở làng anh, đến tuổi trưởng thành, anh Hậu xách ba lô tìm đến Quảng Ninh học nghề lò, làm nghề lò, rồi yêu nghề lò lúc nào không hay. Nhờ chăm chỉ, cần mẫn làm việc, anh đã mua được đất, xây được nhà khang trang ở Cẩm Phả và đón vợ con ở quê ra. Hiện tại, mức lương trung bình hàng tháng của anh Hậu đạt từ 12-13 triệu đồng. Năm 2012, có những tháng, lương của Hậu đạt 15 triệu đồng.
Ổn định ở đất mỏ, anh Hậu còn “tư vấn” và kéo cậu em trai kế mình là Lê Bá Đảm về làm việc ở Dương Huy. Anh Đảm hiện là tổ trưởng Tổ cơ điện Phân xưởng Khai thác 8. Tâm sự về nghề, anh Hậu chia sẻ “điều kiện làm việc của thợ lò ngày càng được cải thiện rõ rệt, ăn tự chọn, ở chung cư hiện đại… chỉ có điều chúng tôi đang rất “ngại” về khoản thuế thu nhập hàng tháng. Như trường hợp một đồng nghiệp của tôi, anh Đào Gia Thơ – Phân xưởng Đào lò 1, thu nhập tháng 3 vừa qua đạt gần 20 triệu. Đây là mức kỷ lục, ghi nhận nỗ lực hết mình của anh Thơ bởi đặc thù lao động hầm lò vô cùng nặng nhọc, vất vả, độc hại. Tuy nhiên, riêng tiền thuế thu nhập tháng 3 đã mất hơn 3 triệu đồng rồi, chiếm 15% tổng mức lương. “Chỉ mong mức thuế thu nhập được điều chỉnh, nhất là với công nhân khai thác hầm lò chúng tôi” – anh Hậu nói.
Anh Đỗ Minh Yên, Phó Quản đốc Công trường Khai thác 3, Công ty than Khe Chàm: Mong có nhiều việc làm cho vợ thợ lò
Qua tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh em thợ lò, cũng như bản thân, tôi thấy phần lớn vợ thợ lò đều chưa có việc làm. Thiết nghĩ, Tập đoàn hay Công ty bố trí được ngành nghề nào đó, giải quyết phần nào công việc cho vợ thợ lò thì thợ lò sẽ ổn định cuộc sống và gắn bó hơn với nghề.
Chị Trần Thị Hòa, Tổ trưởng Tổ gia công than cục, phân xưởng Sàng, Công ty than Quang Hanh: Tạo điều kiện để chị em được cống hiến nhiều hơn.
Anh Nguyễn Xuân Thịnh – PQĐ PX Phụ trợ, Công ty Kim loại màu Thái Nguyên: Khiêm tốn sẽ “được” nhiều thứ
Chính từ quan điểm đó mà trong công việc anh luôn tận tâm. Anh thường xuyên ở lại sau giờ làm việc cùng anh em tìm tòi để giải quyết bằng được những “ca khó” hay nhiều đêm thức trắng để mày mò, nghiên cứu tài liệu phục vụ cho việc sửa chữa. Bởi vậy, rất nhiều sáng kiến của anh đã được áp dụng, mang lại hiệu quả không nhỏ cho đơn vị như cải tiến con lăn đồ gá máy tiện để tự làm, cải tiến quạt hút sau túi vải làm lợi hơn 100 triệu đồng… nhưng sáng kiến mà anh nhớ nhất là cải tạo đường dẫn điện của dầm cầu trục đã mang lại ý nghĩa thiết thực, một năm sau đó không xảy ra hỏng hóc thay vì trước đây cứ 1 ca lại phải dừng sửa chữa 1 – 2 lần.
Được lãnh đạo tin tưởng giao làm PQĐ Phân xưởng Phụ trợ, anh tích cực bảo ban anh em, tận tình chỉ bảo những gì đội ngũ thợ trẻ còn thiếu và yếu để nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Nhiệm vụ chính của Phân xưởng Phụ trợ là tất cả các công việc phụ trợ như gia công chế tạo, lắp đặt sửa chữa thiết bị, xây dựng, vệ sinh môi trường để đảm bảo cho sản xuất chính được thông suốt nên cứ công việc nào có thể làm được, dù nhỏ anh cũng nhận về để tạo việc cho anh em, tránh tối đa phải thuê ngoài. Mới đây, Phân xưởng anh đã hoàn thành xong phần Y kết cấu của công trình “chế tạo xây dựng bể chứa axit, nâng cao chất lượng nhà máy kẽm từ 10.000 – 15.000” đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả hơn nhiều so với đi thuê ngoài. Với những đóng góp của anh, anh đã được nhận nhiều Bằng khen của Công ty, Công đoàn TKV và Tập đoàn, nhiều năm liền là thợ giỏi cấp tỉnh Thái Nguyên, cấp Tập đoàn. Tâm sự về những yếu tố để đạt được kết quả ấy, anh Thịnh cười hiền: Khiêm tốn sẽ “được” nhiều thứ.
Chị Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm Nhà ăn số 8, Công ty CP Than Vàng Danh: Nhớ cơm bếp mỏ Vàng Danh
Đến Nhà ăn số 8 – đơn vị từng được nhận cờ dẫn đầu Tập đoàn về nhà ăn kiểu mẫu đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng. Nhà ăn được sắp xếp khoa học từ khu vực chế biến thô đến chế biến tinh, quầy phục vụ sạch sẽ theo một quy trình khép kín. Chị Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm nhà ăn cho biết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu nên riêng nguồn lương thực, thực phẩm đầu vào được Công ty chọn một đối tác cung cấp ổn định, có uy tín. Đồng thời, để thực đơn phong phú, thợ lò có nhiều lựa chọn, chị em cấp dưỡng ở đây luôn có ý thức học hỏi, để từ những thực phẩm chính như trứng, thịt, cá có thể chế biến được nhiều món ăn phong phú và đa dạng. Công ty cũng định kỳ tổ chức tập huấn, nâng cao tay nghề cho chị em.
Đặc biệt, trong khi giá cả thị tường tăng đột biến như hiện nay để bữa ăn công nghiệp vẫn đảm bảo về số lượng và chất lượng thì ngoài việc nhà ăn tiết kiệm tối đa thực phẩm khi chế biến như giảm lượng dầu mỡ, không bỏ mỡ thừa thì cũng phải cân đối tài chính để có sự điều phối cho phù hợp. Hiện tại Nhà ăn số 8 đang phục vụ 3 ca: ca 1 duy trì đóng cơm hộp đưa vào lò để ăn giữa ca; đầu ca 2, ca 3 có bánh mì và sữa cho thợ lò; cuối hai ca này, thợ lò về ăn tự chọn tại nhà ăn. Trung bình mỗi ca nhà ăn phục vụ từ 330 – 360 suất. “Nghề làm dâu trăm họ thì khó có thể vừa lòng tất cả mọi người nhưng được đa số anh em công nhân hài lòng, phản ánh là bữa ăn ngon, có nhiều món, phong phú hơn ở nhà, đi đâu cũng nhớ cơm bếp mỏ Vàng Danh là chúng tôi vui lắm rồi” – Chị Nhung chia sẻ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chung-toi-nhung-nguoi-tho-vinacomin-5138.htm” button=”Theo vinacomin”]