Ở Tây Nguyên, cả hai nhà máy sản xuất alumin đều đang ở trong giai đoạn xây dựng và riêng nhà máy sản xuất alumin Tân Rai cũng phải vài tháng nữa mới đi vào hoạt động. Nhưng ngay từ lúc này, công tác hoàn thổ, lo bảo vệ môi trường đã được triển khai khá bài bản và nhiệm vụ này được giao cho Công ty xây lắp môi trường Nhân Cơ.
Công ty xây lắp – môi trường Nhân Cơ được thành lập cuối năm 2010 trên cơ sở chia tách từ Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ. Trước mắt, khi chưa có việc khai thác bauxite, Công ty được Tập đoàn giao nhiệm vụ thi công những hạng mục ngoài hàng rào của 2 dự án xây dựng nhà máy sản xuất alumin ở Nhân Cơ Đăk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng). Ngoài ra, Công ty còn thực hiện thi công các công trình đầu tư của Tập đoàn trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Tại Đắk Nông, Công ty đang tiến hành hoàn thiện Đề án thăm dò mỏ bauxite 1-5 ở Quảng Sơn (Đắk Glong); tham gia khoan, thăm dò địa chất các hạng mục Hồ bùn đỏ, nhà máy tuyển quặng dự án alumin Nhân Cơ. Riêng Trung tâm Lâm sinh của Công ty đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phương án hoàn thổ; các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng hoàn thổ đất sau khi khai thác bauxite để ứng dụng và chuyển giao cho người dân. Trung tâm đang xây dựng trên diện tích đất 1,5 ha để nghiên cứu ứng dụng. Ông Dương cho biết thêm, sau khi hoàn thổ, việc trồng cây công nghiệp gì sẽ được bàn bạc thống nhất với chính quyền địa phương để áp dụng phù hợp với trình độ, thói quen của bà con các dân tộc. Nếu cần thiết có thể tổ chức đào tạo, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức trong nhân dân về trồng trọt để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mặc dù mới thành lập nhưng với số lượng công việc khá lớn nên từ đầu năm 2011 đến nay, Công ty đã ký hợp đồng các hạng mục đạt giá trị 120 tỷ đồng. Sau khi ổn định công tác hoàn thổ khai thác, tiến tới Công ty sẽ tiếp tục mở rộng ngành nghề vươn mạnh ra ngoài, xây dựng các công trình môi trường khác cho địa phương. Trong mục tiêu phương hướng lâu dài, Công ty cũng sẽ phối kết hợp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để tính toán đến việc tái sử dụng bùn đỏ. Điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi theo ông Dương, nhiều nơi người ta đã nghiên cứu lấy được lượng sắt lớn trong bùn đỏ. Các nước tiên tiến đã dùng bùn đỏ để trung hòa nước thải ở các khu công nghiệp. Và vấn đề quan trọng hàng đầu là cần nghiên cứu sâu để bảo đảm an toàn cao nhất cho môi trường xung quanh khu vực khai thác bauxite.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/chu-dong-bao-ve-moi-truong-vung-khai-thac-bauxite-577.htm” button=”Theo vinacomin”]